Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chí sỹ Phan Bội Châu – Bác sỹ Asaba Sakytaro và quan hệ hữu nghị Việt - Nhật

11:51, 15/12/2017

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu (16/12/1867 - 16/12/2017) và đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt, sáng nay (15/12), UBND tỉnh phối hợp với trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Chí sỹ Phan Bội Châu – Bác sỹ Asaba Sakytaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản".

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Dự hội thảo có ngài Kunio Umeda - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ngài Hiroyuki Miyazawa - Nghị sỹ quốc hội Nhật Bản; Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo các trường Đại học quốc gia Hà nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: PGS-TS Nguyễn Đắc Vinh – Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Tiến sỹ Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Phúc Hợp – Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; cùng đông đảo các nhà khoa học, những người làm công tác nghiên cứu, đông đảo học sinh, sinh viên ưu tú luôn mến mộ tài năng, tư tưởng và con người Phan Bội Châu.

Đoàn chủ trì hội thảo.
Đoàn chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo, các tham luận tập trung làm rõ những giá trị trong tư tưởng và hoạt động yêu nước của Chí sỹ Phan Bội Châu. Với các tiêu đề như: Phan Bội Châu; 3 làn sóng Đông Du trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; Mối quan hệ của Phan Bội Châu và những người Nhật Bản theo chủ nghĩa Liên Á… tiếp tục khẳng định những đóng góp mang tính đột phá về nhận thức, tư tưởng của Phan Bội Châu trong thời điểm mà vận mệnh dân tộc đang bị chủ nghĩa Trung quân chế ngự. Sự khác biệt so với tư duy cùng thời đã khiến Phan Bội Châu quyết định dấn thân, tìm kiếm một giải pháp cứu nước có tính khả thi nhưng không hề dễ dàng.

a
Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng tại hội thảo.

Con đường cứu nước của Phan Bội Châu là bước đi tiên phong trong việc thực nghiệm con đường cứu nước và phương thức cứu nước mới trong phong trào yêu nước Việt Nam trong 20 năm đầu thế kỷ XX. Con đường đó không chỉ dừng lại ở mục tiêu giải phóng dân tộc, mà còn là cuộc vận động xã hội nhằm duy tân, cải cách đất nước, tìm kiếm, cho xu hướng vận động, phát triển của đất nước trong thiên niên kỷ mới.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Cuộc đời và sự nghiệp của nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu để lại cho lịch sử dân tộc nhiều vấn đề cần được ghi nhận, học tập và rút kinh nghiệm.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Cuộc đời và sự nghiệp của nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu để lại cho lịch sử dân tộc nhiều vấn đề cần được ghi nhận, học tập và rút kinh nghiệm.

Một trong những khía cạnh đặc biệt, có giá trị đạo đức và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà tại Hội thảo các đại biểu rất quan tâm thảo luận chính là một tình bạn lớn, trong sáng và cao cả giữa Chí sỹ Phan Bội Châu và Bác sỹ Asaba Sakitaro. Dù có những khác biệt về ngôn ngữ và điều kiện sống, cũng như thân phận mỗi người, nhưng sự đồng điệu về tâm hồn và tình cảm đã tạo dựng nên một tượng đài về tình bạn, về chủ nghĩa yêu nước chân chính và những giá trị nhân văn cao đẹp. Thông qua tình cảm đặc biệt đó tiếp tục khai thác sâu hơn, mở rộng và phát triển nội hàm về mối quan hệ giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt - Nhật.

a
 Ngài Kunio Umeda - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ngay trong buổi sáng, các đại biểu đã chia thành 2 tiểu ban để cùng thảo luận về 2 nội dung: Chí sỹ Phan Bội Châu và quê hương đất nước; Chí sỹ Phan Bội Châu và phong trào Đông Du.

* NTV tiếp tục cập nhật

Cẩm Thuỳ - Cảnh Toàn