Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Để tên làng không chỉ là ký ức

10:28, 21/11/2016

Với mỗi miền quê, tên làng không chỉ là nguồn cội mà còn là đặc trưng văn hóa. Còn với mỗi con người, tên làng là nỗi niềm da diết nhớ về - trong những chuyến đi xa. Tuy nhiên hiện nay, nhiều tên làng, tên xã ở Nghệ An đang phải đối diện với sự lãng quên…

 

Cổng làng các thôn 6,7,8 tại xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương từng được người dân xây dựng trong niềm hân hoan từ 5 năm nay- khi vinh dự được công nhận thôn văn hoá vào năm 2011. Thế nhưng bên cạnh niềm hân hoan đó, một số người dân cũng tỏ ra tiếc nuối, bởi tên gọi mới này được thay cho cái tên xưa cũ là làng Vinh Ân.

Ông Nguyễn Hữu Công – người dân xóm 7, xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương nhớ lại: “Làng Vinh Ân đây là một trong những HTX mà xưa kia cha ông phải cực khổ để đập viên đất đầu tiên để trồng của khoai, củ sắn cho người dân. Thôn 8 chỉ là gọi theo giấy tờ, còn dân thì luôn nói đây là làng Vinh Ân, với chúng tôi thì đây vẫn luôn là một tập thể đoàn kết như một.”

Dù tên làng đã thay đổi, nhưng vẫn xem người dân thôn 6, thôn 7, thôn 8 là làng Vinh Ân. Đó không chỉ là khẳng định và tiếng lòng của ông Công, mà còn của đại đa số bà con ở làng Vinh Ân này. Bởi lẽ, tên làng từng là niềm tự hào, là một phần văn hoá của người dân địa phương.

Cổng làng nhuốm màu thời gian.

Cổng làng Đại Định

90 tuổi và tự nhận mình là người hoài cổ, ông Nguyễn Viết Lộc luôn trăn trở với việc đổi tên của chính làng quê nơi ông sinh sống. Thôn 9 là tên mới sau này được đặt thay cho cái tên “làng Đại Định” đã tồn tại từ hàng trăm năm trước. Dù việc số hoá tên làng thuận tiện hơn trong việc quản lý theo địa giới hành chính, nhưng theo ông Lộc, một phần bản sắc, một phần nguồn cội cũng đã mất đi theo thời gian.

Ông Nguyễn Viết Lộc - Thôn 9, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương nói trong tiếc nuối: “Làng Đại Định chúng tôi đi đâu nói đến, các con cháu ở mọi miền tổ quốc đều biết cả. Gọi thôn 7, 8 con cháu ở xa không ai biết ở mô cả, tình cảm từ đó cũng dần hai nhạt, rất đáng tiếc.”

Đại Định hay Ích Long là những tên làng có từ thời Pháp thuộc. Cái tên nghe rất thơ đó cũng đã đi cùng dặm dài lịch sử của vùng đất này, chứng kiến những thăng trầm của bao thế hệ con người gắn bó cùng làng. Vì vậy, không chỉ ông Lộc mà với nhiều người dân 2 làng Đại Định và Ích Long của xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tên làng chính là gốc gác, là giá trị linh thiêng của một vùng đất khó lòng bị lãng quên.

Và để vốn văn hoá đó còn lại muôn đời với cháu con, nên tại một số làng quê, việc giữ lại lịch sử, truyền thống cũng đặc biệt được chú trọng. Xã Nam Trung, huyện Nam Đàn là một ví dụ điển hình. Bởi vậy mà cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Nam Trung 1930 - 2010” đã ra đời sau 4 năm thai nghén. Và trong cuốn sách ý nghĩa này, những cái tên như: Dương Liễu, Trung Cần, Đông Cần… gắn với chiều dài lịch sử của một làng quê cũng trang trọng được nhắc tới.

Ông Phạm Ngọc Long - Người chắp bút cho cuốn sách “lịch sử Đảng bộ và nhân dân Nam Trung 1930 - 2010” chia sẻ: "Những tên làng, tên sông, tên núi,… đều gắn với một địa danh, gắn với những phong tục tập quán của người dân. Dù có đi đâu xa con cháu vẫn nhớ về cội nguồn."

a

Cổng làng không chỉ là niềm tự hào của người dân mà còn là chứng tích lịch sử của một làng quê.

Thay đổi tên làng hầu như được thực hiện ở nhiều vùng quê tại Nghệ An từ hàng chục năm nay. Hàng chục năm trôi qua, nhưng cho đến mãi sau này, vẫn luôn có nhiều ý kiến xung quanh việc số hoá làng xã. Điều đó chứng tỏ, tên cũ do cha ông đặt luôn tồn tại trong ký ức của nhiều người dân. Và để lại những nuối tiếc trong tâm tưởng của nhiều người con xa quê. Dẫu vậy cũng không thể phủ nhận, việc chia tách, rồi sát nhập thành những xóm như hiện nay đã đóng vai trò quan trọng trong việc giao thoa kinh tế giữa các vùng miền, từ đó góp phần vào sự phát triển chung cho địa phương.

Lý giải về sự thay đổi này, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch xã Nam Trung, huyện Nam Đàn cho biết: "Mỗi tên làng gắn với mỗi ngành nghề truyền thống, từ đó tạo sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để người dân cùng phát triển mối quan hệ tình làng nghĩa xóm.”

Với sự bùng nổ dân số ở nhiều làng quê, hoà cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, thì việc số hoá các làng xã cũng góp phần tích cực trong phân chia địa giới hành chính và thuận tiện hơn trong công tác quản lý. Tuy nhiên làm sao để vừa phát triển kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng, đời sống của người dân mà không vô tình đánh mất bản sắc văn hoá của từng vùng miền, phai nhạt giá trị truyền thống của nhiều làng quê là một bài toán khó. Và câu chuyện thay đổi tên làng, tên xã xưa là một vấn đề cụ thể.

(Cẩm Thuỳ)