Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra những thay đổi lịch sử

07:58, 19/04/2017

Sau trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người lo ngại sẽ làm nảy sinh tình trạng chuyên quyền, độc đoán, phá vỡ các nền tảng truyền thống lâu đời.

Thổ Nhĩ Kỳ vừa tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi một số điều khoản trong Hiến pháp nhằm tăng thêm quyền lực cho Tổng thống. Với những thay đổi đó, nhiều người kỳ vọng đất nước sẽ ổn định, phát triển hơn. Nhưng nhiều người cũng lo ngại sẽ làm nảy sinh tình trạng chuyên quyền, độc đoán, phá vỡ các nền tảng truyền thống lâu đời.

Vợ chồng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: AP.
Vợ chồng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: AP.

Ngay sau cuộc trưng cầu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp đã giành được 51,5% số phiếu ủng hộ, tức nhiều hơn phe phản đối 1,3 triệu phiếu. Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 86%.

Mặc dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân sẽ chính thức được công bố sau hơn 1 tuần nữa, nhưng chúng ta có thể nhận thấy sẽ có sự thay đổi căn bản trong hệ thống cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, hệ thống Nghị viện sẽ trở thành một hệ thống Tổng thống.

Tổng thống có thể tại vị 10 năm

Chức danh Thủ tướng sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó là Tổng thống - người đứng đầu nhà nước mang tính nghi thức - sẽ trở thành người điều hành Chính phủ, được ban hành các sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp và đề xuất các khoản thu chi ngân sách.

Tổng thống cũng sẽ được trao quyền bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm các chức danh Phó Tổng thống, Bộ trưởng và các quan chức cao cấp của Chính phủ, quyền được giải tán Quốc hội và cho phép tiến hành các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống.

Quan trọng nhất, ông Erdogan có thể nắm giữ quyền lực tới tận 2029 nếu như ông chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2019 và năm 2024.

Trong khi đó, số nghị sĩ trong Quốc hội sẽ tăng từ 550 lên 600 người, tuổi tối thiểu để trở thành một nghị sĩ sẽ giảm từ 25 xuống còn 18 tuổi, và cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống sẽ được tiến hành 5 năm một lần.

Tuy nhiên, những sửa đổi trong Hiến pháp sẽ có hiệu lực sau cuộc bầu cử Tổng thống và Nghị viện vào tháng 11/2019, vào thời điểm vai trò của thủ tướng sẽ chính thức bị bãi bỏ.

Tổng thống sẽ thành một “siêu quyền lực”

Trước cuộc trưng cầu ý dân, các đảng phái chính trị và người dân đã có sự phân hóa sâu sắc xung quanh việc trao quyền tập trung cho Tổng thống.

Thổ Nhĩ Kỳ: Biểu tình quy mô lớn phản đối kết quả trừng cầu ý dân. Ảnh: AFP/TTXVN.
Thổ Nhĩ Kỳ: Biểu tình quy mô lớn phản đối kết quả trừng cầu ý dân. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận, tương lai của đất nước đang đứng trước những thách thức lớn về chính trị và an ninh. Đó là lợi thế với chính quyền của Tổng thống Erdogan nhằm củng cố niềm tin của đa số người dân về cải cách Hiến pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp bách của đất nước, nhất là sau cuộc đảo chính quân sựbất thành hồi tháng 7/2016 khiến hơn 200 người chết.

Những người ủng hộ Tổng thống Erdogan đều tin rằng, sự thay đổi này là cần thiết nhằm giúp chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể vượt qua các rào cản từ Quốc hội, qua đó giúp chính phủ xây dựng được cơ chế quản trị, điều hành một cách hiệu quả, có thể ngăn chặn được các vụ tấn công phá hoại do nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tay súng người Kurd gây ra, cũng như giúp phục hồi nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, làm giảm tệ nạn quan liêu và cải thiện đời sống dân sinh. Những người ủng hộ còn mong muốn đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại thời kỳ hoàng kim trong quá khứ.

Nhiều thách thức với ông Erdogan

Việc sửa đổi Hiến pháp có thể giúp Tổng thống Erdogan củng cố quyền lực nhằm định hình lại đất nước, nhưng cũng sẽ khiến ông phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhất là nguy cơ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình trạng chia rẽ nội bộ và bất ổn khó lường.

