Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lời giải nào cho bài toán thừa - thiếu bác sỹ vùng cao

11:36, 21/11/2017

Quyết định số 2348 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới nêu rõ: Đến năm 2020, ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện. Tuy nhiên đến nay, Nghệ An vẫn đang loay hoay với bài toán thừa -  thiếu bác sỹ, nhất là đối với các huyện miền núi.

Tốt nghiệp Khoa hộ sinh trường Đại học Y khoa Vinh đã hơn 2 năm, nhưng đến nay, Võ Thị Nga ở xã Tân Lạc, huyện Quỳ Châu vẫn chưa thể tìm cho mình được việc làm. Sau nhiều lần nộp hồ sơ xin việc ở các bệnh viện nhưng chưa có hồi âm nên công việc của em là phụ giúp bếp núc cho gia đình. Sau một thời gian dài em đã quyết định vào xin học việc tại Bệnh viện đa khoa Quỳ Châu.

Theo chia sẻ của bạn Võ Thị Nga: “Em đến đây học việc nên không có chế độ gì. Dù chỉ sáng đi chiều về nhưng em vẫn quyết tâm theo đuổi để khi nào có cơ hội sẽ ứng tuyển vào bệnh viện. Nhiều lúc bản thân cũng chán nản nhưng em vẫn muốn theo nghề, cộng với sụ ủng hộ của gia đình nên quyết định theo đến cùng”.

Đăng ký học việc tại bệnh viện huyện là cách các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp được tiếp cận với nghề nghiệp thực tế và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Đăng ký học việc tại bệnh viện huyện là cách các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp tiếp cận với nghề nghiệp thực tế và tìm kiếm cơ hội việc làm.

Trong khi các bệnh viện thiếu bác sỹ trầm trọng nhưng vẫn không thể nhận thêm do không có định biên, thì một số vị trí lại dôi dư quá nhiều. Là huyện miền núi có dân số đông như Tương Dương, đến nay vẫn còn 4 xã chưa có bác sỹ, trong đó 2 xã có bác sỹ tăng cường, còn tại bệnh viện huyện đang thiếu 14 bác sỹ. Được biết bệnh viện đa khoa huyện hiện có có gần 330 cán bộ nhưng chỉ có 20 bác sỹ còn lại chủ yếu là sơ cấp và trung cấp. Mỗi ngày bệnh viện có khoảng 120 bệnh nhân nội trú và trên 140 bệnh nhân ngoại trú, nhưng trong 5 năm qua đơn vị cũng chỉ nhận được 5 biên chế cho các vị trí.

Trao đổi về vấn đề này, Bác sỹ Chuyên khoa I Vy Xuân Chiến - Giám đốc Trung tâm y tế Tương Dương cho biết: “Do số người đông nên tỉ lệ biên chế thừa nhiều. Theo đề án vị trí việc làm thì hàng năm tỉ lệ số cán bộ được tuyển dụng vào ít, chưa nói về chất lượng, số lượng để tỉ lệ bác sĩ trên số người dân theo quy định cũng chưa đảm bảo”.

a
Thực tế ở hầu hết các bệnh viện miền núi Nghệ An đều thiếu bác sĩ.

Theo thống kê năm 2016 có khoảng gần 500 sinh viên ngành y của Nghệ An ra trường. Trong đó chỉ có 34 em được tuyển dụng, hơn 100 em bỏ nghề và đi làm ở nơi khác, hơn 300 sinh viên ngành y thất nghiệp. Trong khi đó, trên địa bàn các huyện miền núi còn 149 trạm y tế chưa có bác sỹ, bệnh viện tuyến trung tâm 7 huyện miền núi còn thiếu trên 70 người.

a
Thống kê tình trạng sinh viên tốt nghiệp y khoa không tìm được việc làm năm 2016 tại Nghệ An.

Nói về lý do không được nhận thêm người, Bác sỹ Chuyên khoa II Đặng Tân Minh – Giám đốc Trung tâm y tế Quỳ Châu cho biết: “Sau khi trường ai cũng có việc làm đúng chuyên ngành, đó là nguyện vọng chính đáng. Trong thực tế, các bạn sinh viên được đào tạo hệ chính quy, trong quá trình thử việc có kỹ năng, trình độ năng lực tốt. Tuy nhiên lý do quy định về biên chế bị hạn chế và lý do khác của các Bộ, ngành liên quan nên chúng tôi chưa thể tiếp nhận vào làm việc”.

a
Cần một chủ trương giải quyết việc thừa thiếu bác sỹ ở miền núi Nghệ An. 

Năm 2007, Bộ Nội vụ – Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch 08 ngày hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước; tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2348 về Phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Mặc dù vậy đến nay, tỷ lệ bác sĩ /vạn dân ở Nghệ An vẫn chỉ đạt 7,6%  thấp hơn bình quân chung của cả nước./.

Bùi Thọ - Hữu Song