Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

UBND tỉnh cho ý kiến về đề án phát triển sản phẩm du lịch

11:01, 14/02/2019
Sáng nay (14/2), UBND tỉnh họp và cho ý kiến về đề án phát triển sản phẩm, hàng hóa phục vụ du lịch Nghệ An giai đoạn 2019 - 2025. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Theo thống kê mỗi năm Nghệ An đón khoảng 5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thế nhưng sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tạo được dấu ấn và không mang bản sắc truyền thống của địa phương. Vì vậy phát triển các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch là hết sức cần thiết. Qua điều tra khảo sát, cả tỉnh hiện có khoảng 204 cơ sở sản xuất có thể đưa vào phát triển thành sản phẩm hàng hóa lưu niệm với 103 loại sản phẩm trong đó: nhóm chế biến từ nông sản, thực phẩm là 61 sản phẩm; nhóm đồ uống, thảo dược 11 sản phẩm; nhóm trang sức, phục sức 2 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 18 sản phẩm và chế biến hải sản là 12 sản phẩm.

Lãnh đạo Sở Công thương báo cáo đề án.
Lãnh đạo Sở Công thương báo cáo đề án.

Góp ý cho đề án, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc hình thành trung tâm, các làng nghề sản xuất phải gắn với tua, tuyến cố định; Các cơ chế chính sách để hỗ trợ các làng nghề cũng như các điểm bán hàng tập trung phục vụ du khách; vai trò của các đơn vị lữ hành trong việc đưa khách về với các điểm bán hàng, góp phần quảng bá và đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu giai đoạn 2019 – 2025, xây dựng thành công từ 2 – 3 mô hình Làng văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với sản xuất các sản phẩm lưu niệm. Đến năm 2025, đầu tư xây dựng từ 5 – 7 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm hàng hóa lưu niệm tập trung tại các địa danh du lịch; tạo việc làm và nâng cao mức thu nhập cho khoảng 100.000 – 120.000 lao động trực tiếp làm việc ở các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống khu vực nông thôn chuyên cung cấp các sản phẩm lưu niệm và khoảng 50.000 lao động tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch.

Phó
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh khẳng định: Đề án cần được xây dựng trên tinh thần cơ chế mở, nghĩa là không giới hạn về thời gian và không gian. Đồng thời, cần bổ sung vào Đề án nội dung đào tạo nguồn nhân lực; các loại sản phẩm gắn liền với từng tour, tuyến du lịch, sản phẩm có tính gia truyền; bổ sung thêm một số sản phẩm đặc trưng của các địa phương... Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương tiếp tục chỉnh sửa các đề mục theo góp ý của các sở, ngành, bổ sung, hoàn thiện đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành./.

Cẩm Thùy - Trường Ca