Đời sống - Xã hội

Nghệ An: Dân lòng hồ thủy điện “ngồi trên lửa” trước mùa mưa bão

16:33, 27/08/2020
Hàng loạt căn nhà nứt toác chênh vênh bên “hố tử thần” trong lòng hồ Thuỷ điện Bản Ang (huyện Tương Dương - Nghệ An) do sạt lở khi mùa mưa bão cận kề khiến người dân sống ở đây bất an.

“Ở đây sợ lắm!”

Sau đợt mưa lũ nhấn chìm các hộ dân ở khu vực lòng hồ thuỷ điện Bản Ang vào năm 2018, sáu hộ dân ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) liên tục có đơn đề nghị chính quyền hỗ trợ kinh phí để di dời nhà cửa, tài sản khác trên đất. Hai năm qua, những kiến nghị của họ vẫn chưa được hồi đáp trong khi mùa mưa bão lại đang cận kề.

Nhà máy thuỷ điện Bản Ang (bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương - tỉnh Nghệ An)
Nhà máy thuỷ điện Bản Ang (bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương - tỉnh Nghệ An)

Bà Lô Thị Oanh, một trong 6 hộ dân nằm trong diện cần di dời cho biết, gia đình đã ở đây từ năm 1988 và chịu bao nhiêu trận lũ lụt, có khi nước đến mái nhà nhưng nước rút thì đâu lại vào đấy, cuộc sống vẫn tiếp diễn. “Từ ngày có thuỷ điện Ban Ang nhà tôi bị nứt khắp nơi nên không dám ở, phải đi thuê nhà nơi khác với hy vọng chờ được hỗ trợ di dời” - bà Oanh nói và cho biết, đến nay sau nhiều lần hứa hẹn nhưng vẫn chưa thấy đâu?.

Theo bà Oanh, nhà cửa của người dân tại đây bị nứt nẻ, sụt lún được xác định do nhà máy thủy điện gây ra. “Cơ quan chức năng huyện này cũng xác nhận các hộ dân không thể tiếp tục sống tại nơi này và cho biết Nhà máy thủy điện Bản Ang đền bù để di dời đến nơi ở mới” - bà Oanh nói thêm. Thế nhưng, đã gần 2 năm trôi qua nguyện vọng của bà Oanh cũng như các hộ dân khác vẫn chưa được đáp ứng trong khi mùa mưa bão cận kề và tính mạng, tài sản của họ lại đang bị đe doạ.

Nhà ông Lữ Duy Hải nằm trong số những hộ bị ảnh hưởng nặng nhất. Mấy tháng trước, UBND huyện Tương Dương kiểm tra phát hiện nền nhà ông Hải bị rạn nứt, sụt lún, tường xây bị nứt theo từng vết, móng kè đá hộc có biểu hiện dịch chuyển do sụt lún phía ta-luy âm bên trong lòng hồ thủy điện; cọc rào bằng bê tông cốt thép giăng lưới B40 khoảng 55dm đã sập xuống bên mép nước lòng hồ và một số công trình phụ khác đã bị trôi, nguy cơ bị ảnh hưởng tới nhà cửa, tài sản và tính mạng rất cao.

Những hộ dân ở thủy điện Bản Ang (Nghệ An) lo sợ mưa lũ cuốn trôi nhà xuống vực sâu
Những hộ dân ở thủy điện Bản Ang (Nghệ An) lo sợ mưa lũ cuốn trôi nhà xuống vực sâu.

Tương tự, nhà ông Mạc Thành Long cũng được xác định kết cấu nhà phía bên ta luy âm lòng sông có biểu hiện nứt nẻ, sụt lún. Hay nhà ông Nguyễn Văn Hồng cũng nằm trên cốt ngập của lòng hồ thủy điện Bản Ang nhưng giữa nhà ở và lòng hồ khoảng cách quá gần và có nguy cơ sạt lở, sụt lún rất cao; nhà vệ sinh và nhà bếp xây có biểu hiện nứt tường và nứt móng xây bằng đá hộc phía ta luy âm của bờ sông. Hàng loạt hộ dân khác như hộ ông Vi Quang Vũ và Mạc Văn Thiết cũng cùng chung cảnh ngộ.

