Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An
NTV-Emagazine
.

“Bông hồng xanh” nơi biên giới

16:35, 08/03/2021
Trung tá biên phòng Nguyễn Thị Trần Thanh là nữ chiến sỹ đầu tiên của lực lượng BĐBP Nghệ An viết đơn xung phong lên biên giới công tác. Sau 3 năm lên với biên giới, “bông hồng xanh” của Đồn Biên phòng Môn Sơn đã được bà con các dân tộc nơi đây coi như người con của bản!

Một ngày cuối năm 2017, khi biết tin Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh viết đơn xung phong lên biên giới công tác, bạn bè, người thân ai nấy đều ngỡ ngàng. Bởi, môi trường làm việc tại phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đang ổn định, nhẹ nhàng, phù hợp với một người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị Thanh.

Chị Thanh chia sẻ thêm: “Gia đình là nguồn động lực, cũng chính là mối bận tâm lớn nhất trong quãng thời gian đầu tôi nhận nhiệm vụ. Mẹ tôi 2 tháng liền mất ngủ vì lo lắng cho con gái. Gia đình có nhiều xáo trộn khi vắng người vợ - người mẹ, nhất là 2 đứa con trong giai đoạn trưởng thành, còn đang đi học. Vì vậy, tôi luôn phải động viên các thành viên trong gia đình. Và cách làm cho đến bây giờ ngẫm lại tôi thấy hiệu quả nhất là sau thời gian ổn định công việc mới. Đó là, đưa cả gia đình đến với Đồn để trải nghiệm thực tế. Từ đó mẹ tôi cũng yên tâm hơn với điều kiện công tác của tôi, chồng thông cảm, chia sẻ với công việc của vợ và các con hiểu được nỗi vất vả của mẹ, để tạo mọi điều kiện tốt nhất động viên tôi yên tâm công tác”.

Xã biên giới Môn Sơn có 14 bản với hơn 2.200 hộ dân, 80% là đồng bào dân tộc Thái, còn lại là tộc người Đan Lai và một số ít người Kinh. Trình độ dân trí thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm tới 25%), nhận thức, hiểu biết về pháp luật, phong tục tập quán còn lạc hậu. 

Trước thực tế đó, trung tá Trần Thanh luôn trăn trở làm sao để đồng bào dân tộc bỏ tập quán lạc hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu về công tác tại Đồn Biên phòng Môn Sơn, chị đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho Ðảng ủy, Chỉ huy đơn vị triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tại địa bàn bản Cửa Rào và bản Tân Sơn, trung tá Trần Thanh được giao trực tiếp phụ trách hỗ trợ 5 hộ gia đình phát triển kinh tế, trong đó có 2 hộ người Đan Lan và 3 hộ dân tộc Thái. Trong số 5 gia đình đó, chị chọn 1 hộ triển khai làm điểm, đó là hộ vợ chồng bà La Thị Nguyệt, dân tộc Đan Lai ở bản Cửa Rào. Ban đầu, chị Thanh gặp rất nhiều khó khăn bởi rào cản về ngôn ngữ, tập tục. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, mưa dầm thấm lâu, chị đã thuyết phục được vợ chồng bà Nguyệt mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi. Đến thời điểm này, gia đình bà La Thị Nguyệt đã có cuộc sống ổn định, cũng là hộ đầu tiên của bản Cửa Rào thoát nghèo.

Để có sự thay đổi trên, trung tá Trần Thanh cùng anh em đồng đội Đồn Biên phòng Môn Sơn và chính quyền địa phương rất nỗ lực hướng dẫn người dân, trực tiếp ‘cầm tay chỉ việc’ từ những việc nhỏ nhất như ăn ở, sinh hoạt hàng ngày cho đến phát triển kinh tế…  

Bên cạnh giúp dân phát triển kinh tế, với phương châm “ba bám, bốn cùng”, Trung tá Trần Thanh thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ. Chị còn kết nối, kêu gọi vận động nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ quần áo, chăn màn, sách vở và trực tiếp đến trao, giúp đỡ các hộ nghèo, học sinh nghèo trên địa bàn xã Môn Sơn.

Bằng những việc làm cụ thể, sau 3 năm lên với biên giới, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã được đồng bào tin yêu, quý mến xem như người con của bản làng.

Ở đâu có những người lính biên phòng, ở đó từng tấc đất biên cương Tổ quốc được vẹn toàn, nhân dân có cuộc sống bình yên. Trong môi trường quân đội khắc nghiệt, trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã phải nỗ lực nhiều hơn so với nam giới, khắc phục khó khăn, bám trụ địa bàn khu vực biên giới. Có một điều thuận lợi là các vị trí như trưởng bản, bí thư chi bộ đèu do chị em trong bản đảm nhiệm.. Đây chính là lợi thế để Trung tá Trần Thanh triển khai nhiệm vụ, giúp chị phát huy tốt vai trò làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. 

Trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chị Thanh cũng có những cách làm rất riêng. Chị tìm cách giải thích từng chủ trương, chính sách bằng các việc làm, con số cụ thể, đồng thời hướng dẫn các thôn, bản ứng dụng công nghệ trong công tác tuyên truyền.

Sau gần 3 năm công tác ở vị trí công việc mới, chị Thanh đã gặt hái được những thành công nhất định. Cụ thể: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tặng Giấy khen “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” năm 2019; Giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội Phụ nữ và phong trào phụ nữ 2015 – 2020”; 2 năm liền (2019 - 2020) được bầu là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vinh dự hơn, mới đây chị Thanh được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.  

Là phụ nữ nên Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh cũng được đồng đội ưu tiên, quan tâm hơn. Tuy nhiên, với tính cách mạnh mẽ, chị luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, phục tùng "kỷ luật thép" trong quân đội. 

Với chị, việc được cống hiến, được san sẻ và yêu thương là hạnh phúc và may mắn. Chị chia sẻ, chính sự quan tâm, tạo điều kiện của chỉ huy, CBCS đơn vị trong công việc là sự động viên rất lớn để chị hoàn thành nhiệm vụ. Hạnh phúc càng vẹn toàn hơn nữa khi trở về với gia đình, chị lại thực hiện tốt thiên chức cao cả của người vợ, người mẹ. Chồng chị luôn thấu hiểu, tin yêu, tạo điều kiện cho chị yên tâm công tác tốt. Cả hai đứa con chị đều chăm ngoan, học giỏi.

Bài: Hiến Chương 

Ảnh: Thuỳ Dương

Đồ hoạ: Sỹ Hoàn, Kỹ thuật: Lưu Đăng

 

NTV

Xem thêm bình luận

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm