Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Diễn Châu: Đẩy mạnh phục dựng văn bia, nhà thánh

09:01, 16/04/2017

Cùng với truyền thống hiếu học, khoa bảng thì Diễn Châu còn có truyền thống tôn vinh sự học. Bằng chứng cụ thể là rất nhiều văn bia, nhà văn thánh ghi nhận, cổ vũ việc học hành thành đạt được giữ gìn và phục dựng tại các làng quê, đền thờ, đình làng.

Nhà văn thánh không chỉ là nơi lưu giữ truyền thống hiếu học, khổ học của các bậc tiền nhân mà còn tuyền nhiệt huyết đam mê học hành, khát vọng chinh phục tri thức của những học trò làng.
Nhà văn thánh không chỉ là nơi lưu giữ truyền thống hiếu học, khổ học của các bậc tiền nhân mà còn tuyền nhiệt huyết đam mê học hành, khát vọng chinh phục tri thức của những học trò làng.

Nhà văn thánh của làng Văn Tập, xã Diễn Bình được những người đỗ đạt xây dựng năm 1717, đến nay đã tròn 300 năm tuổi. Nhà thánh là nơi thờ tự Khổng Tử, các học trò xuất sắc của Khổng tử, thầy giáo Chu Văn An và các vị khoa bảng của làng. Với sự ngưỡng mộ học hành nên tuy trải qua nhiều biến cố nhưng người làng vẫn giữ gìn phục dựng, mỗi năm hai lần đều tổ chức lễ cầu khoa tại nhà thánh.

Mỗi lần tổ chức giờ học ngoại khóa tại nhà văn thánh, bao giờ cũng gây nhiều hứng thú cho cô trò trường tiểu học Diễn Bình. Hai văn bia đề danh khắc sâu vào đá tên tuổi của 16 danh nhân đỗ đạt được đặt tại ví trí trang trọng tại nhà thánh hàng trăm năm tuổi cho thấy việc đề cao sự học của người xưa.

Bốn văn bia tại đền thờ Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa là điểm tham quan, tìm hiểu của học sinh và người dân trong huyện
Bốn văn bia tại đền thờ Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa là điểm tham quan, tìm hiểu của học sinh và người dân trong huyện

 Em Lê Hà Tiên, lớp 3B –Trường Tiểu học Diễn Bình cho hay: Hôm nay em được đến đây được nghe ông kể về những tấm gương hiếu học  em rất khâm phục họ và  tự hào về truyền thống hiếu học của quê hương. Em hứa với thầy cô, bố mẹ học thật giỏi để không phụ lòng người đi trước.

Còn ông Hoàng Sỹ Lai – người cao tuổi trông coi nhà thánh cho biết: Ngày xưa, hội tư văn gồm những người có học đã xây nên nhà thánh với hơn 1000 quan tiền, một năm 2 lần tế đinh không bao giờ bổ phế. Qua các cuộc chiến tranh đây là nơi chứa kho thóc, kho đạn rồi mở các lớp học cho học sinh và đã đào tạo ra hàng nghìn lớp học trò tại đây nên mới duy trì được nhà thánh này.

Trong 82 văn bia đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi 1.307 người đỗ tiến sỹ trong các kỳ thi tuyển triều Lê và Mạc thì dòng họ Ngô Diễn Kỷ có 5 tiến sỹ được ghi danh tại 4 tấm bia. Với tâm nguyện ghi nhớ công ơn tiên tổ nên dòng họ đã đề xuất và được Bộ Văn hóa Thông tin cho phép sao chép 4 tấm bia tại Văn Miếu có tên người đỗ đạt của dòng họ về đặt tại đền thờ. Bia được được tạo bằng đá xanh đặt trên lưng rùa, một bên nguyên bản chữ hán, một bên được phiên dịch ghi rõ tên tuổi, thứ bậc đỗ đạt, công tích các cụ Tổ một cách cụ thể, giúp con cháu dễ hiểu, dễ nhớ. Đây là những pho “sử đá” thể hiện văn hóa giáo dục và là niềm tự hào truyền thống hiếu học của dòng họ. Ông Ngô Sỹ Lương – Thành viên hội đồng giao tộc họ Ngô Diễn Kỷ cho biết: Chúng tôi đưa về được 4 văn bia là thành công lớn nhất của dòng họ Ngô Lý Trai chúng tôi. Con cháu từ già tới trẻ khi đến thắp hương cho tiên tổ đều thấy được công lao của các cụ trong việc dựng nước, cứu nước đời Lê.

Công trình bia tiến sỹ độc đáo của dòng họ
Công trình bia Tiến sỹ độc đáo của dòng họ

Theo sử sách thì việc xây dựng văn bia, nhà thánh ở Diễn Châu có từ khoảng thế kỷ XIV nhằm xướng danh và tôn vinh những bậc hiền tài, nêu gương khoa bảng. Nhờ vậy 7 tổng ở Diễn Châu đều xây dựng được nhà thánh và văn bia gọi là nhà thánh tổng, bên cạnh đó nhiều làng cũng dựng nhà thánh nhằm phát huy sự học. Tuy nhiên với sự  tàn phá của chiến tranh, nhiều nhà thánh, văn bia, đình làng bị mất đi.

Những năm gần đây, với việc phục hồi các giá trị truyền thống, Diễn Châu đã đẩy mạnh việv tạo dựng văn bia, nhà thánh lưu danh muôn đời. Qua đó đã có 5 nhà thánh, 8 đình làng đã được khôi phục. Đặc biệt gần 40 văn bia ghi danh khoa bảng đã được tập hợp, dịch thuật, được các địa phương, dòng họ giữ gìn cẩn thận.

Ông Đặng Quang Liễn vẫn miệt mài với việc dịch, phục hồi lại các văn bia
Ông Đặng Quang Liễn vẫn miệt mài với việc dịch, phục hồi lại các văn bia

Ông Đặng Quang Liễn – Hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: Nhà thánh hay còn gọi là nhà văn thánh, văn từ, văn chỉ, văn miếu. Ngày trước ở Diễn Châu có nhiều nhà thánh và có bia khắc tên của những người đỗ đạt. Nhà thánh tổng dăm bảy xã, rồi nhà thánh của từng làng. Tại các nhà thánh đều có văn bia ghi những người đỗ đạt của làng và những người đã góp công, góp của để xây dựng nhà thánh. Việc viết bia mất rất nhiều công sức. Đá vôi được ngâm đến khi mềm thì người thợ mới bắt đầu khắc chữ. Chính vì thế việc làm mới ngày nay là rất khó, chủ yếu là phục dựng lại. Trên cơ sở mình bảo tồn và lưu giữ văn bia nhà thánh thì  thì mình phải phát huy ảnh hưởng của nó để nhân dân, con cháu hiểu được, có như vậy mới bảo tồn được.

Văn bia, nhà thánh là những chứng tích cực kỳ quan trọng để góp phần khẳng định và tỏa sáng truyền thống khoa bảng danh tiếng của người Diễn Châu. Qua đó, làm phong phú thêm bản sắc truyền thống của mảnh đất  Diễn Châu đã có 1390 năm văn hiến.

(Mai Giang - Đài Diễn Châu)