Tin tức

Bộ Giáo dục xin rút viết sách giáo khoa: Không sửa Nghị quyết

07:27, 17/05/2020
Thường vụ Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 88 có nội dung Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa là không sai, do vậy, sẽ không đặt vấn đề sửa nghị quyết mà sẽ báo cáo Quốc hội, tiếp tục xã hội hoá việc này.
 

Chiều 16/5, tại Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, các đại biểu đã có ý kiến.

Về nội dung thực hiện nhiệm vụ, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK được giao trong Nghị quyết 88, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra các nguyên nhân dẫn đến Bộ GD&ĐT xin không thực hiện nhiệm vụ này.

Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý với kiến nghị của Bộ GD&ĐT và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và lý giải: Bộ GD&ĐT đã làm đúng quy trình trong việc tổ chức biên soạn một bộ SGK, nhưng bản chất là mời thầu không được.

Theo ông Đam, mục đích của Nghị quyết 88 khi yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa là để có ít nhất một bộ sách đảm bảo chất lượng (chuyên môn, chính trị, giá cả) nên Bộ và Chính phủ đã cố gắng hết sức làm, đến lúc không được thì báo cáo lại.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất sửa Nghị quyết 88 của Quốc hội theo hướng bỏ quy định “Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa" bằng hình thức đưa vào nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 tới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của uỷ viên Thường vụ Quốc hội dù đánh giá cao và ủng hộ việc xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa nhưng cho rằng việc sửa Nghị quyết 88 là không cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chính phủ nên trình bày báo cáo đẩy đủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 ra kỳ họp Quốc hội tới chứ không đề nghị sửa nghị quyết vì nghị quyết không sai.

"Bởi bất cứ quốc gia nào cũng có một bộ SGK do nhà nước biên soạn, trên nền tảng đó mới xã hội hóa. Bây giờ ta cho xã hội hóa trước, xã hội hóa hay quá nên chúng ta đề nghị thôi; nhà nước chỉ vai trò thẩm định. Tôi thì nghĩ rằng, nếu có bộ sách của nhà nước thì rất hay. Bộ sách này là chuẩn chỉnh, sau đó đi thẩm định các bộ sách xã hội hóa", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục báo cáo ra kỳ họp Quốc hội sắp tới nội dung này để Quốc hội quyết định. Nếu thấy không cần nhà nước phải làm bộ SGK nữa hay vẫn cần phải có bộ SGK của nhà nước để chủ động. “Còn tiền vay của Ngân hàng thế giới chưa sử dụng thì cũng cần chuẩn bị để trả lời rõ nếu có đại biểu nào chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Tổng Thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, Nghị quyết 88 của Quốc hội hoàn toàn không có gì sai khi yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tổ chức việc biên soạn một bộ SGK đầy đủ để chủ động thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Do vậy, không nên đặt vấn đề sửa Nghị quyết khi trình Quốc hội.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị: “Khi báo cáo Quốc hội, chúng ta không dùng từ sửa Nghị quyết 88 vì nghị quyết không sai, nhưng quá trình thực hiện thực tiễn có sự linh hoạt. Tới đây sẽ ghi rõ các nhiệm vụ để tiếp tục có những bộ sách giáo khoa đảm bảo chất lượng, đáp ứng chuẩn yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới".

Theo Tiền phong

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện