Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Gần 100 trí thức trẻ các huyện 30a đi đâu sau khi kết thúc dự án?

14:41, 10/08/2017

Gần 100 trí thức trẻ của các huyện 30a ở Nghệ An đang đứng trước nguy cơ mất việc làm sau nhiều năm cống hiến tại các bản làng vùng cao. Làm việc hơn nửa năm nay nhưng không có lương; trong Quyết định phê duyệt phân khai nguồn vốn giảm nghèo cho các huyện 30a thì khoản lương và phụ cấp cũng không thấy nhắc đến…

Lô Thị Hằng tốt nghiệp Đại học khoa Nông Lâm Ngư của Đại học Vinh. Ra trường, Hằng được tuyển chọn vào đội viên trí thức trẻ và làm cán bộ khuyến nông tại xã 30a Châu Kim, huyện Quế Phong. Trong gần 7 năm cống hiến, những mô hình vận động thành công như: trồng rau màu tập trung hay đưa cây mía vào những vùng ruộng lúa cao cưỡng có sự đóng góp rất lớn của Hằng. Trước khả năng phải dừng công việc do không có nguồn chi trả lương, những đội viên trí thức trẻ như Hằng không khỏi băn khoăn.

“Các anh em trong đội tri thức trẻ đều trăn trở vì sức trẻ mình đang có, kiến thức truyền đạt cho bà con đang dở dang không thể tiếp tục giúp bà con thoát nghèo.” – chị Lô Thị Hằng chia sẻ.

a
Chủ trương thu hút các trí thức trẻ về làm việc tại các xã khó khó khăn không chỉ giải quyết được công ăn việc làm mà còn phát huy được nguồn lao động tại chỗ đã qua đào tạo.

Huyện Quế Phong hiện có 32 đội viên trí thức trẻ đang được bố trí làm việc tại các xã nghèo. Từ năm 2016 trở về trước, nguồn trả lương và phụ cấp cho đội ngũ này đều được phân khai trong kinh phí vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất, thuộc Chương trình 30a. Tuy vậy, trong Quyết định phân bổ nguồn vốn năm 2017 về cho huyện thì không có một dòng nào dành để trả chế độ cho trí thức trẻ. Hợp đồng thì đã ký từ đầu năm, tiền thì chỉ được tạm ứng một phần từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của các xã. Không có nguồn chi trả nên các địa phương cũng lúng túng.

Chia sẻ của Ông Bùi Văn Hiền - Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Quế Phong: “Việc chi trả cho độ ngũ cán bộ tri thức trẻ trong dự án phải có phân khai thì mới thực hiện chi trả, nếu không vẫn phải tiếp tục đề nghị.”

Lo lắng nếu để đội viên trí thức tiếp tục làm việc thì sau này không biết lấy nguồn đâu để chi trả, bất đắc dĩ huyện Tương Dương đã phải ra Thông báo dừng hợp đồng của 51 đội viên trí thức trẻ từ ngày 30/6/2017. Tiền lương từ đầu năm chưa có giờ lại phải nghỉ việc khiến hoàn cảnh Lô Lưu Bình càng khó khăn thêm

Băn khoăn của anh Lô Lưu Bình - Đội viên trí thức trẻ xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương:  “Bọn em đang thực hiện mô hình chanh leo cho bà con, bây giờ nghỉ việc tức là việc triển khai mô hình sẽ dang dở.”

a
Đột ngột dừng hợp đồng các đội viên tri thức trẻ đồng nghĩa các mô hình phát triển nông nghiệp đang triển khai cũng sẽ dang dở.

Tuy hợp đồng làm việc chỉ ký một lần 12 tháng nhưng các đội viên trí thức trẻ vẫn cho rằng: các cơ quan chức năng nên có thông báo nếu có chủ trương dừng chương trình. Bản thân các huyện cũng không có thông tin về việc sẽ không có nguồn kinh phí chi trả cho các đội viên trí thức trẻ trong năm 2017.

Chị Bùi Thị Thùy Dung - Đội viên trí thức trẻ xã Xá Lượng, huyện Tương Dương bày tỏ: “Buồn thì tất nhiên buồn rồi. Vì đi làm có được một công việc giờ phải về nhà. Ở huyện miền núi bọn em chưa có nhà máy, xí nghiệp nên kiếm được một công việc rất khó. Bây giờ cũng đành ở nhà và chờ đợi.”

Điều đáng nói là các đội viên trí thức trẻ đều đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng chính quy và là con em của chính các huyện nghèo 30a. Chủ trương thu hút các trí thức trẻ về làm việc tại các xã khó khó khăn không chỉ giải quyết được công ăn việc làm mà còn phát huy được nguồn lao động tại chỗ đã qua đào tạo.

Nhóm PV