Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhức nhối nạn buôn bán người tại các huyện miền núi

18:20, 03/12/2017

Năm 2017, lực lượng Công an đã xác lập và khám phá thành công một số chuyên án buôn bán người trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế do cuộc sống khó khăn, hiểu biết pháp luật hạn chế, cộng với tư tưởng muốn thoát ly khỏi núi rừng, nhiều phụ nữ vẫn mắc bẫy, rơi vào những đường dây lừa đảo, buôn bán người sang Trung Quốc.

Những câu chuyện buồn

Từ ngày 1/11/2012, đứa con gái đầu của vợ chồng ông Vi Văn Hương ở xã Nga My được một người từ xã Yên Hòa, huyện Tương Dương rủ xuống miền xuôi làm ăn. Từ đó đến nay, gia đình mất hẳn tin tức của con gái.

Ông Vi Văn Hương buồn bã chia sẻ: “Người ta nói chỉ đi khoảng 2 tháng là về nhà. Đến Tết rồi không thấy con về, bố mẹ hoảng, đứng ngồi không yên, khả năng con bị lừa bán sang Trung Quốc rồi. Bố mẹ ở nhà lúc nào cũng khóc thương nhớ con”.

a
Nhiều gia đình mất con sau khi nghe lời dụ dỗ của những kẻ buôn người.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, tháng 12 năm 2015, con gái của bà Lương Thị Oanh ở huyện Tương Dương bị người quen dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc. Rất may, năm 2016 đứa con gái sinh năm 1997 của bà Oanh đã được Công an Trung Quốc giải cứu và trao trả về nước. Mặc dù có đơn tố cáo từ gia đình nạn nhân, nhưng đối tượng này vẫn chưa bị xử lý.

Bà Lương Thị Oanh cho biết thêm: “Người bên Trung Quốc nói ngày 15 cho con về nhưng đúng ngày ấy họ đưa con tôi đi bán cho người ta làm vợ. Gia đình đã làm đơn tố cáo, công an trên huyện nói chờ đối tượng về nhà bắt điều tra nhưng chúng tôi thấy kẻ lừa con tôi đi về 2 lần rồi nhưng chưa bị bắt”.

Qua thống kê, riêng xã Nga My, huyện Tương Dương, hiện đang có hơn 150 phụ nữ đi khỏi địa phương nhưng không khai báo với chính quyền làm gì, ở đâu. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình của UBND xã, phần lớn những người vắng mặt này hiện sinh sống bất hợp pháp tại Trung Quốc dưới hình thức hợp đồng ràng buộc làm việc, đẻ thuê...

Nói thêm về tình trạng này, ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Nga My, huyện Tương Dương cho biết: “Nhiều trường hợp cụ thể chúng tôi được biết giữa nạn nhân và các đối tượng bên Trung Quốc đã có thoả thuận sinh con trong khoảng thời gian nhất định sẽ được hưởng một khoản tiền, sau đó có thể trốn đi đâu tuỳ ý. Tuy nhiên nếu bỏ trốn trước thời hạn thoả thuận thì số tiền được hưởng sẽ trả cho người đưa đi”.

Hạn chế tội phạm mua bán người, đâu là giải pháp?

Cách thức đưa phụ nữ miền núi sang Trung Quốc bán không còn nằm ở dạng là dụ dỗ, lừa tìm việc làm với thu nhập cao, mà đã chuyển sang công khai. Đầu tiên là hợp đồng theo năm, kèm theo thời gian này phải sinh con cho họ, nếu chậm hoặc sinh con không đúng giới tính như mong muốn thì xem như đã vi phạm hợp đồng, buộc nạn nhân phải chấp nhận ở lại vô điều kiện. Một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc vào năm 2012, khi em bước sang tuổi 16, sau 5 năm biệt tích em đã trốn về được với gia đình. “Họ bảo em đi làm Công ty kiếm tiền sau 2 tháng rồi về ăn Tết, nhưng lại lừa bán luôn, bắt phải lấy chồng. Em ở được 5 năm, họ không cho dùng điện thoại, không cho liên lạc với gia đình” – Nạn nhân chia sẻ.

a
Một nạn nhân bị lừa bán khi mới 16 tuổi, trốn thoát về với gia đình sau 5 năm chống chọi với các đối tượng buôn người.

