Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng đã thôi "đưa đò" câu dân ca...

18:40, 27/02/2018

Từ một cậu bé đêm đêm trốn nhà đi nghe hát đã trở nhà nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác: Nghệ nhân dân ca Nguyễn Trọng Đổng đã dừng "đưa đò" câu dân ca sau một thời gian lâm bệnh nặng... Qua đời ở tuổi 88, ông đã để lại một gia tài lớn các công trình sưu tầm, nghiên cứu và các sáng tác dân ca. Dừng "đưa đò" nhưng câu hát dân ca vẫn ru ông trong giấc ngủ ngàn thu...

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Đổng - sinh năm 1931 tại làng Vinh Ân - xã Thanh Tường - huyện Thanh Chương, người trọn đời với câu hát dân ca đã qua đời ở tuổi 88 vào lúc 8 giờ 27 phút ngày 27/2/2018.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Đổng - sinh năm 1931 tại làng Vinh Ân - xã Thanh Tường - huyện Thanh Chương, người trọn đời với câu hát dân ca đã qua đời ở tuổi 88 vào lúc 8 giờ 27 phút ngày 27/2/2018.

Tuổi thơ lớn lên theo câu hát dân ca

Trên mảnh đất Thanh Chương giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và văn hóa, bên dòng Sông Lam xanh ngát có một vùng đất được nhiều người biết đến với địa danh Dinh Chu, Vinh Ân, Chợ Vịnh. Người ta còn biết đến Thanh Tường, nơi có nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng, người đã gắn bó trọn đời với những câu hát dân ca.

Sinh ra trong một gia đinh nông dân nghèo có truyền thống cách mạng, lớn lên trong đêm trường nô lệ  từ thủơ còn nằm nôi, ông Nguyễn Trọng Đổng đã được đắm mình trong những lời ca dìu dặt êm đềm đậm đà ý tứ của "Thập ân phụ mẫu" , "Nhị tập tứ hiếu", "Lễ Nghĩa thi thư"...

Tuổi thơ lớn dần theo câu  hát, năm 1954, ông rời làng Vinh Ân theo học khoá đầu tiên trường Sư phạm Liên khu 4 và sau đó là 10 năm cầm phấn và làm quản lý giáo dục, nhưng như định mệnh, những ký ức tuổi thơ với câu hò điệu ví, những trăn trở trước thực tiễn cuộc sống và những khả năng sáng tạo văn học nghệ thuật đã khiến viên phấn lỏng dần, nhường chỗ cho cây bút và những câu hát dân ca.

Hoạt cảnh dân ca: "Rừng Biển thắm tình" ra đời và ngay sau khi công bố đã được giải Nhất của Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Nghệ An năm 1965. Thành công của hoạt cảnh này đã chính thức hướng cuộc sống và sự nghiệp của Nguyễn Trọng Đổng sang một lối rẽ khác.

Đến duyên nghiệp với câu hát dân ca

Rời văn phòng của một Hiệu trưởng trường Tiểu học, ông về phòng văn hoá huyện và chính từ lòng đam mê, những lăn lộn trong thực tế cùng với sự tài hoa đã tạo nên một nhà biên kịch Nguyễn Trọng Đổng với nhiều đóng góp... Trong số hàng trăm tác phẩm, hàng chục ngàn câu hát và lời thoại, vẫn còn đó những cột mốc đã làm nên một tên tuổi. Đó là: Sức kéo, Một chứng từ, Chuyện sau quầy hàng, Hào khí Điện Biên, Phần rơm đầu mùa, Nghĩa tình đồng đội  đạt huy chương vàng hội diễn toàn quốc.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Đổng ( thứ 3 từ trái sang- hàng đầu) tại lễ nhận bằng công nhân danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Đổng ( thứ 3 từ trái sang - hàng đầu) tại lễ nhận bằng công nhân danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Năm 2007, ở tuổi gần 80, trong lần đầu tiên Đảng ta phát động thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông đã sáng tác ca khúc “Quê hương vang mãi câu hò” nhận được nhiều giải thưởng, được biểu diễn thường xuyên ở các hội diễn, các hội nghị sơ tổng kết… ở tỉnh, huyện. Ngoài tuổi 80, kịch bản “Giá đời phải trả” của ông được Đài Phát Thanh- Truyền hình Nghệ An dựng diễn và đạt giải VHNT Hồ Xuân Hương.

