Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cháy ở địa bàn miền núi: Nguy cơ cao từ tâm lý chủ quan

20:40, 20/05/2018

Nói đến cháy ở địa bàn các huyện miền núi, nhiều người vẫn chỉ nghĩ đến nguy cơ cháy rừng. Chính vì suy nghĩ này, công tác phòng cháy ở các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa bàn miền núi hiện còn bỏ ngỏ.

Vụ cháy cửa hàng bán đồ điện tử, điện lạnh Lý Hồng ở thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương trong tháng 3 vừa qua khiến người dân khu vực này vẫn chưa hết bàng hoàng. 

Vụ cháy cửa hàng điện lạnh
Vụ cháy cửa hàng điện lạnh Lý Hồng ở thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương là lời cảnh tỉnh trong công tác PCCC địa bàn khu vực miền núi.

Chị Trần Thị Hằng Lê ở thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương – Người chứng kiến vụ việc nhớ lại: “Khi xảy ra cháy, toàn bộ của hàng đó như một lô cốt, không vào được. Lúc cháy có một nhân viên trên tầng 2 nhưng vì con gái nên họ không biết chữa cháy thế nào, may mà sau đó cứu được nạn nhân ra ngoài an toàn. Nhà em trên tầng 2 cũng có con nhỏ đang ngủ được bà ngoại nhớ ra vội vạng đưa ra khỏi nhà”.

Sau vụ cháy cửa hàng Lý Hồng, người dân cả thị trấn Hòa Bình mới nhận ra mình đang sống ngay bên cạnh những quả bom thực sự. Bởi hôm đó, nếu chính quyền không xử lý tốt 4 tại chỗ, đám cháy có thể sẽ lan sang cửa hàng xăng dầu bên cạnh, vào kho ga ngay phía sau và rất có thể thiêu rụi chợ trung tâm thị trấn chỉ cách đó mấy bước chân.

a
Vụ cháy xảy ra ngay sát cây xăng (bên trái cửa hàng bị cháy) khiến người dân hoảng hốt.

Ông Trần Nhật Hiếu -  Người dân khối Hòa Tân, thị Trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương chia sẻ thêm: “Nếu lúc đó lực lượng chức năng không kịp thời khống chế ngọn lửa thì cây xăng gần cửa hàng bị cháy không khác gì quả bom. Sự việc xảy ra khiến chúng tôi cảm thấy hoang mang”.

Chợ Mường Xén cũng từng bị thiêu rụi hoàn toàn năm 2005. Từ đó đến nay, ít nhất đã có thêm 2 lần xảy ra cháy chợ. Mới xây dựng lại nên hệ thống PCCC tại đây được trang bị khá đầy đủ nhưng chính sự thờ ơ của Ban quản lý chợ và những tiểu thương khiến hệ thống này khó phát huy tác dụng khi xảy ra cháy.  

Chợ
Khu vực chợ Mường Xén chằng chịt các tấm bạt che tạm bợ.
a
Hệ thống PCCC bị che lấp bởi hàng hóa (trong khoanh đỏ).
a
Hệ thống PCCC dường như bị lãng quên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Lâm - Trưởng Ban quản lý chợ Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Hiện tại chợ vẫn chưa có máy phát điện. Khi xảy ra cháy hệ thống điện của chợ sẽ bị cắt, như vậy sẽ không thể khởi động hệ thống phòng cháy chữa cháy. Thậm chí máy bơm đến bây giờ vẫn chưa được trang bị”.

Dù chứa hàng hóa trị giá cả chục tỷ đồng nhưng chợ Con Cuông chỉ có vài bình chữa cháy cùng hệ thống phòng cháy thô sơ gồm: câu liêm, thang tre... Dù biết không an toàn nhưng các hộ tiểu thương vẫn khá vô tư khi gửi gắm tài sản của mình tại đây.

a
Hệ thống PCCC tại chợ thô sơ và bị khóa trái, khó phát huy tác dụng.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Hồng Hải - Phó trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 6 cho biết: “Khi có cháy, Cảnh sát PCCC xuất xe nhanh cũng phải mất 15 - 20 phút mới đến được đám cháy. Vì vậy, việc tuyên truyền, tập huấn cho người dân khả năng xử lý cháy tốt thì việc khắc phục mới hiệu quả”.

Thực tế cho thấy, nếu hỏa hoạn xảy ra ngay ở các đô thị có đầy đủ hệ thống chữa cháy thì việc xử lý vẫn hết sức khó khăn. Vậy nên, việc ứng cứu sự cố, cháy nổ ở địa bàn miền núi vốn cách trở về giao thông, địa bàn sinh sống chật hẹp và thiếu thốn đủ thứ từ nguồn nước đến hệ thống chữa cháy... Cách phòng cháy hiệu quả nhất vẫn là sự nâng cao cảnh giác, loại bỏ tâm lý chủ quan trong suy nghĩ của mỗi người dân./.

Xuân Hướng – Trường Ca