Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Dân Catalan đi bỏ phiếu, Tây Ban Nha tuyên bố không có 'trưng cầu'

08:19, 02/10/2017

Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố "ngày hôm nay, đã không có cuộc trưng cầu ý dân nào".

Ngày Chủ nhật căng thẳng

Chủ nhật 1/10/2017 có thể sẽ là một ngày đi vào lịch sử vùng Catalan. Bất chấp lệnh cấm cũng như sự cản trở từ phía chính quyền Tây Ban Nha, rất nhiều người dân vùng này đã đi bỏ phiếu đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, điểm tranh cãi đầu tiên đến từ chính tên gọi của sự kiện này. Người Catalan gọi đó là cuộc trưng cầu ý dân. Nhưng trong tối 1/10, Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy xuất hiện trên truyền hình và tuyên bố “ngày hôm nay, đã không có cuộc trưng cầu ý dân nào”.

Người dân Catalan biểu tình đòi độc lập. (Ảnh: Reuters)
Người dân Catalan biểu tình đòi độc lập. (Ảnh: Reuters)

Trước hết, vì theo phán quyết của Toà Hiến pháp của Tây Ban Nha, sự kiện này vi hiến và phạm luật, tức về mặt chính thức theo luật cao nhất của Tây Ban Nha, nó hoàn toàn không có giá trị về mặt pháp lý. Điều này khác hẳn với cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của Scotland để tách khỏi Vương quốc Anh hồi năm 2014, là một cuộc trưng cầu ý dân hoàn toàn hợp pháp.

Chính vì thế, chính quyền Tây Ban Nha, bên cạnh việc tìm mọi cách phong toả và cản trở cuộc “trưng cầu ý dân”, thì cũng không đưa ra bất cứ con số chính thức nào về số người đi bỏ phiếu hay kết quả ra sao. Tất cả những điều này, cộng thêm sự mù mờ trong công tác tổ chức bỏ phiếu và kiểm phiếu, khiến việc đưa ra các con số chính xác là rất phức tạp và có thể thiếu khách quan.

Tất nhiên, trên thực tế thì cuộc trưng cầu vẫn diễn ra và chính quyền Catalan cũng đưa ra nhiều con số, chẳng hạn thông tin về việc 133 điểm bỏ phiếu vẫn mở cửa và hoạt động hôm Chủ nhật… và khẳng định là có rất đông, thậm chí là 3 triệu người (tức gần 1/2 dân số Catalan) đã đi bầu. Nhưng các thông tin này chỉ mang tính tham khảo.

Thực tế đáng quan tâm hơn, đó là bầu không khí trong ngày Chủ nhật tại vùng Catalan đã rất căng thẳng và mang màu sắc bạo lực. Theo thông báo của chính quyền vùng Catalan thì đã có 91 người bị thương và 761 người phải nhờ đến chăm sóc y tế do xô xát với lực lượng cảnh sát. Về phía cảnh sát thì cũng đã có hơn 10 người bị thương nhẹ, chủ yếu khi ngăn cản và tịch thu các hòm phiếu.

Chính quyền trung ương Tây Ban Nha đã huy động đến 10.000 cảnh sát đến hỗ trợ cảnh sát địa phương và tuyên bố không dùng vũ lực. Các quan chức ly khai ở vùng Catalan cũng kêu gọi người đi bầu ôn hoà nhưng xô xát là khó tránh bởi ý định của hai bên là quá khác biệt.

May mắn là cho đến khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, đã không có các vụ đụng độ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nào xảy ra.

Ly khai hay muốn nhiều quyền lực hơn?

Việc vùng Catalan có ý định ly khai khỏi Tây Ban Nha là một thực tế lịch sử và chính trị lâu dài.

Về mặt lịch sử và xã hội, thì Tây Ban Nha trước hết là một đất nước có tính vùng miền rất cao và Catalan chỉ là 1 trong 17 vùng tự trị của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đây lại là vùng có sức mạnh kinh tế và sức hút văn hoá hàng đầu của Tây Ban Nha.

Dân số vùng Catalan khoảng 7,5 triệu người, chiếm 16% dân số Tây Ban Nha nhưng GDP chiếm 20% còn thành phố Barcelona cũng là điểm du lịch đông khách nhất của Tây Ban Nha.

Chính vì điều này nên người dân Catalan thường hay có cảm giác là mình “mất” nhiều hơn “được” khi nằm trong Tây Ban Nha, đặc biệt là khi vùng Catalan lại không được chính quyền trung ương ở Madrid giao cho toàn quyền xử lý việc thu và sử dụng thuế trong vùng, khác với vùng xứ Basque. Đây là yếu tố kinh tế chính yếu khiến người dân vùng Catalan bất mãn với chính quyền trung ương.

