Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hiệu Yên Xuân – nơi ươm mầm những "Hạt giống đỏ"

17:36, 07/09/2015

Hiệu Yên Xuân trước đây thuộc làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn, nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Từ lâu, vùng đất Yên Xuân này đã được ví là nơi ươm mầm những "hạt giống đỏ" bởi từ năm 1920 của thế kỷ trước, nhiều thanh niên của vùng quê này và nhiều địa phương khác đã được giác ngộ lý tưởng, sau này trở thành hạt nhân của các phong trào cách mạng, đặc biệt là trong cao trào 1930 - 1931.

Trước năm học mới, thế hệ trẻ trên mảnh đất Lĩnh Sơn được trở về những năm tháng lịch sử hoạt động cách mạng của cha ông tại Hiệu Yên Xuân để hiểu rõ hơn về di tích lịch sử văn hóa này và ý nghĩa của nó trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tại đây, năm 1922, một nhóm “Tâm giao” là những thanh niên yêu nước của làng Dương Xuân và Yên Lĩnh như:  Hoàng Khắc Bạt, Phan Thái Ất, Cao Xuân Ủy, Phan Hoàng Thiềm… đã góp vốn mở một cửa hiệu lấy tên là: Hiệu Yên Xuân, bán thuốc Bắc, tạp hóa, may mặc; đồng thời làm nơi đi lại, tuyên truyền, nuôi dưỡng nguồn cán bộ cho Cách mạng và xây dựng quỹ cho việc nghĩa. Nhận thấy Yên Xuân là cơ sở cách mạng quan trọng, các đồng chí: Dương Đình Thúy, Nguyễn Phong Sắc đã về đây thành lập chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và Đông dương Cộng sản đảng đầu tiên ở Anh Sơn.  

Ông Trần Văn Sáu – Xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn nói: Ngoài là thành lập hiệu Yên Xuân bán thuốc Bắc nhưng trong là để hoạt động cách mạng. Các nhà yêu nước tuyên truyền giác ngộ phong trào. Trước đây, đây là nơi bị địch đàn áp phong trào cách mạng đặc biệt là ở hiệu Yên Xuân này và các xã lân cận trong huyện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ngày càng phát triển. Hiệu Yên Xuân trở thành cơ quan liên lạc và cơ sở kinh tài của Đảng, nơi tổ chức chỉ đạo phong trào của nhân dân trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Một trong những tấm gương cộng sản kiên trung với sự hoạt động mạnh mẽ tại hiệu Yên Xuân thời bấy giờ đó là đồng chí Phan Thái Ất – một người con của làng Dương Xuân, xã Lĩnh Sơn. Ông là người đã lập ra và là Bí thư Nông hội Đỏ Nghệ An lúc bấy giờ để tập hợp quần chúng nhân dân chung sức đấu tranh cách mạng. Những hoạt động của chi bộ được đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Trung ương Ủy viên phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ ghi nhận và đánh giá cao. Trên cơ sở hoạt động của các đảng viên Chi bộ Yên Xuân, theo phương châm “vết dầu loang”, phong trào cách mạng đã lan ra khắp vùng và các vùng lân cận.

Ông Cao Xuân Đáo – Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn kể lại: Bước đầu, các chi bộ này đã lãnh đạo nhân nhân, nhân dân hưởng ứng các phong trào nên đã nổi lên nhiều cuộc đấu tranh biểu tình đòi chống lại sưu cao thuế nặng của thực dân phong kiến góp phần vào cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh thời kỳ 1930-1931.

Tại di tích lịch sử văn hóa này hiện vẫn còn lưu giữ nhiều tư liệu và hiện vật như: con dao thái thuốc Bắc, máy khâu dùng để may cờ đảng, cờ tổ quốc phục vụ cách mạng thời bấy giờ. Sự lớn mạnh và phát triển của chi bộ Yên Xuân đã trở thành nòng cốt của phong trào cách mạng trong toàn vùng. Và sau này, khi các tổ chức Đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Chi bộ Yên Xuân vẫn là trụ cột vững chắc của các phong trào cách mạng, đặc biệt là cao trào 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ – Tĩnh.

Bà Trương Quế Phương – Nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cho biết: Đấu tranh 2 ngày liên tiếp 7, 8/9/1930, hàng ngàn lá cờ được các đồng chí tiêu biểu chủ đạo may cờ và huy động lực lượng, đồng tiền ủng hộ cho nhân dân đấu tranh. Với ý nghĩa ảnh hưởng và những điểm sáng của hiệu yên xuân như vậy cần nhân lên chiều dài và bề dày lịch sử của nó.

 

Ngày nay, Hiệu Yên Xuân đã trở thành địa chỉ đỏ, truyền thống của địa phương. Chính quyền địa phương cũng thường dùng Hiệu Yên Xuân làm nơi tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Đến đây, thế hệ trẻ ngày nay sẽ được bồi đắp thêm niềm tự về truyền thống, tinh thần đấu tranh cách mạng của cha ông, để mạch nguồn lịch sử- văn hóa ấy không bao giờ vơi cạn.

(Thùy Linh – Duy Thanh)