Một trường hợp khác, chị Bùi Thị Đích ở huyện Tương Dương đến nay vẫn còn ám ảnh việc mình bị bắt lại khi bỏ trốn: “Nhiều người cùng đi trên xe lắm, sang được 20 ngày chúng tôi quay về và bị bắt, sợ lắm. Bây giờ có cho nhiều tiền tôi cũng không dám đi nữa”.         

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay, đó là nhiều nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc trước đây, nay có điều kiện quay về lại trở thành đối tượng môi giới để đưa những người thân thích họ hàng, người có hoàn cảnh khó khăn để bán sang Trung Quốc. Hình thức này được thực hiện trên tinh thần tự nguyện giữa 2 bên nhằm tránh sự phát hiện, xử lý từ các cơ quan chức năng.

Như trường hợp gia đình bà Vi Thị Hòa ở xã Nga My, huyện Tương Dương: “Nó đi rồi nói có chồng, nhưng chẳng thấy chồng đâu, chỉ thấy đưa con về cho ông bà. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay thêm người khiến gia đình càng khó khăn hơn”.

a
Cuộc sống nhiều gia đình thêm khó khăn sau khi bị lừa bán với chiêu thức "đổi đời".

Ông Lương Thịnh Vương - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: “Những trương hợp sau khi đi sang Trung Quốc trở về mang theo con sinh ra nhiều bất cập. Vì có nhiều trường hợp đã có chồng con ở nhà nên khi đưa con từ bên ngoài về tạo mâu thuẫn trong gia đình, khiến cuộc sống gia đình khó khăn hơn cả khi chưa đi”.

Trên thực tế, để xác lập và tiến hành điều tra một vụ án liên quan đến lừa, buôn bán người ra nước ngoài hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp từ cấp cao hơn trong việc hợp tác với nước bạn; đồng thời phải có sự hợp tác của người nhà và nạn nhân mới có thể làm rõ tội trạng của các đối tượng và bóc dỡ được những đường dây mua bán người.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng phòng PC45, Công an tỉnh cho biết: “Chính nạn nhân không phối hợp với cơ quan điều tra, sau khi giải cứa về, họ khai là tự nguyện đi chứ không phải bị lừa bán, vì vậy vậy, tỷ lệ phá chuyên án mua bán người đạt được rất thấp so với tình hình thực tế xảy ra”.

Để hạn chế thấp nhất tình trạng lừa, mua bán người xảy ra trên địa bàn miền núi, quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức và cảnh giác cho người dân.

“Để hạn chế nạn buôn bán người tại các huyện miền núi, cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhân tịch, hộ khẩu trên địa bàn; Động viên bà con, tạo công ăn việc làm để bà con khắc phục khó khăn vì các đối tượng mua bán người thường lợi dụng vào hoàn cảnh khó khăn của người dân nơi vùng sâu, vùng xa thông qua hình thức dụ dỗ bằng vật chất để người dân nghe theo và đưa ra nước ngoài bán” - Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng phòng PC45, Công an tỉnh nói thêm.

a
Nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các huyện miền núi về vấn đề di cư lao động, phòng chống mua bán người; động viên, tạo công ăn việc làm khắc phục cuộc sống khó khăn là những việc làm thiết thực nhằm hạn chế nạn mua bán người.

Thống kê cho thấy, nạn nhân mua bán người thời gian qua trên địa bàn miền núi chủ yếu là trẻ vị thành niên, phụ nữ từ 14 đến 30 tuổi hoặc thanh niên nữ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đua đòi ăn chơi, lười lao động. Hầu hết những nạn nhân này khi được giải cứu hoặc trốn về đều nằm vào trường hợp nghèo đói, do đó bên cạnh công tác phòng ngừa, giải pháp hỗ trợ để họ có công việc ổn định tại quê hương rất cần được các địa phương quan tâm thực hiện./.

Nguyễn Nam - Hữu Dũng