Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quế Phong: Nỗ lực thực hiện giảm nghèo bền vững

11:21, 19/06/2017

Là trong 62 huyện nghèo của cả nước, những năm qua, Quế Phong được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ. Chính sách này là nguồn lực quan trọng giúp các hộ nghèo của huyện có điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Là một trong những hộ được hưởng lợi trực tiếp nguồn dự án giảm nghèo để phát triển kinh tế, ông Đinh Đăng Bình ở xóm Hải Lâm 1, xã Quế Sơn kể: Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xóm. Được vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện, ông đã sử dụng một cách có hiệu quả. Lấy ngắn nuôi dài, đào giếng lấy nước trồng rau sạch, cải tạo vườn tạp trồng mía... rồi chịu khó làm chuồng trại chăn nuôi bò, nuôi lợn thịt... Bằng sự cần cù, chịu khó, từ chỗ chỉ có 2 con bò, đến nay, gia đình ông đã có đàn bò 14 con, mỗi năm xuất bán 4-5 con bò hàng hóa. Đến nay, ông đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, con cái được học hành đầy đủ, cả 3 cháu đều là học sinh giỏi của trường, của huyện.

 Vợ chồng ông Đinh Đăng Bình thoát nghèo nhờ từ dự án hỗ trợ giảm nghèo
Vợ chồng ông Đinh Đăng Bình thoát nghèo nhờ từ dự án hỗ trợ giảm nghèo

Giải pháp quan trọng  được Quế Phong nỗ lực thực hiện để giảm nghèo bền vững đó là: đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Các chương trình dự án triển khai trên địa bàn đều được công khai, lấy ý kiến nhân dân ngay từ khi đầu thực hiện quy hoạch, để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; chính vì vậy các chương trình, dự án đầu tư trong thời gian qua đều phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Một cách làm hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp nữa đó là tập trung làm tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, phân công luân phiên cán bộ trực tiếp chỉ đạo tận hộ, giúp cho các hộ nghèo thoát nghèo bằng  nghị lực của mình.

Theo đó, huyện đã ban hành quyết định phân công cho các cơ quan, đơn vị, trường học nhận đỡ đầu, hỗ trợ giúp đỡ mỗi năm từ 2-3 hộ nghèo. “Trước đây, gia đình tôi rất là nghèo, vườn thì dốc 65 độ, trong vườn toàn cỏ săng mọc thôi, phải chở từng xe đất về đổ rồi cải tạo để trồng rau, ngày mô cũng có bán trên chợ Quế Phong. Sau khi có thu nhập từ trồng rau thì mình nuôi thêm lợn, trong nhà mua thêm 2 con bò, ngân hàng CSXH mà cho vay thêm vốn để đầu tư thì sẽ làm được nhiều thứ có ích hơn được nữa, hiện nay đang tiếp tục làm VAC  với chăn nuôi thì mình chăn nhiều thứ, lợn, gà bò..để mất thứ ni thì có thứ khác bù” - ông Đinh Đăng Bình chia sẻ.

nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, giống lúa Gia-po-ni-ca đã khẳng định được trên đồng đất Tiền Phong, năng suất bình quân đạt từ 60-70 tạ1ha
Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, giống lúa Gia-po-ni-ca đã khẳng định được trên đồng đất Tiền Phong, năng suất bình quân đạt từ 60-70 tạ1ha

Trong giai đoạn từ năm 2012- 2016, đã hỗ trợ 429 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở với nguồn vốn thực hiện 3,635tỷ đồng, chính sách hỗ trợ tín dụng về ưu đãi có hơn 1900 lượt hộ nghèo được vay vốn hàng năm với nguồn vốn cho vay hơn 145 tỷ đồng. Toàn huyện đã thực hiện hơn 20 mô hình khuyến nông, khuyến lâm; 3 dự án phát triển sản xuất hàng hóa, đó là trồng  giống lúa chịu lạnh Jamonica, cây dược liệu và phát triển cây lùng. Đồng thời nhân rộng và thực hiện thành công 1 mô hình giảm nghèo với 20 hộ tham gia. Qua đó, tác động mạnh mẽ đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa như chanh leo tập trung tại xã Tri Lễ, Nậm Giải, vùng rau sạch xã Quế Sơn, vùng cây dược liệu xã Nậm Nhóong...

tập trung làm tốt công tác quản lý chăm sóc bảo vệ rừng gắn với các chương trình trồng rừng
Quế Phong tập trung làm tốt công tác quản lý chăm sóc bảo vệ rừng gắn với các chương trình trồng rừng, hỗ trợ sinh kế cho người dân.

“Thực hiện NQ đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi xác định nhiệm  vụ phát triển KTXH, tăng thu nhập và giảm nghèo là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ở đây chúng tôi tập trung chủ yếu vào mũi nhọn sản xuất hàng hóa, phát huy lợi thế của địa hình của đất đai, nguồn lực lao động. Phải nói rằng trong thời gian vừa qua, chương trình sản xuất chúng tôi đã chuyển đổi được cơ cấu cây trồng và đặc biệt đó là đưa cây mía thành cây chủ lực của phát triển nông nghiệp và chú trọng chăn nuôi đàn đại gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế vườn rừng. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, tăng cường xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, bình quân thu nhập của người dân Quế Sơn hiện nay đạt 23 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, số hộ nghèo trong toàn xãvẫn còn nhiều với 205 hộ, chiếm 22,6%, tỷ lệ hộ nghèo vẫn đang còn khá cao. Vì vậy, hiện nay, trong lộ trình xây dựng NTM, chúng tôi quyết tâm giảm số hộ nghèo này theo yêu cầu của QĐ1263  của UBND tỉnh”-ông Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư đảng ủy xã Quế Sơn khẳng định.

chuyển đổi được cơ cấu cây trồng và đặc biệt đó là đưa cây mía thành cây chủ lực của phát triển nông nghiệp
Quế Sơn đẩy mạnh chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, đưa cây mía thành cây chủ lực của trong sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, người nghèo Quế Phong ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng… Giai đoạn 2012- 2016, toàn huyện đã đầu tư 137,700 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, nhà văn hóa...

“Cái được lớn nhất thông qua việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đó là đã làm cho người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, coi đây là cơ sở để vươn lên thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo về nhà ở, hỗ trợ sản xuất, nâng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo thôn , bản giáp biên giới cùng với các chính sách khác đã được triển khai có hiệu quả...Từ đó, đã giúp đời sống của người dân từng bước được nâng cao, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định. Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 51,44% thì đến nay, tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 45,95%, trong đó các xã nghèo, các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hơn 5%”- ông Trương Minh Cương - Phó bí thư huyện ủy Quế Phong cho biết thêm.

Phát huy tiềm năng lợi thế và đặc điểm đặc thù của một số vùng miền trên địa bàn để phát triển các loại cây, con vừa có giá trị kinh tế cao,
Phát huy tiềm năng lợi thế của một số vùng miền trên địa bàn để phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, giúp đồng bào thoát nghèo.

Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận thẳng thắn về những khó khăn trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Quế Phong. Đó là, số hộ thoát nghèo hàng năm tuy có giảm nhưng không bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao, số hộ nghèo tham gia mô hình còn ít, tỷ lệ thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình không cao vì khi nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình nhưng khi mô hình đã thành công và nhà nước không hỗ trợ kinh phí nữa thì rất ít hộ triển khai tiếp mô hình. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn ở cơ sở còn nhiều hạn chế;Tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư xây dựng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đáng lo ngại, do đặc điểm địa hình với đường biên dài 73,31 km, việc phân bổ dân cư chưa hợp lý; trình độ hiểu biết của người dân không đồng đều nên kẻ xấu thường lợi dụng tuyên truyền phá hoại gây mất đoàn kết trong nhân dân, dụ dỗ buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma tuý, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp, tình hình di dịch cư của đồng bào dân tộc Mông sang nước bạn Lào vẫn còn xẩy ra. Hơn nữa, hiện toàn huyện có tới 13 điểm tái định cư chương trình thủy điện Hủa Na với gần 1.400 hộ dân, nhưng việc giao đất sản xuất cho các hộ dân thực hiện chậm nên nhiều hộ gia đình không có đất sản xuất, vì vậy nguy cơ tái nghèo ở đây rất cao.

 “Giảm nghèo bền vững chính là việc làm dài hạn của UBND huyện từ trước tới nay, đặc biệt là sau khi có NQ30Acủa Chính phủ, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện và đã có những bước làm khá tốt, đặc biệt quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế gắn với lợi thế trên địa bàn huyện Quế Phong. Trong đó, cần tập trung làm tốt công tác quản lý chăm sóc bảo vệ rừng gắn với các chương trình trồng rừng, trồng các loại cây nguyên liệu, phát triển các mô hình có lợi thế như chanh leo, dược liệu, tăng đàn đại gia súc, phát triển có hiệu quả các mô hình kinh tế cao và rõ nét trên địa bàn, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó cũng phải làm tốt công tác tư tưởng, tránh việc trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước- đó là những giải pháp để khắc phục những hạn chế nói trên”- ông Trương Minh Cương trao đổi.

Được hỗ trợ cây con giống, người dân trên địa bàn huyện có thêm điều kiện phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững
Được hỗ trợ cây con giống, người dân trên địa bàn huyện có thêm điều kiện phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững

Thời gian tới, để thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết 30A đề ra trong giai đoạn 2015-2020, Quế Phong tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các mô hình kinh tế nhất là các mô hình đã phát huy hiệu quả, làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự lan toả để nhân rộng các mô hình đã khảo nghiệm có hiệu quả; Phát huy tiềm năng lợi thế và đặc điểm đặc thù của một số vùng miền trên địa bàn để phát triển các loại cây, con vừa có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập để đảm bảo đời sống cho nhân dân một cách đầy đủ. Đồng thời, gắn với việc quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng theo Nghị quyết 30a với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khuyến khích các hộ gia đình nông dân và các thành phần kinh tế có điều kiện bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thông qua các chương trình, dự án và các chính sách ưu đãi phát triển, ổn định sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 đến 5%.

(Hiến Chương)