Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Vì sao tỷ lệ tái nghiện ma túy vẫn tăng cao?

19:25, 25/06/2017

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện sau cai cũng như hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho đối tượng này, nhưng do nhiều nguyên nhân, tình trạng người tái nghiện ma túy trên địa bàn Nghệ An vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Đây là lần thứ 5, anh Nguyễn Hữu Tịnh vào cai nghiện ma túy tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội I Nghệ An. Mỗi lần vào đây, việc cắt cơn, lao động trị liệu hoàn toàn không khó. Tuy nhiên, lo lắng nhất của anh cũng như những người nghiện ma túy khác là môi trường sau khi cai nghiện ở trung tâm. Bởi chiến thắng bản thân là điều khó khăn nhất khi hòa nhập cộng đồng và mong muốn lớn nhất của những người sau cai nghiện ma túy là có việc làm để quên đi quá khứ.

Anh Tịnh chia sẻ: Có nhiều cái dẫn đến tái nghiện, bản thân thiếu ý chí. Nếu có môi trường tốt, có công ăn việc làm ổn định, chắc chắn tôi sẽ cai nghiện được.

tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội I Nghệ An
Học viện cai nghiện tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội I Nghệ An

Nghệ An hiện có 8 Trung tâm có chức năng cai nghiện và quản lý sau cai với quy mô hơn 1.700 học viên, trong đó có 4 Trung tâm cấp tỉnh và 4 Trung tâm cấp huyện. Trong năm 2016, toàn tỉnh đã phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện cho  hơn 1.900 người nghiện ma tuý; trong đó có 823 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, 261 người cai nghiện tự nguyện và 820 người cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm. Tuy nhiên, cai nghiện rồi tái nghiện vẫn đang là bài toán khó giải quyết hiện nay.

Theo ông Trần Nguyên Nhân - Phó Giám đốc TT Giáo dục lao động XH TP Vinh:  Tỉ lệ tái nghiện cao, với khoảng 90%. Việc này do nhiều nguyên nhân, mặc dù đã có chính sách đối với người sau cai nghiện nhưng do thiếu ý chí, bị xã hội lôi kéo dẫn đến tái nghiện.

Tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội, các học viên được đào tạo nghề
Tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội, các học viên được đào tạo nghề...

Với quy mô tiếp nhận 350 học viên, Trung tâm giáo dục lao động xã hội II Nghệ An không chỉ cắt cơn cắt cơn giải độc, phục hồi sức khoẻ cho các đối tượng nghiện ma túy mà đặc biệt quan tâm đến giáo dục nhân cách và tổ chức đào tạo nghề, hướng nghiệp cho học viên sau khi hoàn thành việc cai nghiện. Thế nhưng, tỷ lệ tái nghiện sau khi cai nghiện ma túy bắt buộc ở trung tâm cũng rất lớn.

Ông Đào Ngọc Lương - Phó Giám đốc TT Giáo dục LĐXH  II Nghệ An cho biết: Học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng đã được giáo dục nhân cách và học các kỹ  năng phòng chống tái nghiện. Do vậy, tôi mong các cấp, các ngành cần vào cuộc đồng bộ để gần gũi, động viên và quản lý đối tượng cai nghiện khi tái hòa nhập cộng đồng.

...Rèn luyện sức khỏe
...Rèn luyện sức khỏe

Cùng với hình thức cai nghiện ma túy bắt buộc, Nghệ An đã thực hiện hình thức cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, không cách ly người nghiện với xã hội, không tạo sự mặc cảm tự ti là một trong những ưu điểm mà mô hình cai nghiện tại cộng đồng mang lại.

Tại TP Vinh, mô hình này đã được triển khai ở  phường Lê Lợi, Hưng Bình, Trường Thi, Trung Đô, Hồng Sơn. Từ năm 2012 đến nay, TP Vinh đã tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho hơn 500 lượt người, nhưng phần lớn đều bị tái nghiện. Ông Thái Giáp Vinh – Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, TP Vinh thừa nhận: Theo thực tế địa phương, việc tái nghiện cao, do vậy hiệu quả của chương trình cai nghiện tại cộng đồng rất hạn chế.

Phường Lê Lợi, TP Vinh triển khai mô hình cai nghiện tại cộng đồng
Phường Lê Lợi, TP Vinh triển khai mô hình cai nghiện tại cộng đồng

Có một thực tế hiện nay là phần lớn những ngành nghề mà học viên được học tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội lại chưa phù hợp so với yêu cầu của xã hội nên rất khó tìm kiếm được việc làm sau cai. Ngoài nguyên nhân chính là do bản thân người nghiện ma túy không đủ quyết tâm từ bỏ, bị bạn bè xấu tiếp tục rủ rê, lôi kéo thì sự thờ ơ, vô cảm của gia đình, hàng xóm nơi người nghiện ma túy sinh sống; Công tác quản lý, tạo việc làm cho người nghiện sau cai thời gian qua chưa được chú trọng đúng mức. Đây chính là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tái nghiện còn cao.

Ông Dương Văn Quảng - Giám đốc trung tâm GDLĐ XH I Nghệ An khẳng định: Chứng chỉ học nghề của học viên tại Trung tâm khó có thể vào các công ty, doanh nghiệp để làm việc vì nhiều học viên cũng đã từng có tiền án tiền sự. Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp rất dè dặt khi tiếp nhận người nghiện ma túy vào làm việc.

Nhiều doanh nghiệp còn e dè trong việc tiếp nhận học viên sau cai nghiện
Nhiều doanh nghiệp còn e dè trong việc tiếp nhận học viên sau cai nghiện

Bên cạnh đó, số người nghiện ma túy sau cai được vay vốn, tạo việc làm rất ít. Chẳng hạn như thực hiện quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, đến nay toàn tỉnh  mới chỉ có 3 người nghiện ma túy sau cai tại huyện Quế Phong được vay vốn từ nguồn này. Bà Tạ Thị Châu - Xã Hưng Đông, TP Vinh mong muốn cộng đồng mở lòng, tạo điều kiện cho các đối tượng sau cai.

Và bản thân học viên khi tái hòa nhập cộng đồng cũng thiếu vốn để bắt đầu công việc mới
Và bản thân học viên khi tái hòa nhập cộng đồng cũng thiếu vốn để bắt đầu công việc mới

Để hướng tới một xã hội không còn người nghiện ma túy cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời tạo sự kết nối với các doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động cai nghiện, cắt cơn tạm thời như hiện nay. Cùng với đó, chính bản thân người nghiện phải tự nỗ lực, quyết tâm chống lại những cám dỗ do ma túy gây ra. Ngoài ra, cần phải có sự hỗ trợ động viên của cả gia đình và cộng đồng giúp người nghiện có niềm tin, động lực để quyết tâm vượt qua được những mặc cảm của bản thân; Tạo điều kiện cho họ cai nghiện thành công, có việc làm ổn định, trở thành người có ích cho xã hội.

(Vân Anh - Duy Thanh)