Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động và những vấn đề cần đặt ra

21:26, 06/05/2018

An toàn, vệ sinh lao động là một trong những nhiệm vụ hàng đầu luôn được các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên hằng năm, nhiều vụ tai nạn do mất an toàn lao động vẫn xảy ra, gây tử vong và bị thương nhiều người. Điều này đang đặt ra những vấn đề cần phải quan tâm hơn nữa không chỉ riêng trong tháng hành động.

Tháng 6 năm 2017, trong lúc vận hành máy nghiền, chị Nguyễn Thị Quý - công nhân Công ty Cổ phần giấy Sông Lam không may bị tai nạn. Mất sức lao động 60%, cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn.

a
Bị tai nạn trong lao động khiến chị Nguyễn Thị Quý phải cắt bỏ 1 chân, mất 60% sức lao động.

Chị Nguyễn Thị Quý ở xóm 5 xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên chia sẻ: “Tai nạn ập đến, bản thân hiện không còn đủ sức khỏe để làm việc gì nữa, cảm thấy rất thiệt thòi”.

Công ty cổ phần giấy Sông Lam hiện có hai dây chuyền sản xuất. Các thiết bị máy móc đưa vào hoạt động đã lâu năm nên hơn 100 công nhân làm việc ở đây khá lo lắng bởi những nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

a
Máy móc làm việc lâu năm khiến công nhân trực tiếp đứng dây chuyền sản xuất lo lắng về an toàn lao động.

Ông Trần Văn Khánh - Phó Chủ tịch công đoàn, Công ty Cổ phần giấy Sông Lam cho biết: “Trong điều kiện làm việc hiện nay, bản thân công nhân cũng lo lắng về sự an toàn trong lao động. Hàng năm, công ty cũng tổ chức tập huấn về an toàn lao động, công đoàn tiến hành kiểm tra hàng tháng”.

Năm 2017, toàn tỉnh vẫn xảy ra 29 vụ tai nạn lao động, làm 9 người chết, 20 người bị thương nặng. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở các ngành, nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm như: xây dựng, sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, Quỳ Hợp là huyện có số lượng doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản lớn nhất Nghệ An, với 153 cơ sở,  thu hút gần 3.800 lao động. Đây là điểm nóng về vấn đề an toàn vệ sinh lao động.

Do đặc thù công việc, khai thác khoáng sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động.
Khai thác khoáng sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động.

Mỏ đá trắng Thung Còn nằm trong cụm công nghiệp vừa và nhỏ của xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp. Được cấp phép khai thác trên diện tích hơn 14ha, thời hạn khai thác 25 năm. Hiện tại, mỏ đá này có 3 khu vực khai thác mất an toàn lao động, với cách thức khai thác theo kiểu hầm ếch, phía trên là hàng ngàn mét khối đá treo lơ lửng có nguy cơ rạn nứt, sạt lở; phía dưới chân mỏ công nhân đang làm việc, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo chia sẻ của anh Vi Văn Quang ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp: “Tôi trước đây làm ngoài xưởng chế biến, vào mỏ lái máy được hai năm. Với điều kiện làm việc hiện tại, hàng ngày lái máy dước chân núi cũng lo sợ sập đá”.

Công việc đặc thù nhưng bảo hộ lao động cho các công nhân tại mỏ đá lại quá sơ sài.
Công việc đặc thù nhưng điều kiện bảo hộ lao động cho các công nhân tại mỏ đá lại không được chú trọng.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Hợp cho biết: “Nguyên nhân gây tai nạn lao động một phần xuất phát một phần từ nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động. Do đặc thù ngành nghề khai thác khoáng sản tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, nguy hiểm xảy đến với người lao động”.

Không chỉ ở Quỳ Hợp mà nhiều nơi khác, vấn đề an toàn lao động chưa được các doanh nghiệp cùng  người lao động quan tâm. Khi xảy ra tai nạn, người lao động phải chịu thiệt thòi lớn nhất. Tại Nhà máy sản xuất gạch ngói Tuynel Tân Kỳ, với công suất 40 triệu viên/năm, công ty này có khoảng 150 công nhân. Điều đáng nói, chính bản thân mỗi công nhân ở đây lại chưa tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động. Chỉ khi thấy ông kính máy quay, những công nhân này mới đội mũ bảo hiểm để đối phó và ngay sau đó lại bỏ mũ khỏi đầu.

Ý thức của chính công nhân trong việc bảo hộ lao động gây mất an toàn.
Ý thức của chính công nhân trong việc bảo hộ lao động gây mất an toàn.

Chia sẻ của chị Lê Thị Ánh Hồng - Công nhân nhà máy gạch ngói Tuynel Tân Kỳ: “Đôi lúc làm việc vội chúng tôi không đội mũ để không vướng. Bên cạnh đó đôi lúc làm việc nóng quá cũng bỏ mũ một chút cho thoáng sau tiếp tục đội”.

Thực tế hiện nay, công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu; Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở cấp huyện, phường, xã chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Ý thức chấp hành và thực hiện các quy định về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ sử dụng lao động và của chính người lao động vẫn chưa nghiêm. Nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định có tính chất đối phó sự kiểm tra của cơ quan Nhà nước. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

a
Điều kiện làm việc sơ sài, ý thức chủ quan tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn trong lao động.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết: “Trong năm 2018, tỉnh tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các công ty, nhà máy,… trên địa bàn. Hiện tỉnh đã thành lập 2 đoàn dự kiến kiểm tra trong khoảng thời gian cuối tháng 5 và đầu tháng 9/2018. Với khoảng 200 doanh nghiệp, nếu quá trình kiểm tra phát hiện sai phạm trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đoàn sẽ lập tức đình chỉ hoạt động để đảm bảo an toàn cho công nhân lao động”.

Năm nay, với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, Tháng an toàn vệ sinh lao động được phát động từ 1/5 đến 31/5. Đây là đợt cao điểm tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các cấp đảng ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, người lao động và toàn thể nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động để bảo vệ sức khỏe cho người lao động; Trên cơ sở thúc đẩy các hoạt động cải thiện điều kiện và môi trường lao động đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phòng chống cháy nổ.

Vân Anh - Cảnh Toàn