Có thể thấy, kết quả bỏ phiếu đã không có nhiều chênh lệch (51,5% nói có, 48,5% nói không), trong đó 3 thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Istanbul, đã bỏ phiếu “không” với cải cách Hiến pháp. Số phản đối lo ngại, dự luật sửa đổi Hiến pháp sẽ làm nảy sinh tình trạng chuyên quyền, độc đoán, phá vỡ các nền tảng truyền thống lâu đời, và càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ rời xa các giá trị dân chủ kiểu phương Tây.

Bất ổn gia tăng sau khi kết quả được công bố, rất nhiều người dân ở thành phố Istabul đã đổ ra đường để bày tỏ thái độ phản đối. Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), phe đối lập chính tại Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, sẽ yêu cầu kiểm tra lại khoảng 60% số phiếu trong cuộc trưng cầu vì cho rằng Ủy ban bầu cử đã sai sót, để nhiều lá phiếu không được dán tem theo quy định.

Ngoài ra, kết quả cuộc trưng cầu ý dân cũng được cho là mang tính quyết định đối với mối quan hệ vốn đang rất căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), từ đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị, an ninh và kinh tế của nước này, nhất là khi Tổng thống Erdogan có thể đưa ra những chính sách gây tổn hại xấu đến mối quan hệ với EU.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU tiếp tục căng thẳng

Ngay trước cuộc trưng cầu trên, mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước EU đã leo thang do bất đồng quan điểm của mỗi bên về vấn đề này. Việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn “có” càng khiến cho quan hệ hai bên thêm căng thẳng. Nhiều nhà quan sát khu vực cho rằng, việc cải cách Hiến pháp này sẽ định hình lại mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).

Mối quan hệ vẫn đang là “tương hỗ” khi mỗi bên đều có lợi ích và trách nhiệm đan xen nhau.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, muốn được gia nhập EU để hưởng những ưu đãi về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, cũng như cả những phúc lợi xã hội từ khối này.

Trong khi đó, châu Âu không muốn làm đổ vỡ mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bởi nước này là thành viên lớn trong khối NATO và giữ vai trò địa chính trị quan trọng tại cửa ngõ châu Âu; cùng với Libya và Mali, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng trong giải quyết khủng hoảng di cư.Chính sự ràng buộc lợi ích này buộc các nhà lãnh đạo EU phải thận trọng trong các phản ứng của mình sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố. Căng thẳng gia tăng chỉ càng gây bất lợi cho cả hai.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tiếp tục, nhưng chưa thể bị phá vỡ cho đến khi Tổng thống Erdogan chính thức được trao quyền lực tập trung theo nội dung cải cách Hiến pháp mới. Trong khi đó, EU chắc chắn sẽ phải xem xét, cân nhắc đến mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ khi các lợi ích về an ninh, địa chính trị có thể bị ảnh hưởng bởi các quyết sách cứng rắn của Tổng thống Erdogan.

Có hai kịch bản xảy ra:

Một là, EU sẽ phải chủ động hạ nhiệt căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó đồng ý một số nhượng bộ nhất định về chính trị (như việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi tiến trình gia nhập khối) và kinh tế (tăng khoản hỗ trợ trong thỏa thuận về hạn chế người di cư) nhằm đổi lại các lợi ích an ninh của khối, gồm vấn đề người di cư, cuộc chiến chống khủng bố.

Hai là, EU thấy rằng, thỏa thuận về người di cư với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài, các bất đồng dân chủ, nhân quyền sẽ tiếp tục là rào cản lớn trong việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi Tổng thống Erdogan có thể thao túng chính trường và tại vị lâu dài. Do đó, khả năng EU sẽ phải tính toán đến việc rút lại các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, thay vào đó là các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an ninh trong khối, cũng như thúc đẩy cơ chế quản lý người tị nạn tại các quốc gia lân cận như Jordan, Lebanon để giảm tải dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu buộc phải lựa chọn rời xa châu Âu, khả năng Nga và Trung Quốc sẽ là đối tác thay thế tiềm năng giúp Ankara đảm bảo được thế cân bằng về chính trị, an ninh và kinh tế ở khu vực.

(Theo VOV)