Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Điểm tựa của đồng bào vùng biên

08:46, 06/05/2017

Nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, cách trung tâm xã gần 20km, bản Cò Phạt và bản Búng là hai bản tiếp giáp với nước bạn Lào. Đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn nhưng nghĩa tình quân dân giữa đồng bào và các cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Môn Sơn luôn ấm áp. Đặc biệt, từ khi phòng khám quân dân y kết hợp của Đồn được đưa vào hoạt động đã trở thành điểm tựa của đồng bào vùng biên trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Bản Cò Phạt và bản Búng là 2 bản có 100% là đồng bào dân tộc Đan Lai, Những năm trước đây, quan niệm “trời sinh, trời dưỡng” vẫn còn ăn sâu vào trong đời sống của người dân, chính vì vậy, mỗi lần trong bản có người đau ốm, người dân đều mời thầy cúng, dùng lá cây, rễ cây để chữa bệnh. Vì vậy, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi người dân không tiếp cận với dịch vụ y tế và chữa bệnh bằng phương thức lạc hậu.

Từ thực tế đó, năm 2010, từ nguồn kinh phí  hỗ trợ 300 triệu đồng của Tổng công ty dầu khí và Cục trinh sát bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, Đồn biên phòng Môn Sơn đã  xây dựng trạm quân dân y kết hợp tại bản Cò Phạt. Cũng trong khoảng thời gian này, được chương trình Vì nghĩa tình Trường Sơn báo Sài Gòn Giải Phóng và Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, đồn biên phòng Môn Sơn cũng đã xây dựng thêm 1 trạm quân dân y đóng tại bản Khe Búng.

Cán bộ Trạm quân y Cò Phạt khám và hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho bà con Đan Lai.jpg
Cán bộ Trạm quân y Cò Phạt khám và hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho bà con Đan Lai

Đối với đồng bào dân tộc Đan Lai, sự ra đời của Trạm quân dân y kết hợp ngay tại bản đã giúp bà con nâng cao đời sống, từ bỏ những hủ tục lạc hậu, không còn cảnh cúng bái chữa bệnh khi ốm đau, thay vào đó bà con tìm đến Trạm quân dân y của Đồn biên phòng để khám và lấy thuốc uống theo sự hướng dẫn của các y, bác sỹ.

Bà Vi Thị Nghệ - người dân Bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, Con Cuông chia sẻ:  Hồi trước con cái ốm đau, nhiều người thì cũng chữa được, nhiều trường hợp thì đành phải chịu vì đi xuống huyện thì rất xa, đi xe thì không có đường, đi xuồng cũng chưa có…nay con cái ốm đau thì đưa đến trạm xá của biên phòng, được các cán bộ y, bác sỹ cứu chữa kịp thời nên bà con giờ phấn khởi và tin tưởng nhiều lắm, việc tự chữa bệnh trong nhà đã không còn nữa.

Niềm vui của bà Nghệ cũng là niềm vui chung của đồng bào Đan Lai nơi vùng biên cương xa xôi của huyện Con Cuông. Bởi từ khi thành lập đến nay, nhờ có lực lượng thầy thuốc tại chỗ, cơ sở tại chỗ nên trạm đã triển khai hiệu quả công tác khám chữa, chữa bệnh ban đầu cho hàng ngàn lượt hộ dân.

Thượng úy Nguyễn Văn Hanh - Cán bộ Trạm quân dân y kết hợp bản Cò Phạt cho biết thêm: Trước đây, đồng bào còn ngại đến Trạm y tế để khám chữa bệnh, cán bộ của Đồn cũng như cán bộ y tế phải đến từng hộ để tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ cách chữa bệnh theo kiểu truyền thống và đến Trạm y tế để được khám, chữa bệnh đúng cách. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời đã chứng minh cho đồng bào thấy được hiệu quả của việc chữa bệnh tại Trạm y tế, đến nay, đa số đồng bào các dân tộc đã từ bỏ thầy cúng, bà mụ và đã đến cơ sở y tế trong lúc ốm đau. Hàng năm, Trạm y tế quân dân y kết hợp khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 150 lượt bệnh nhân.

Bà con Đan Lai được tiếp cận với các máy móc hiện đại như siêu âm để sàng lọc, kịp thời phát hiện các loại bệnh.jpg
Bà con Đan Lai được tiếp cận với các máy móc hiện đại như siêu âm để sàng lọc, kịp thời phát hiện các loại bệnh

Ngoài ra, hàng năm, Đồn biên phòng Môn Sơn còn phối hợp với các đoàn, đơn vị của Bộ tư lệnh, Bộ chỉ huy bộ đôi biên phòng Tỉnh về khám và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nơi đây. Mới đây, Trạm đã phối hợp với Đoàn y, bác sỹ thuộc bệnh xá 359 Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng và quân y Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An khám và cấp thuốc miễn phí cho gần 600 hộ dân tại 2 bản Cò Phạt, bản Búng . Trong thời gian 1 ngày,  bà con nhân dân được đoàn khám, cấp thuốc và  hướng dẫn dùng thuốc chữa một số bệnh thường gặp như: viên mũi, họng; viêm đường hô hấp; nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng; cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau  mắt…

Thượng tá Nguyễn Trung Hà -  Đồn trưởng Đồn biên phòng Môn Sơn cho biết: Cùng với khám điều trị bệnh cho đồng bào Đan Lai, cán bộ của hai Trạm y tế quân dân y kết hợp của Đồn còn thường xuyên đến nhà người dân thăm hỏi tình hình sức khỏe, tuyên truyền vận động bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu, hướng dẫn người dân cách ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, đặc biệt là cách phòng chống những căn bệnh thường gặp ở vùng rừng núi như sốt rét, sốt xuất huyết.Từ chỗ bà con dân tộc tự chữa bệnh tại nhà thì giờ đây mỗi lúc ốm đau, họ đều tìm đến Trạm y tế quân dân y kết hợp của Đồn biên phòng để được khám.

Có thể nói, sự nhiệt tình, tâm huyết của các thầy thuốc quân hàm xanh ở vùng biên giới Môn Sơn không chỉ góp phần giúp đồng bào vùng sâu vùng xa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe mà những việc làm ý nghĩa của các anh còn thể hiện tình cảm, sự đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, góp phần tô đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, tạo niềm tin sâu sắc trong lòng nhân dân.

Có thể nói, sự nhiệt tình, tâm huyết của các thầy thuốc quân hàm xanh ở vùng biên giới Môn Sơn không chỉ góp phần giúp đồng bào vùng sâu vùng xa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe mà những việc làm ý nghĩa của các anh còn thể hiện tình cảm, sự đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, góp phần tô đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, tạo niềm tin sâu sắc trong lòng nhân dân.

(Minh Hạnh - Đài Con Cuông)