Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hái quả ngọt trên vùng đất mặn

14:59, 13/04/2017

Với vùng đất nhiễm mặn, trồng các loại cây, rau màu không mang lại hiệu quả nên nhiều hộ dân ở xóm 12, thuộc giáo xứ Hiền Môn, xã giáo toàn tòng Quỳnh Thanh - huyện Quỳnh Lưu đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và đưa giống cây thanh long ruột trắng, đỏ về trồng. Nhờ đó, nhiều hộ đã có thu nhập khá ngay trên chính vùng đất khó canh tác.

Với quyết tâm biến vùng đất nhiễm mặn thành diện tích “hái” ra tiền nên ông Hồ Lương là người đầu tiên của xóm 12 ra Hà Tây thăm quan các mô hình trồng thanh long và đưa giống về trồng vào năm 2002. Ban đầu, ông chỉ thử nghiệm với số lượng ít.

Mặc dù đất cằn cỗi, nhiễm mặn nhưng cây thanh long ở xóm 12, xã Quỳnh Thanh vẫn phát triển xanh tốt
Mặc dù đất cằn cỗi, nhiễm mặn nhưng cây thanh long ở xóm 12, xã Quỳnh Thanh vẫn phát triển xanh tốt

Sau khi nhận thấy thanh long nhanh chóng thích nghi với vùng đất phèn mặn, phát triển nhanh, ông tiếp tục đúc trụ bê tông để trồng 200 gốc thanh long và trên đầu mỗi trụ ông gắn các lốp xe máy nhằm tạo điểm cho cây bám, tỏa nhánh.

Để đảm bảo cho cây thông thoáng, hấp thụ đầy đủ được ánh nắng mặt trời, do vậy ông trồng theo tỷ lệ cây cách cây và hàng cách hàng là 2,5m. Ông Lương cho biết: thanh long là loại cây dễ trồng, phù hợp với nhiệt độ cao, chịu hạn tốt, ít công chăm sóc và chi phí phân bón, sống khỏe, có tuổi thọ cao lên đến hàng chục năm. Mùa cây ra hoa và cho quả từ giữa tháng 5 đến hết tháng 10. Mặc dù, trồng ở đất mặn nhưng quả thanh long của gia đình cũng như các hộ dân trong xóm đều có chung đặc điểm là màu sắc đẹp, đỏ thắm, ăn ngon, có vị thanh ngọt nên rất được thị trường ưa chuộng. Một năm, một năm ông bán cho thương lái gần 2 tấn quả, với giá bán nhập bình quân từ 15 – 20 nghìn đồng/ kg, cho thu nhập trên 30 triệu đồng.

Ông Hồ Lương tỉa những cành và cắt bớt chiều dài của nhánh để đảm bảo cây cho quả ngon
Ông Hồ Lương tỉa những cành và cắt bớt chiều dài của nhánh để đảm bảo cây cho quả ngon

Còn đối với anh Trần Văn Loan, xóm 12, lúc đầu chỉ đưa vài cây thanh long ở miền Nam về trồng để làm cảnh nhưng thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng nên cho quả đều, ngọt. Hơn nữa với tác dụng của thanh long vừa mát, không những tốt cho sức khỏe mà còn giúp chị em phụ nữ làm đẹp, được mọi người ưa chuộng; vì vậy, anh Loan quyết định đầu tư kinh phí làm trụ để chuyển đổi 8 sào đất trồng các loại rau màu thu nhập thấp sang trồng 300 cây thanh long. Chỉ vài năm sau khi trồng, cây đã cho quả rộ.

Đặc biệt, thanh long vùng này an toàn tuyệt đối bởi anh Loan và các hộ khác khi trồng đều áp dụng phương pháp chăm sóc hoàn toàn từ tự nhiên, không sử dụng hóa chất phun lên cây hay kích thích cho quả. Cũng chính vì vậy, quả chín tới đâu thì có người thu mua ngay đến đó. Vì thế, đã 12 trồng cây nhưng chưa lần nào anh Loan bị ứ đọng sản phẩm.

Để cho cây phát triển có độ bám và tỏa nhánh ông Lương còn gắn lốp xe máy trên đầu mỗi trụ
Để cho cây phát triển có độ bám và tỏa nhánh ông Lương còn gắn lốp xe máy trên đầu mỗi trụ

Hiện nay, loại quả này còn được người dân rất ưa chuộng dùng để thắp hương vào ngày mùng 1 và rằm. Theo anh Loan, nếu thanh long chín trúng vào dịp rằm tháng 7 thì giá nhập tăng lên 30 nghìn đồng/kg. Mặc dù thanh long miền Nam đưa ra chỉ có 5 nghìn đồng/ kg nhưng người tiêu dùng cũng chỉ tìm đến Quỳnh Thanh để mua hàng. Với những ưu điểm, hiệu quả của cây ngay trên chính vùng đất mặn mang lại nên mỗi năm đã cho gia đình anh Loan thu nhập gần 40 triệu đồng.

Sau ông Lương, anh Loan thì nhiều hộ ở xóm 12 này cũng đã trồng cây thanh long. Hiện nay, toàn xóm có 15 hộ trồng với quy mô lớn mang tính chất hàng hóa, còn hàng chục hộ khác chỉ trồng từ 10 – 15 gốc trong vườn nhà. Theo kinh nghiệm người dân địa phương chia sẽ: Sau tết âm lịch thì các nhành cây bước vào thời kỳ phát triển, chú ý theo dõi nếu nhánh nào đẹp để nguyên còn xấu thì cắt tỉa để tỏa ra nhánh khác, đồng thời quang hợp được ánh sáng để khi ra trái khỏe và đẹp hơn. Một cây người trồng chỉ thường để khoảng 15 – 20 kg quả/ năm nhằm đảm bảo chất lượng. Với hướng chăm sóc phù hợp nên đa số các hộ đều cho thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng mỗi năm.

Trồng cây thanh long, người nông đã hái quả ngọt trên vùng đất mặn
Trồng cây thanh long, người nông đã hái quả ngọt trên vùng đất mặn

Để nâng cao hiệu quả cây trồng, hiện nay, một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm. Ông Hồ Xuân Xuyên – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết: Qua đánh giá thì cây thanh long ở xóm 12 cho hiệu quả rất cao, nhân dân phấn khởi trước kết quả của loại cây này đem lại. Do vậy, hiện nay, qua các hội nghị, tiếp xúc cử tri tại các xóm thì xã tuyên truyền, vận động nhân dân đến học hỏi và nhân rộng ra địa bàn toàn xã.

(Hồng Diện - Đài Quỳnh Lưu)