Cảnh sát Tây Ban Nha cố gắng kiểm soát đám đông người Catalan. Nhiều cuộc đụng độ đã diễn ra giữa đám đông và cảnh sát. (Ảnh: AP)
Cảnh sát Tây Ban Nha cố gắng kiểm soát đám đông người Catalan. Nhiều cuộc đụng độ đã diễn ra giữa đám đông và cảnh sát. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, làn sóng ly khai chỉ mạnh lên từ năm 2010 đến nay sau khi đảng cánh hữu Dân chủ nhân dân (PP) lên nắm quyền ở Tây Ban Nha và yêu cầu sửa đổi Hiến pháp.

Việc sửa đổi này đã loại bỏ đến 14 điều liên quan đến quy chế tự trị của Catalan, trong đó có các chủ đề rất nhạy cảm như không công nhận sự tồn tại của “dân tộc Catalan” và không coi tiếng Catalan là ngôn ngữ ưu tiên sử dụng trong hành chính và trên phương tiện truyền thông.

Các đảng phái và nhiều người dân Catalan coi đây là một sự bội ước với các cam kết của các đời chính phủ cánh tả trước đó ở Madrid về việc trao quyền tự trị rộng lớn hơn cho vùng Catalan. Những bất đồng chính trị này đã làm gia tăng tâm lý ly khai tại vùng Catalan. Minh chứng là vào năm 2010, chỉ khoảng 15% người dân Catalan muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha nhưng vào năm 2017, con số này đã lên đến ít nhất 40%.

Chính vì thế, giới quan sát nhận định, làn sóng ly khai ở Catalan chỉ có thể giải quyết bằng con đường chính trị, với một lộ trình lâu dài.

Đó, thực ra cũng là mục đích chính của các lãnh đạo phong trào ly khai ở Catalan khi kiên quyết tổ chức trưng cầu ý dân, thậm chí sẵn sàng bị bắt vì phạm luật, qua đó gây sức ép chính trị và truyền thông để buộc chính quyền trung ương đàm phán lại một quy chế tự trị có nhiều quyền lực hơn.

Tuy nhiên, tiến trình này hứa hẹn phức tạp bởi quan điểm của chính phủ Tây Ban Nha hiện tại là rất cứng rắn và kiên quyết trong xử lý các ý định ly khai.

Tiền lệ nguy hiểm

Đến thời điểm này, phản ứng của Liên minh châu Âu về chủ đề Catalan là vẫn bám chặt vào “học thuyết Prodi”, tức là quan điểm của cựu Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Romano Prodi đưa ra năm 2004, theo đó bất cứ nhà nước nào ra đời từ sự ly khai trong nội bộ Liên minh châu Âu sẽ không tự động được coi là một phần của Liên minh châu Âu.

Uỷ ban và Nghị viện châu Âu sẽ phải xem xét hồ sơ và sau đó nhà nước ly khai phải trải qua cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng châu Âu, phải nhận được lá phiếu đồng thuận và phải được toàn bộ các thành viên Liên minh châu Âu phê chuẩn thoả thuận gia nhập.

Như vậy, ngay cả trong trường hợp vùng Catalan có tách ra khỏi Tây Ban Nhà độc lập thì cũng sẽ phải trải qua một loạt các trình tự phức tạp nếu muốn làm thành viên Liên minh châu Âu.

Về quan điểm chính thức, Liên minh châu Âu không công khai bàn luận về cuộc trưng cầu ý dân ở Catalan nhưng thực tế thì châu Âu ngả theo hướng ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha khi khẳng định “luôn luôn tôn trọng Hiến pháp và tổ chức pháp lý của các quốc gia thành viên”.

Các chuyến đi vận động của các quan chức Catalan thời gian qua đến Brussels cũng không thành công và bị đón nhận rất thận trọng.

Điều này là dễ hiểu bởi thực tế chính trị tại châu Âu cho thấy, nếu vùng Catalan ly khai thì sẽ là một tiền lệ nguy hiểm và nhiều bất trắc cho các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Ví dụ: Pháp vẫn phải đối mặt với vấn đề đảo Corse hay Bỉ với vùng Flander nói tiếng Hà Lan. Và tất nhiên, rủi ro nhất là cho Tây Ban Nha bởi ở nước này còn có một phong trào ly khai nguy hiểm hơn nhiều vùng Catalan, là vùng xứ Basque.

Vì thế, Liên minh châu Âu chắc chắn không muốn có một sự bất ổn chính trị tại các nước thành viên, nhất là một thành viên lớn như Tây Ban Nha. Ngoài ra, sẽ khó có chuyện các nước như Pháp hay Bỉ lại công nhận nhà nước ly khai Catalan.

Về tổng thể, với châu Âu thì rõ ràng phong trào ly khai ở vùng Catalan như hiện nay là một điều bất trắc và không được hoan nghênh./.

Theo VOV