Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Kỷ niệm 120 năm ngày mất của Phó sơn phòng Hà Tĩnh Nguyễn Đức Lân

17:07, 21/11/2018

Huyện Thanh Chương, xã Thanh Lâm và dòng họ Nguyễn vừa phối hợp với Bảo tàng Nghệ An, Ban quản lý di tích danh thắng Nghệ An tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày mất của Giám sát ngự sử, Phó sơn phòng Hà Tĩnh Nguyễn Đức Lân và kỷ niệm 8 năm đón nhận bằng di tích lịch sử nhà thờ họ Nguyễn.

 

Các đại biểu về dự lễ kỷ niệm – hội thảo.
Các đại biểu về dự lễ kỷ niệm.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã tập trung làm rõ bối cảnh lịch sử của vùng đất Nghệ Tĩnh cuối thế kỷ XIX và phong trào Cần Vương ở vùng đất này. Đồng thời, nêu rõ tiểu sử và vai trò của Phó sứ Sơn phòng Nguyễn Đức Lân trong phong trào Cần Vương. Theo đó vào cuối thế kỷ 19, cụ thể là từ năm 1867 khi Nam Kỳ lục tỉnh bị nhà Nguyễn cắt nhượng cho Pháp. Đến năm 1883, triều đình nhà Nguyễn buộc phải ký hiệp ước xác nhận quyền bảo hộ lâu dài của Pháp trên toàn bộ đất nước. Năm 1884, vua Hàm Nghi lên ngôi, đến 4/7/1885 đã ra Chiếu Cần Vương, xuất bôn ra Quảng Trị, Quảng Bình, qua đất Lào và ra lập sơn phòng tại Hà Tĩnh kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập. Phong trào Cần Vương kéo dài 12 năm (1885 - 1896). Trong phong trào này, ông Nguyễn Đức Lân (1831-1898) tên thật là Nguyễn Tiếp Phương người Liễu Nha (nay là xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương) là người có nhiều đóng góp.

Các đại biểu về dự lễ và con cháu chụp ảnh kỷ niệm tại nhà thờ.
Ông Nguyễn Đức Kiến - Giám đốc bảo tàng Nghệ An nhấn mạnh vai trò của Phó Sơn Phòng Hà Tĩnh Nguyễn Đức Lân với phong trào Cần Vương. 

Sau khi đỗ Cử nhân ông được thăng chức Giám sát Ngự sử đạo Nam Ngãi. Khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương ông nhậm chức Tham biện Quân vụ sung Phó sứ nha sơn phòng tổ chức phòng thủ căn cứ bảo vệ Vua. Sau khi vua bị giặc Pháp bắt, ông ẩn về quê vui thú điền viên và mất ngày 15 tháng 10 năm Mậu Tuất 1898, thọ 67 tuổi. Đám tang được tổ chức theo nghi lễ đại xa do Giải nguyên Tri phủ Hồ Sĩ Tạo để thần chủ.

Nối tiếp truyền thống ông cha, các thế hệ con cháu của dòng họ Nguyễn đã có nhiều người tham gia cách mạng như Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế. Đặc biệt, cháu nội ông - đồng chí Nguyễn Côn - Nguyên Bí thư Trung ương đảng (khóa III), Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ là một tấm gương liêm khiết vì dân vì nước.

Phối cảnh nhà thờ dòng họ và nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Côn.
Phối cảnh nhà thờ dòng họ và nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Côn.

Ngày nay con cháu dòng họ Nguyễn cũng rất hiếu học, trưởng thành nhiều người là cán bộ cao cấp, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt. Nhà thờ của dòng họ nơi thờ tự Phó Sơn Phòng Hà Tĩnh Nguyễn Đức Lân được con cháu bảo tồn, trùng tu, được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2008, được công nhận là dòng họ văn hóa.

Các đại biểu về dự lễ và con cháu chụp ảnh kỷ niệm tại nhà thờ
Các đại biểu về dự lễ và con cháu chụp ảnh kỷ niệm tại nhà thờ

Nhà ở của gia đình đồng chí Nguyễn Côn cũng được lưu giữ làm nhà truyền thống đang lưu giữ nhiều di tích, tranh ảnh thể hiện sự đóng góp của con cháu qua các thời kỳ. Tổ chức lễ kỷ niệm, ngoài việc ôn lại thân thế sự nghiệp của Phó sơn phòng Hà Tĩnh còn là dịp để con cháu dòng họ và cán bộ nhân dân tự hào về truyền thống, tiếp tục phát huy nội lực xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.

Đình Hà