Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đình Hoành Sơn, huyện Nam Đàn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

09:44, 27/12/2017

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 8) đối với 10 di tích.

Đền Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Đền Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

10 di tích trên gồm:

1. Di tích lịch sử Đền Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

2. Di tích lịch sử Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

3. Di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

4. Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

5. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Đọi Sơn (Chùa Long Đọi Sơn), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

6. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

7. Di tích lịch sử Thành Điện Hải, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

8. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương), huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

9. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

10. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Chèm, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Vài nét về Đình Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An:

Đình Hoành Sơn tọa lạc trên diện tích khoảng 2.500 m2 nằm bên hữu ngạn dòng Lam, thuộc xóm 4, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Trước đây, ngôi đình này có tên gọi là đình Nam Hoa, rồi đình Làng Ngang, thuộc tổng Nam Kim.

Căn cứ theo các tư liệu ít ỏi còn ghi chép lại thì đình Hoành Sơn được xây dựng vào tháng Chạp năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (2/1763) và đến cuối năm sau (Quý Tỵ 1764) thì hoàn thành. Người khởi xướng và chủ sự xây dựng công trình này là Đặng Thạc, cử nhân dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) thuộc dòng dõi thế tộc và có uy quyền nhất vùng.

Đình Hoành Sơn có 5 gian chính, 2 chái, 8 vì, 36 cột (16 cột cái, 20 cột phụ) bao gồm tiền điện và hậu điện với diện tích khoảng 150 m2. Cột đình được làm bằng gỗ lim và chò chỉ, đường kính lớn, đều nhau. Rải đều trên 2 mái bằng gỗ lim tròn còn có 26 đường hoành và 42 đường xà, các đường chân thủy bao quanh. Các hoa văn trong đình được chạm khắc rất công phu, có độ tinh xảo cao như: bát tiên, cưỡi hạc, đánh cờ, đua thuyền, tứ linh, tứ quý, đại bàng đối xứng từng gian, rồng ổ … thể hiện quan điểm triết lý nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn của dân tộc và phản ánh nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến trình độ bậc thầy. Cột đình ở gian chính được chạm nổi hình tượng 2 con rồng lớn đang ôm cột hướng xuống mặt đất. Trên mái đình có hình tượng rồng cuộn, hổ ngồi, nghê chầu; mái ngói được lợp âm dương. Giữa lớp ngói âm và ngói dương là một lớp đất sét được nhào trộn với trấu, tạo thành một chất liệu bền, dẻo có khả năng cách nhiệt tốt; ngói dương có 5 rãnh chẻ thoát nước; nền đình, sân đình được lát bằng gạch cẩm trang... Mặc dù trải qua nhiều trận lũ lớn, mưa bom bão đạn nhưng đến nay đình Hoành Sơn hầu như vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy.

Nhân vật được thờ chính trong đình là Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, một nhân vật văn võ song toàn, tư chất hơn người. Tháng 11 năm 1041, vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu cho Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Ông đã có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Nghệ An và quốc gia Đại Việt nên được người dân rước vào đình thờ.

Đình Hoành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia vào tháng 7/1984.

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

PV tổng hợp