Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

14:42, 10/08/2017

Hôm nay, ngày 10/8 - kỷ niệm 56 năm ngày thảm họa da cam Việt Nam. Với khoảng 27.000 người bị phơi nhiễm, Nghệ An là địa phương có số nạn nhân chất độc da cam lớn trong cả nước. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành và sự nỗ lực của chính bản thân, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 

Anh Ngô Xuân Bình và chị Phạm Thị Yên là thế hệ bị nhiễm chất độc da cam thứ hai. Mang trên mình nỗi đau da cam, lại phải chăm sóc chồng con bị tật nguyền, chị Yên đã nỗ lực để học nghề làm hoa. Sự cần mẫn, khéo léo cộng với sự sáng tạo, những bình hoa đá, hoa lụa do chị làm ra đã trở thành nguồn sống chính của gia đình.

Chị Phạm Thị Yên chia sẻ về những nỗ lực của bản thân trong phát triển kinh tế gia đình: “Bố mẹ 2 bên đều đã tuổi cao, chỉ hỗ trợ được phần nào cuộc sống của gia đình. Được Hội phụ nữ xã hướng dẫn làm hoa lụa đã giúp bản thân có được cái nghề để làm kinh tế trang trải cuộc sống hàng ngày.”

Vượt lên số phận, chị
Vượt lên số phận, chị Phạm Thị Yên tham gia làm kinh tế để tạo thu nhập cho gia đình.

Với 3 nạn nhân chất độc da cam, khó có thể nói hết những khó khăn trước đây của gia đình ông Phan Văn Thống. Năm 1999, gia đình ông đã được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Đến năm 2015, Hội Nạn nhân chất Da cam/dioxin Trung ương và huyện Hưng Nguyên đã hỗ trợ 95 triệu đồng cùng với sự giúp đỡ của các đoàn thể và bà con lối xóm, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang. Con bê giống được Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin huyện Hưng Nguyên hỗ trợ đã trở thành tài sản có giá trị, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống của gia đình.

Chia sẻ của ông Phan Văn Thống: “Các con bị ảnh hưởng chất độc da cam từ ông, người mất, người bị dị tật nên cuộc sống gia đình khó khăn vất vả. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống hiện tại của gia đình cũng bớt khó khăn hơn."

a
Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thăm hỏi, tặng quà nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Đến nay, Nghệ An đã có 17.000 nạn nhân chất độc da cam đã được hưởng chế độ trợ cấp. Hiện vẫn còn khoảng 100 hồ sơ tồn đọng đang được các ngành chức năng nỗ lực giải quyết trong năm nay.

Nói về giải pháp nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên, ông Đinh Xuân Tứ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nghệ An cho biết: “Động viên các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin vẫn có khả năng lao động tham gia sản xuất để tăng thu nhập, lo cho bản thân, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Sắp tới tiếp tục tham mưu các cơ quan ban ngành, tập trung giải quyết những tồn đọng trong giải quyết quyền lợi cho những người có công, trong đó có nạn nhân chất độc da cam.”

Động viên các nạn nhân nhiễm chất độc da cam có khả năng lao động tham gia làm kinh tế là một trong những giải pháp mang tính bền vững.
Động viên các nạn nhân nhiễm chất độc da cam có khả năng lao động tham gia làm kinh tế là một trong những giải pháp mang tính bền vững.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An mới chỉ có khoảng 30 % số hộ gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam có đời sống ổn định, 70% còn lại cuộc sống vẫn còn khó khăn do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng. Vì vậy, việc sớm giải quyết cho những đối tượng nạn nhân chất độc da cam chưa được thụ hưởng chính sách cần được sự quan tâm của các ngành, các cấp. Bên cạnh đó, các hoạt động thiết thực như hỗ trợ xây nhà, phát triển sản xuất, tặng học bổng cho con em gia đình nạn nhân chất động da cam cần sự quan tâm nhiều hơn từ phía cộng đồng./.

Mai Hương – Hữu Song