Cùng với các tác phẩm kịch hát, Nguyễn Trọng Đổng cũng đã có một số lượng ca khúc mà không phải người sáng tác nào cũng đạt được. Đó là 125 ca khúc gồm ca cảnh, hoạt ca, đối ca. Đa số đã được dàn dựng biểu diễn và được Đài PT- TH Nghệ An, Đài TNVN phát sóng.

Bên cạnh sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Trọng Đổng còn có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu dân ca. Ông đã cùng các nhà thơ, nhà nghiên cứu, biên kịch dân ca lăn lộn khắp mọi vùng quê sưu tầm được trên 100 câu hát dân ca lời cổ và 17 chuyện trạng, sưu tầm ghi chép được nhiều tư liệu về ca trù và xẩm chợ. Học hỏi và phát huy vốn cổ, ông đã viết được 18 khúc Ca trù với các chủ đề về Đảng, Bác Hồ và quê hương đất nước; trực tiếp đào tạo được 3 hạt nhân hát ca trù tham gia hội thi và đạt giải ở hội diễn cấp tỉnh. Ông trở thành bè bạn thâm giao với nhiều người nổi tiếng, trở thành bạn vong niên với lớp hậu sinh tài năng.

Có lẽ, cũng chính nhờ tiếng thơm của đất văn vật, nhờ vào sức sống của một vùng dân ca, nhờ những thành công của ông và các thế hệ những người làm VHNT trên địa bàn mà khi có chủ trương thành lập câu lạc bộ Dân ca  lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh đã chọn Thanh Chương làm điểm chỉ đạo và Nguyễn Trọng Đổng chính là lựa chọn duy nhất cho cương vị Chủ nhiệm.Nhớ lại ở buổi đầu CLB mới chỉ có bộ khung BCN và một số hội viên nòng cốt cho đến nay đã có hàng chục hội viên. Ngoài CLB cấp huyện đã có thêm nhiều CLB cơ sở. Ông vui mừng bởi  sự đúng đắn của một chủ trương, những trăn trở và việc làm của ông và đồng nghiệp đã được đền đáp, ông vui mừng vì ở tuổi gần đất xa trời này ông càng thêm nhiều bè bạn, thêm nhiều tin yêu.

Những câu dân ca theo từng nhịp đập trái tim nghệ nhân

Cả một đời đam mê, cuồng nhiệt với khúc hát dân ca; Từng gặt hái được nhiều thành công qua các kỳ hội thi hội diễn, ông Nguyễn Trọng Đổng đã được Chủ tịch nước công nhận là “Nghệ nhân ưu tú”, được kết nạp vào Hội VHNT Nghệ An, được tặng thưởng kỷ niệm chương " Vì sự nghiệp văn hóa", ...

-	Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Đổng và NSND Hồng Lưu- Giám đốc trung tâm bảo tồn và phát triển dân ca Nghệ Tĩnh trao đổi kinh nghiệm sáng tác.
- Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Đổng và NSND Hồng Lưu - Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát triển dân ca Nghệ Tĩnh trao đổi kinh nghiệm sáng tác.

Nhân sinh thất thập cổ lai hy, năm nay bước sang tuổi gần 90, cái tuổi có quyền được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn say sưa với công việc và niềm đam mê của mình.  Trong lúc đang tìm kiếm, nắn nót chỉnh sửa để ra mắt tuyển tập kịch bản của riêng mình thì ngã bệnh. Mặc dù được anh em con cháu, các y bác sỹ tận tình cứu chữa nhwg trái tim nghệ nhân đã ngàng đập vào 8 giờ 27 phút ngày 27/2/ 2018

Những câu hát đã từng được nghe tự thưở nằm nôi cho đến bây gìơ vẫn canh cánh, nguyên vẹn  bên lòng Nguyễn Trọng Đổng. Làng Vinh Ân quê ông "hố đàng khó đi"  bây giờ đã giàu đẹp văn minh với đường nhựa, nhà to. Câu dân ca xứ Nghệ giờ đã trở thành di sản văn hóa thế giới. Cậu bé Đổng ngày xưa đêm đêm trốn nhà đi nghe hát, nhà nghiên cứu sưu tầm, sáng tác Nguyễn Trọng Đổng - trung tâm của những hội thi hội diễn giờ đã về với trời đất tổ tiên nhưng như tâm nguyện của ông lúc sinh thời rằng: có một điều sẽ không thể đổi thay. Đó là dân ca xứ Nghệ đã và đang được tôn vinh, bảo tồn. Đó là những đóng góp, những thành công của ông với Dân ca xứ Nghệ đã được thừa nhận  và... trong lòng mọi người ông mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng. Ông đã, đang và sẽ trọn đời với những khúc dân ca.

(Trần Đình Hà)