Dân chờ di dời, huyện chờ… kinh phí!

Làm việc với phóng viên về thực trạng 6 hộ dân sống thấp thỏm trong hồ thuỷ điện Bản Ang, ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch HĐND  huyện Tương Dương - cho biết: vào tháng 8/2019 nơi đây đã thành lập đoàn kiểm tra đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hộ dân trong phạm vi lòng hồ thủy điện Bản Ang.

“Ngày 7/11/2019, đoàn kiểm tra đã trực tiếp phối hợp với chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Bản Ang là Công ty CP thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn, UBND xã Lưu Kiền, Ban quản lý bản Khe Kiền và các hộ dân bị ảnh hưởng tiến hành kiểm tra, đo đếm chi tiết tất cả các hạng mục như nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, đất đai, nền, móng nhà có nguy cơ sạt lở, sụt lún đối với 6 hộ gia đình nêu trên” - ông Ót cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hồng bên những nơi bị lún, nứt toác trong căn nhà của mình
Ông Nguyễn Văn Hồng bên những nơi bị lún, nứt toác trong căn nhà của mình

Theo ông Kha Văn Ót, sau khi kiểm tra xong, ngày 27/12/2019, UBND huyện Tương Dương có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn đề nghị giải quyết các kiến nghị của 6 hộ dân trên. Văn bản cũng nêu rõ hiện trạng của 6 hộ gia đình bị ảnh hưởng, đồng thời chỉ ra phương án hỗ trợ là căn cứ vào hiện trạng về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu thực tế của các hộ gia đình đang sử dụng và nằm trong khu vực đất ở, đất vườn liền kề đất ở nhưng đã bị sạt lở và một số hộ có nguy cơ sạt lở cao để được kê khai kiểm đếm và áp giá hỗ trợ.

Theo đó, tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ cho 6 hộ dân là hơn 4,162 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường và hỗ trợ trực tiếp là hơn 3,9 tỷ đồng, gồm giá trị bồi thường về nhà cửa, công trình phụ là 2,087 tỷ đồng; giá trị bồi thường vật kiến trúc là hơn 1,746 tỷ đồng; giá trị bồi thường về cây trồng là 16 triệu đồng; hỗ trợ di chuyển nhà ở trong xã là 18 triệu đồng; hỗ trợ thuê nhà 36 triệu đồng và giá hỗ trợ san nền là 180 triệu đồng.

Phản hồi về việc này, ngày 10/01/2020, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có văn bản yêu cầu Công ty CP thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn phối hợp làm việc với UBND huyện Tương Dương và các tổ chức, cá nhân có liên quan thống nhất phương án, kinh phí để di dời 6 hộ dân bản Khe Kiền ra khỏi vùng bị sạt lở và vùng có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân. Kết quả thực hiện phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/2/2020.

Lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo trên, huyện vẫn thống nhất tổng kinh phí hỗ trợ, bồi thường, tái định cư cho 6 hộ dân này vẫn là hơn 4,162 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND huyện Tương Dương đề nghị Công ty CP thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn phải bố trí kinh phí chi trả cho 6 hộ dân di dời ra khỏi vùng bị sạt lở để dân sớm ổn định cuộc sống.

Trong cuộc họp về việc di dời 6 hộ dân này với UBND huyện Tương Dương, đại diện Công ty CP thủy điện Nậm Mô – Nậm Nơn cho rằng, việc di dời là hết sức cần thiết, và đơn vị này đã chuyển về cho huyện 600 triệu hỗ trợ kinh phí di dời. Theo ông Ót, đến thời điểm này, số kinh phí còn thiếu trên 3 tỷ đồng nên huyện đang chờ ngân sách của tỉnh đến bao giờ có mới di dời được!.

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện