Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Giữ "hồn" dân ca Thổ

16:48, 30/05/2017

Ở Tân Kỳ, mặc dù chưa hình thành các CLB hát dân ca Thổ, nhưng hiện đang nhen nhóm những người biết hát dân ca Thổ cùng nhau tập luyện, diễn xướng. Đây là cơ sở để các địa phương thành lập các CLB học và hát dân ca. Đây là thế mạnh để xây dựng các tour du lịch cộng đồng, homestay, thu hút khách du lịch và khẳng định thương hiệu của một vùng đất cảnh sắc nên thơ.

Tân Kỳ được thành lập từ năm 1963 bởi sự sáp nhập của 20 xã thuộc các huyện: Con Cuông, Anh Sơn, Nghĩa Đàn. Với đa phần dân cư được hội tụ từ nhiều vùng miền trong tỉnh, trong nước, nên mỗi làng quê, thôn xóm nơi đây đều có những nét đặc trưng riêng, gắn với nhiều miền quê khác nhau. Vì thế, bức tranh làng xã của nông thôn Tân Kỳ có nhiều nét mới lạ, từ giọng nói, tính cách đến phong tục tập quán. Đặc biệt, có những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc miền núi như Thổ, Thái. Nếu khi đến với đồng bào dân tộc Thái, chúng ta được nghe họ hát các làn điệu “nhuôn”, “xuối”, “khắp”, “òn”… một cách tự nhiên, không cầu kỳ về mặt tổ chức, con người và địa điểm để cất lên tiếng hát, thì dân ca Thổ cũng rất phong phú, giầu nhạc điệu, đậm chất trữ tình giao duyên.

dân ca dân tộc Thổ được hình thành trên cơ sở qua quá trình lao động, sản xuất, sinh sống của đồng bào Thổ từ xưa đến nay
Dân ca Thổ được hình thành trên cơ sở qua quá trình lao động, sản xuất, làm nương, làm rẫy, săn bắt hái lượm của đồng bào Thổ từ xưa đến nay.

Các làn điệu dân ca Thổ được hình thành trên cơ sở giao lưu, giao duyên, trao đổi thông qua ngày hội, ngày lễ ngày Tết. Làn điệu dân ca Thổ khác với các làn điệu dân ca của các dân tộc khác, mang những khác biệt cơ bản như sau: đó là dân ca Thổ được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm dân ca có nhạc cụ và dân ca không có nhạc cụ. Hiện nay, bà con  chủ yếu biểu diễn dân ca Thổ kết hợp với cồng, khèn và trống trong hát giao duyên, đó là loại nhạc cụ cơ bản còn phổ biến đến bây giờ. 

Loại hình khác ví dụ như hát ru, đồng dao của các cháu nhỏ, rồi hò trên nương thì nó không có một nhạc cụ nào mà người ta biểu diễn kết hợp trong lúc người ta làm nương, làm rẫy.
Các làn điệu như hát ru, đồng dao, hò trên nương... không đi kèm với một loại nhạc cụ nào, bà con thường biểu diễn kết hợp trong lúc làm nương, làm rẫy.

Để gìn giữ và tạo nên sức sống mạnh mẽ của dân ca Thổ như hôm nay là nhờ công lao rất lớn của các nghệ nhân - những người đã tích cực truyền trao và bảo tồn văn hóa dân gian. Để đến muôn đời sau những tuyệt phẩm ấy tiếp tục làm nguồn mạch nuôi dưỡng tinh thần cho người dân. Có thể kể đến nghệ nhân Cao Văn Thiệu đầy tâm huyết. Từ nhỏ những làn điệu dân ca của dân tộc mình đã ngấm vào trong máu thịt nên dù bận bịu với công việc giảng dạy ở trường cấp 2, ông Cao Văn Thiệu vẫn mải mê đi truyền dạy dân ca.

Dân ca đã giúp bà con dân tộc Thổ lạc quan hơn, có thêm sức mạnh để lao động sản xuất.
Đội múa hát dân ca Thổ xã Tân Xuân tập luyện, diễn xướng dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Cao Văn Thiệu.

Việc truyền dạy dân ca thật nhiều công phu và khó nhọc, nhưng ông không hề nản lòng, mà xem đó là nguồn vui, vì đã góp phần gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau. Nhờ nỗ lực ấy, mà mỗi ngày lại có thêm những chàng trai cô gái biết “nói” lời trái tim của quê hương mình. Đội múa hát dân của xã, của các bản đến nay đều đã thạo hát những bài hát dân ca đậm đà bản sắc dân tộc Thổ.

ông Cao Văn Thiệu vẫn mải mê đi truyền dạy, như thể đôi chân không bao giờ biết mỏi, như thể nước con sông Con quê hương ông không bao giờ vơi.
Dù bận việc dạy học, nhưng ông Cao Văn Thiệu vẫn mải mê đi truyền dạy múa hát dân ca,  như thể đôi chân không bao giờ biết mỏi, như thể nước sông Con quê hương ông không bao giờ vơi.

“Làn điệu dân ca Thổ chúng tôi chất liệu dựa trên ngôn ngữ địa phương của dân tộc Thổ, từ cách phát âm cho đến giọng nói nó bắt đầu hình thành từ những ngôn từ của người Thổ phát âm từ xưa đến nay, nó ăn sâu vào các làn điệu dân ca của họ. Tất nhiên giai điệu, mỗi làn điệu có một giai điệu khác nhau. Ví dụ, hát ru thường nó có tiết tấu dài hơn, ngân nga luyến láy nhiều hơn hát giao duyên, còn đồng dao của trẻ thì nó giống như của các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam này thì nó có tiết tấu nhanh hơn một chút. Đó là những cơ sở, chất liệu tạo nên dân ca Thổ. Đặc trưng của dân ca Thổ, nói như thế nào thì hát như như thế ấy. Còn có vài từ mới của địa phương ngày xưa không có thì nó du nhập từ các dân tộc như dân tộc Kinh, Thái, nó có ảnh hưởng một chút nhưng chỉ là một phần nhỏ”-  Ông Cao Văn Thiệu chia sẻ.

là những người có năng khiếu thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ cổ, hoạt động trên cơ sở tự nguyện.
Các thành viên đội dân ca ở các xóm, bản là những người có năng khiếu thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ cổ, hoạt động trên cơ sở tự nguyện. 

“Được các nghệ nhân hướng dẫn tập luyện những điệu múa, lời hát dân ca Thổ, chúng tôi thấy rất tự hào vui mừng, phấn khởi. Tôi hứa sẽ hết sức cố gắng có trách nhiệm gần gũi và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình và sau này sẽ truyền đạt lại cho các thế hệ con em của chúng tôi”- Chị Nguyễn Thị Hiên- Đội múa hát dân ca Thổ xã Tân Xuân phấn khởi nói.

Còn bà Phan Thị Vĩnh- xóm Hoàng Trang tâm sự: “Tôi ham mê, nghe tiếng cồng tiếng chiêng, tiếng hát dân ca trong các ngày lễ ngày tết, lễ hội ở đâu tôi cũng tìm đến bằng được để giao lưu để nghe tiếng hát, tiếng cồng. Có khi cả hai vợ chồng cùng đi, vì chồng tôi cũng ham hát lắm, ông ấy còn rất say mê cả khèn, trống và cực kỳ đam mê hát dân ca Thổ”.

Đội dân ca dân vũ xóm Hoàng Trang xã Tân Xuân trong một buổi biểu diễn văn nghệ
Bà Phan Thị Vĩnh-  một trong số rất ít người còn lại ở xóm Hoàng Trang xã Tân Xuân am hiểu và đam mê hát dân ca Thổ ( người đứng phía trái).

Ở Tân Kỳ, mặc dù đến nay chưa hình thành các CLB hát dân ca Thổ, nhưng hiện đang nhen nhóm những người biết hát dân ca Thổ cùng nhau tập luyện, diễn xướng. Đây là cơ sở để các địa phương thành lập các CLB học và hát dân ca. Lãnh đạo các địa phương cũng xác định đây là thế mạnh để xây dựng các tour du lịch cộng đồng, homestay, thu hút khách du lịch và khẳng định thương hiệu của một vùng đất cảnh sắc nên thơ.

