TV & Video Hoạt động NTV
Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái ở Anh Sơn

10:42, 14/06/2019
Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của người phụ nữ Thái đã có từ lâu đời. Theo tập quán của đồng bào Thái trước đây con gái trước khi về nhà chồng đều phải dệt chăn, đệm làm quà tặng anh em nhà chồng, vừa để thể hiện sự khéo léo, đảm đang, vừa tỏ tấm lòng thơm thảo. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, nên nghề dệt thổ cẩm hiện đang có nguy cơ mai một. Những năm gần đây khôi phục, giữ nghề và phát triển nghề, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa đang là hướng đi của chị em phụ nữ Thái ở huyện Anh Sơn.

 

Tình yêu với nghề dệt thổ cẩm


Từ tình yêu nghề dệt thổ cẩm, hàng ngày vào những lúc rảnh rỗi, chị em phụ nữ bản Vĩnh Kim xã Hoa Sơn vẫn dành thời gian ngồi vào chiếc khung cửi để dệt nên những sản phẩm mang đậm nét truyền thống dân tộc, văn hóa của người Thái.

Vào những lúc rảnh rỗi, chị em phụ nữ CLB dệt thổ cẩm xã Thành Sơn lại dành thời gian ngồi vào chiếc khung cửi để học dệt.

Tiếp chuyện chúng tôi bên khung cửi, chị Hà Thị Tĩnh chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã được các bà, các mẹ dạy nghề dệt thổ cẩm. Đối với người Thái thì công việc gì cũng cần đến vải thổ cẩm. Người con gái Thái ngày trước thể hiện sự khéo léo, đảm đang bằng cách quay sợi, bật bông, phối màu, thêu hoa thật khéo để khi lấy chồng có chiếc khăn piêu, bộ chăn đệm đẹp tặng bố mẹ chồng.

Những tiếng thoi giữ nghề.
Những tiếng thoi giữ nghề.

Theo thời gian và sự phong phú của các sản phẩm may mặc thời kinh tế thị trường, nghề dệt truyền thống cứ mai một dần, vì vậy mong muốn giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc vẫn thôi thúc tôi khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình. Hiện nay toàn bản Vĩnh Kim vẫn duy trì được 7 tổ dệt tổ cẩm, mỗi tổ từ 3-4 người tham gia với tất cả 9 khung dệt. Hàng ngày cứ vào khoảng 7- 8 giờ tối, chị em lại tập trung lại để vừa trao đổi kinh nghiệm vừa sản xuất để giữ ghề và tăng thêm thu nhập.

Người con gái Thái trước khi về nhà chồng đều phải dệt chăn, đệm làm quà tặng anh em nhà chồng, vừa để thể hiện sự khéo léo, đảm đang.

 

Giữ "hồn văn hóa" dân tộc

 

Từ trung tâm xã Thành Sơn huyện Anh Sơn, ngược dòng sông Con đến với bản Bộng. Nơi đây được coi là một vùng văn hóa đậm đà bản sắc của huyện Anh Sơn, bên ngôi nhà sàn của gia đình bà Lương Thị Thành rôm rả tiếng nói cười của chị em phụ nữ trong CLB dệt thổ cẩm. Đang say sưa hướng dẫn các công đoạn cho chị em trong CLB bà Thành dừng lại chia sẻ: Riêng ở bản Bộng hiện nay ở bản số người biết dệt thổ cẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết đều đã già yếu. Từ lâu lắm rồi bà luôn mong ước khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cha ông để lại. Chính vì vậy khi có CLB dệt thổ cẩm do hội phụ nữ xã thành lập bà vui lắm. Bà đã vận động chị em trong bản tham gia các lớp học nghề và truyền đạt kinh nghiệm cho chị em để giữ lại nghề truyền thống của cha ông để lại.

Những sản phẩm của phụ nữ Thái ở Anh Sơn làm ra đều rất đẹp và tinh xảo. 

Với mong muốn giữ lại nghề truyền thống, sau những ngày mùa màng bận rộn, chị Lô Thị Nga ở bản Bộng cùng với chị em phụ nữ CLB dệt thổ cẩm xã Thành Sơn lại dành thời gian ngồi vào chiếc khung cửi để học dệt.

" Với niềm đam mê, muốn giữ nghề dệt truyền thống của cha ông từ bao đời nay, các chị em đều hăng say học hỏi và tự tay làm ra sản phẩm để mặc vào những ngày lễ hội truyền thống của đồng bào mình. Chị em cũng phấn khởi hơn bởi giờ đây nó không chỉ là khôi phục lại nghề truyền thống, mà còn mang lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống. Sản phẩm làm ra ngoài phục vụ cho những người trong gia đình còn được bán cho người dân trong xã và các vùng lân cận. Thu nhập không cao lắm, chiếc khăn đội đầu chỉ có giá 80 nghìn đồng, túi xách 150 nghìn đồng, chiếc váy có hoa văn cầu kỳ có giá từ 700 đến 900 ngàn đồng, nhưng chị em làm tranh thủ được những lúc rảnh rỗi và hơn hết là giữ được nét văn hóa của dân tộc"- Chị Nga trao đổi.

Từ màu sắc, nguyên liệu cho đến các hoa văn, họa tiết và hình thái sản phẩm đều có nét độc đáo. 

Đã từ lâu, những sản phẩm thổ cẩm của người Thái là niềm tự hào qua bao thế hệ, rất được ưa chuộng ở khắp các bản làng. Từ màu sắc, nguyên liệu cho đến các hoa văn, họa tiết và hình thái sản phẩm đều có nét độc đáo. Trong các sản phẩm của mình người Thái sử dụng rất nhiều màu sắc, màu xanh của cây lá, màu hồng, trắng, đỏ... của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh mặt trời trên núi. Để làm ra mỗi sản phẩm, chị em phải dành khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày, với sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo, chị em phụ nữ Thái ở Anh Sơn đã tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, hoa văn tinh xảo, màu sắc hài hòa. 

 

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm truyền thống

 
Chị Lương Thị Hảo- chủ tịch hội LHPN xã Thành Sơn cho biết: Hội phụ nữ xã Thành Sơn hiện có 585 hội viên thí có đến gần 60%% là hội viên dân tộc thiểu số. Xuất phát từ thực tế hầu hết chị em phụ nữ ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào thời vụ, vào lúc nông nhàn thì chị em có nhiều thời gian rảnh rỗi cùng với muốn gìn giữ nghề truyền thống, đầu năm 2017 hội nữ xã Thành Sơn phối hợp với hội LHPN huyện Anh Sơn và Trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm, Hội LHPN tỉnh Nghệ An tổ chức 2 lớp đào tạo nghề cho hơn 60 chị em phụ nữ dân tộc Thái trong xã.

Những năm gần đây khôi phục, giữ nghề và phát triển nghề, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa đang là hướng đi của chị em phụ nữ Thái ở huyện Anh Sơn.

Sau hai tháng vừa học, vừa làm, hai lớp học đã làm được nhiều sản phẩm như khăn choàng, chân váy truyền thống với nhiều mẫu mã mới đẹp. Đến đầu năm 2018 hội phụ nữ xã đã thành lập CLB dệt thổ cẩm với hơn 20 thành viên. Hiện nay toàn xã có hơn 10 khung dệt. Là sản phẩm thủ công do vậy những mặt hàng do các chị làm ra đều rất đắt hàng, ngoài mục đích khôi phục lại nghề truyền thống còn mang lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống, nhiều chị có thu nhập ổn định từ 500.000- 1 triệu đồng/tháng. 

Khôi phục và giữ được nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm sống lại một nghề thủ công đã bị mai một mà còn giúp chị em phụ nữ Thái ở huyện Anh Sơn có được việc làm tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo.

Khôi phục và giữ được nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm sống lại một nghề thủ công đã bị mai một mà còn giúp chị em phụ nữ Thái ở huyện Anh Sơn có được việc làm tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo. Vì vậy để duy trì được nghề này cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm ổn định, đồng thời gắn với phát triển du lịch. Có như vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống mới được lưu truyền, góp phần gìn giữ nét đặc sắc trong đời sống của cộng đồng các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ.
Thái Hiền

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm