Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Biến tướng tục "trộm vợ" và thân phận người phụ nữ miền núi

21:41, 07/03/2018

"Trộm vợ" là một tập tục văn hoá lâu đời của dân tộc Thái và Mông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phong tục ấy đã bị một số đối tượng lợi dụng và biến tướng. Dù bị cưỡng ép nhưng có rất ít thiếu nữ dám phản kháng vì những quan niệm rất nặng nề. Mới đây, việc một nữ sinh THPT tại huyện Quỳ Hợp đã 2 lần chạy trốn, thoát khỏi tục "trộm vợ" để trở lại nhà trường, tiếp tục con đường học tập cho tương lai của mình đã để lại nhiều suy nghĩ đối với vấn nạn này.

 

“Trộm vợ” được coi là một mỹ tục đầy tính nhân văn của đồng bào miền Tây Nghệ An. Nó chỉ được các đôi trai gái yêu nhau thực lòng vận dụng khi tình yêu bị cản trở vì khác biệt giai cấp, giàu nghèo. Trên hết là có sự đồng thuận của người con gái để bị trộm về nhà trai và sau đó buộc nhà gái phải chấp nhận.

Nói về trường hợp của nữ sinh Trường THCS Nhôn Mai từng bị bắt làm vợ, ông Hồ Duy Tịnh - Phó trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: "Khi bị bắt, nữ sinh Sùng Y So mới học lớp 8 (SN 2004) chưa đến tuổi kết hôn. Thầy cô trên trường cũng đã nhận được giấy mời dự đám cưới của nữ sinh này”.

a
Phần lớn nạn nhân của phong tục "trộm vợ" hiện nay nằm ở độ tuổi vị thành niên.

Không phải vùng sâu, biên giới mà thật khó tin, ở một địa bàn như huyện Quỳ Hợp, hình thức trộm vợ biến tướng lại liên tục xảy ra. Có rất nhiều cô gái đã phải cam chịu khép lại những ước mơ để làm vợ, làm mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ. Trường THPT Quỳ Hợp 3 ở ngay sát thị trấn Quỳ Hợp cứ mỗi dịp sau Tết lại có vài 3 trường hợp học sinh phải bỏ học vì lý do này.

Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 cho biết: “Cần phải xử lý một vài trường hợp tảo hôn sớm, tức là hành vi quan hệ với trẻ vị thành niên đã được Pháp luật quy định”.

Chứng kiến cảnh học sinh trở thành nạn nhân của phong tục này, các thầy, cô giáo đều mong muốn
Chứng kiến cảnh học sinh trở thành nạn nhân của phong tục này, các thầy, cô giáo đều mong muốn xử phạt răn đe các đối tượng theo quy định của Pháp luật.

Quan điểm của em Trương Thị M - Học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 trước tục này: “Tục “bắt vợ” của người Thái là phong tục truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên nếu như một người con gái, đặc biệt học sinh như chúng em không đồng ý mà cố tình bắt về thì đó một sự cưỡng ép”.

Nếu như không dũng cảm chiến đấu với các trai bản để thoát khỏi tục “trộm vợ” thì hôm nay, em Hà Thị Hồng Thu – nhiều năm liền là học sinh giỏi Trường THPT Quỳ Hợp 3 khó tiếp tục đến lớp cùng bè bạn.

Chia sẻ của em Hà Thị Hồng Thu: “Khi em đang đi mua rượu cho bố thì bị một anh bắt lên xe. Rất may khi đó em nhờ nhà dân gọi điện về nhà cầu cứu. Đến sáng hôm sau bị bắt, người thân có đến đón về nhưng cũng phải giằng co mãi. Tình yêu với hôn nhân phải dựa trên Pháp luật”.

Đầu năm 2017, cũng tại huyện Quỳ Hợp, một cô gái cũng bị một nhóm thanh niên bắt về làm vợ khi đang trên đường vào Nam làm việc. Thậm chí một số địa phương, nhiều đối tượng thường nhắm các em từ 13 -14 tuổi để “trộm vợ”.

Nhiều trường học khu vưc miền núi trang bị hệ thống camera để theo dõi, phòng tránh các trường hợp bắt nữ sinh.
Nhiều trường học khu vưc miền núi trang bị hệ thống camera để theo dõi, phòng tránh các trường hợp bắt nữ sinh.

Các trường THCS, THPT ở các huyện miền núi đã phải lắp camera theo dõi. Buổi tối, các thầy, cô kiêm công việc bảo vệ để ngăn chặn tình trạng này. Theo quan điểm dân tộc Thái, người con gái khi đã được bắt về, dù có bỏ trốn thì đã mất duyên và bị coi như đã qua một đời chồng. Lợi dụng điều này, nhiếu đối tượng ép các cô gái về làm vợ, khiến tương lai của các em rơi vào ngõ cụt. Đây cũng là khó khăn nhất của các cấp chính quyền trong cuộc chiến chống lại “hủ tục”.

Các thầy, cô của trường trở thành những
Các thầy, cô của trường trở thành những "bảo vệ" bất đắc dĩ...
Để ngăn chặn các thanh niên rình rập bắt nữ sinh của trường.
...Để ngăn chặn các thanh niên rình rập bắt nữ sinh của trường.

Trao đổi với phóng viên, bà Vi Thị Hoa - Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyên đến từng chị hội phụ nữ. Dù nhận thức đã được nâng cao hơn nhưng tình trạng này vẫn đang còn tồn tại. Vì vậy thời gian tới chúng tôi vẫn phải tiếp tục tuyên truyền”.

a
Cần loại bỏ những phong tục "trộm vợ" bị biến tướng để bảo vệ quyền lợi phụ nữ miền núi, để các em có quyền quyết định tương lai của mình.

Bản thân Thu mặc dù đã 2 lần thoát khỏi hủ tục này nhưng nguy cơ em tiếp tục trở thành nạn nhân là rất cao, nếu như vẫn còn sự bỏ mặc, thờ ơ của chính những người thân. Bên cạnh đó, sự vào cuộc cấp chính quyền và cơ quan pháp luật cũng cần phải quyết liệt hơn nữa, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục này để những đối tượng xấu không lợi dụng phục vụ cho việc buôn người hay vi phạm pháp luật. Quan trọng hơn, để những người phụ nữ miền núi được bảo vệ và có quyền quyết định tương lai của chính mình./.

Xuân Hướng – Quốc Toàn