Tuy nhiên, cùng với dòng chảy của thời gian, sự phát triển của xã hội hiện đại, văn hoá các dân tộc không chỉ khép kín, trong cộng đồng, tộc người, vùng miền… mà có sự giao thoa giữa các nền văn hoá. Văn hoá Thổ nói riêng, văn hoá đồng bào các dân tộc khác nói chung đều chịu ảnh hưởng, tác động của văn hoá phương Tây, đang đứng trước nguy cơ mai một.

các nghệ nhân tuổi càng cao, trí nhớ càng kém, nên việc truyền đạt có phần hạn chế
Các nghệ nhân lo lắng khi cội nguồn văn hoá truyền thống dân tộc Thổ có nguy cơ bị mai một. 

Một số thanh niên miền núi hiện nay không mấy gắn bó với nền văn hoá cội nguồn, bị cuốn hút bởi những trò chơi giải trí thiếu lành mạnh từ văn hoá ngoài luồng. Hơn nữa, chương trình sinh hoạt Đoàn, hội, đội... thì vắng bóng các tiết mục hát dân ca Thổ và các loại nhạc cụ dân tộc, nên chưa thu hút được các bạn trẻ tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, các nghệ nhân tuổi càng cao, trí nhớ càng kém, nên việc truyền đạt có phần hạn chế. Điều đáng nói, cho đến nay vẫn chưa có một cơ chế chính sách đặc thù nào để bảo tồn vốn quý văn hóa này. Vì vậy, việc lưu giữ các làn điệu dân ca dân tộc Thổ đang là một vấn đề nan giải..

“Trước xã hội hiện đại và phát triển xâm nhập nhiều dòng nhạc, nhất là của nước ngoài đưa vào Việt Nam rất nhiều, đã làm cho  mai một của dân ca Thổ của dân tộc chúng tôi, chúng tôi rất lo, vì con cháu bây giờ lớn lên nó tiếp xúc nhiều với xã hội và đi làm ăn xa rời quê hương mình”- ông Trương Văn Dung, xóm Hoàng Trang lo lắng nói.

Ngoài các làn điệu cơ bản như Đu đu điềng điềng, Dạ ời, đồng bào Thổ còn có nhiều điệu hát như Ru con, đồng dao...biểu hiện một tâm hồn người Thổ giầu cảm xúc
Ngoài các làn điệu cơ bản như Đu đu điềng điềng, Dạ ời, đồng bào Thổ còn có nhiều điệu hát như Ru con...biểu hiện một tâm hồn người Thổ giầu cảm xúc.

“Bà con dân tộc Thổ chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có được sự quan tâm đầu tư, để bà con tích cực học hỏi, làm sao giữ được các làn điệu dân ca Thổ, không bao giờ xóa mờ, đặc biệt thế hệ trẻ cần phải hiểu được bản sắc dân tộc Thổ của mình”- ông Cao Xuân Trường, xóm Hoàng Trang bày tỏ.

“Chính quyển địa phương có kiến nghị tới các cấp các ngành, UBND từ huyện đến tỉnh, Sở VHTT cũng như Bộ VHTT cần sớm có những chủ trương, chính sách để hỗ trợ cho các nghệ nhân cũng như thế hệ trẻ của dân tộc Thổ, làm sao giữ gìn được các làn điệu dân ca Thổ”- ông Phan Văn Trang- Phó chủ tịch UBND xã Tân Xuân đề xuất.

Từ bao đời nay, dân ca đã gắn bó, thấm sâu vào máu thịt của đồng bào dân tộc Thổ. Hy vọng rằng, với sự cố gắng khơi dậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của các nghệ nhân và tầng lớp nhân dân, dân ca dân tộc Thổ sẽ được quan tâm, hỗ trợ và có những chính sách đặc thù  về công tác bảo tồn văn hóa của các cấp, các ngành, để dân ca Thổ sẽ luôn có sức sống trong đời sống tinh thần của đồng bào Thổ nói riêng và các dân tộc ở Nghệ An nói chung.

(Hiến Chương)