Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em: Cần các giải pháp thiết thực và ý nghĩa

18:04, 04/06/2017

Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề "Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em". Các địa phương trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng với nhiều hoạt động có ý nghĩa. Tuy nhiên để hoạt động này ngày càng lan tỏa, góp phần xây dựng môi trường an toàn cho trẻ thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. 

1 tháng đã trôi qua, nhưng chị Nguyễn Thị Thương ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc vẫn chưa hết bàng hoàng về con gái chị - bé Nguyễn Thị Thùy Trang 9 tuổi, từng bất ngờ bị một kẻ lạ mặt tiêm 1 mũi thuốc khi đang trên đường đi học về.

Chị Nguyễn Thị Thương bàng hoàng kể lại: “Sau buổi con gái đi học về có kể bị một người đàn ông lạ mắt vờ hỏi thăm, chạy theo chọc một vật thể nhọn vào tay. May mắn khi ấy con gái tình cờ gặp được O nên kẻ lạ mặt bỏ chạy nên may mắn thoát khỏi tình huống bị bắt cóc. Nhưng hiện tại, mỗi lần con gái đi ra ngoài là một lần gia đình phải lo lắng.”

A
Cháu Nguyễn Thị Thùy Trang may mắn khi thoát khỏi tình huống bị bắt cóc. Nhưng sự việc khiến em luôn cảm thấy bất ổn trong tâm lý.

Dù chưa để lại hậu quả đáng tiếc nhưng bây giờ, mỗi lần ra đường, cháu Trang vẫn luôn cảm thấy bất an và đầy lo lắng. “Bây giờ mỗi lần đi trên đường cháu cảm thấy vô cùng sợ hãi.” – Cháu Nguyễn Thị Thùy Trang bộc bạch.

Cháu Trang chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ em có nguy cơ  bị bắt cóc xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Thống kê cho thấy, từ năm 2005 đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 400 vụ xâm hại, bạo lực trẻ em. Không chỉ vậy mà tại nhiều vùng quê nghèo, do chưa được quan tâm đúng mức nên trẻ em vẫn phải lao động nặng nhọc, thậm chí vào dịp nghỉ hè  nhiều vụ đuối nước thương tâm lại xảy ra. Và mỗi năm trên địa bàn có khoảng 50 trẻ em tử vong do đuối nước.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc tạo sân chơi cho các em dịp nghỉ hè, chị Lê Thị Tâm Bình - Phó Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc cho biết: “Trẻ em nông thôn khi nghỉ hè đều tham gia phụ giúp công việc trong gia đình, ít có điều kiện tham gia các buổi sinh hoạt tập thể. Các cơ sở đoàn thể đoàn, đội khối xóm gặp khó khăn trong việc tạo ra sân chơi cho các em dịp hè.”

Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay đó là: Triển khai luật, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Ngay tại xã Nghi Yên - huyện Nghi Lộc nơi đã từng  xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em nên hưởng ứng tháng hành động, cứ 2 tuần một lần, đoàn thanh niên xã đã phối hợp thanh niên các xóm tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền về các vấn đề quan đến trẻ em. Cùng với đó, tất cả 18 xóm xây dựng các tiểu phẩm; tổ chức các cuộc thi trong liên chi đội về các nội dung xâm hại, bạo lực trẻ em.

a
Tạo môi trường cởi mở để các em chia sẻ về tình trạng bị xâm hại là hoạt động thiết thực, để nắm bắt nhu cầu thực sự của các em.

Chị Ngô Thị Phương - Bí thư đoàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc cho biết thêm: “Chúng tôi tổ chức các hoạt động có tính thiết thực hơn với các em trong dịp hè. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức ở các xóm, đưa hình ảnh trực quan giúp các em trang bị kỹ năng phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.”

Còn tại huyện Yên Thành, nơi có 74.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có trên 60.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; hàng năm thường xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm nên Tháng hành động vì trẻ em năm nay, huyện sẽ lồng ghép tổ chức “diễn đàn trẻ em”, tạo môi trường cởi mở để các em mạnh dạn trao đổi về tình trạng bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; Xây dựng các tiểu phẩm để giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ; Tổ chức cắm hàng trăm biển cảnh báo phòng chống tai nạn đuối nước tại các khu vực nguy hiểm; mở các lớp dạy bơi cho trẻ.

Chia sẻ về cách làm của địa phương, ông Vũ Văn Quyền - Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành cho biết: “Huyện tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là nhân dân trong việc bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để các em được thực hiện quyền của mình.”

Cắm biển cảnh báo
Đoàn thanh niên các địa phương triển khai cắm biển cảnh báo tại các khu vực sông, hồ nguy hiểm.

Triển khai tháng hành động vì trẻ em năm nay, tỉnh đoàn cũng đã chỉ đạo 481 xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, cấp 400 áo phao phục vụ công tác dạy, học bơi; hỗ trợ hàng chục triệu đồng làm biển cảnh báo phòng chống đuối nước.

Tuy vậy, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều nơi, công tác này vẫn chưa được chú trọng, hoặc chỉ  khi xảy ra hậu quả đáng tiếc thì mới tập trung chỉ đạo thực hiện và cũng không mang tính thường xuyên. Và nguy cơ xâm hại trẻ em, bạo lực hoặc trẻ em phải lao động nặng nhọc và tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn có xu hướng gia tăng.

Nói về công tác chỉ đạo các cơ sở đoàn trong công tác tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, chị Nguyễn Thị Thơm - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Ban thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai lớp tập huấn cho các cán bộ đội chủ chốt để hướng dẫn các em cách phòng chống xâm hại, và lực lượng này chính là những người bạn đồng hành cùng các em nhỏ trong dịp hè.”

Trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em là một trong những cách giúp hạn chế các vụ tai nạn đuối nước.
Trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em là một trong những cách giúp hạn chế các vụ tai nạn đuối nước.

Chăm lo cho con trẻ phải là việc làm thường xuyên, liên tục. Vì vậy, ngoài nâng cao nhận thức của gia đình và xã hội trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em thì các cấp ngành, đoàn thể cũng cần vào cuộc quyết liệt để hạn chế thấp nhất những rủi ro cho các em. Và điều quan trọng là cần phải có những hoạt động ý nghĩa, hướng đến quyền và lợi ích thiết thực hơn cho con trẻ, để các em được sống và học tập trong môi trường an toàn, phát triển.

(Thu Vinh)