Kinh tế

Nuôi thỏ ngoại thu lãi 200 triệu đồng/ năm nhờ 45 phút quan sát

16:25, 23/03/2020
Bắt đầu chỉ từ 5 cặp thỏ sinh sản Newzealan đến nay ông Nguyễn Văn Dũng ở xóm 2, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng được quy mô trang trại với 1.000 con và trở thành hộ nuôi thỏ lớn nhất huyện Quỳnh Lưu. 
 
 Trang trại nuôi thỏ ngoại của ông Dũng thường xuyên duy trì từ 500 – 1.000 con.

Đến nay, ông Nguyễn Văn Dũng đã có kinh nghiệm 5 năm trong nghề nuôi thỏ giống ngoại. Ông Dũng chia sẻ: Trong 3 lần vào xin học hỏi kỹ thuật nuôi thỏ Newzealand tại một trang trại lớn ở Đà Nẵng và mỗi lần chỉ được phép vào trại 15 phút nên ông đã cố gắng nghiên cứu cách xây dựng quy mô trang trại, quan sát kỹ phương thức chăm sóc và cho thỏ ăn. Sau đó, ông đã quyết định mua 5 cặp thỏ giống về thả nuôi và đầu tư xây dựng quy mô trang trại trên diện tích gần 200 m2. Khi hoàn thành hệ thống chuồng trại, ông tiếp tục mua thêm 10 cặp thỏ sinh sản để về nhân giống.

 
Thỏ mẹ sau khi sinh được ông tách riêng vào rổ nhựa để thỏ con dể dàng bú sữa mẹ.

Quá trình nuôi theo tài liệu chỉ là một phần nhỏ còn đối với ông thực tiễn mới là quan trọng nhất. Do vậy, hàng ngày ông thường xuyên theo dõi, tìm hiểu đặc tính của con vật. Đặc biệt là cách chăm sóc, hướng xử lý và phương thức điều trị khi thỏ bị các loại bệnh phổ biến như: viêm phổi, tiêu chảy, tụ huyết trùng, chướng bụng đầy hơi, ghẻ lở… Bên cạnh đó, chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, lồng nuôi, máng ăn nhằm tạo độ thông thoáng, sạch sẽ, giúp thỏ sinh trưởng tốt, hạn chế dịch bệnh. Hiện tại trong trại của ông đã phát triển tổng đàn và thường xuyên duy trì từ 500 – 1.000 con thỏ, trong đó có 100 con thỏ sinh sản. Thỏ được ông nuôi trong các lồng nhỏ tách biệt được đặt trên kệ sắt cao ráo.

 
Thỏ là loài gặm nhấm nên tất cả các phương thức từ cách chăm sóc đến cho ăn đều phải tuân thủ về mặt thời gian theo một quy tắc nhất định.

Theo ông Dũng, thỏ rất dễ nuôi, dễ thích nghi với môi trường sống, tuy nhiên khâu chăm sóc cần sự tỉ mỉ, đòi hỏi người nuôi phải có đam mê với nghề. Đặc biệt, thỏ là loài gặm nhấm nên tất cả các phương thức từ cách chăm sóc đến cho ăn đều phải tuân thủ về mặt thời gian theo một quy tắc nhất định. Nguồn thức ăn của thỏ khá phong phú, chủ yếu là thức ăn xanh chiếm đến 70% như rau muống, rau khoai lang, cà rốt và các loại cỏ sạch. Còn đối với thức ăn tinh, mỗi con một ngày bình quân ông cho ăn một lạng bột cám gạo, ngô.

 
Đối với thỏ làm giống sau khi tách mẹ đạt 0.5kg/ con thì ông bán giá từ 150 – 170 nghìn đồng/ cặp. 

Nhờ chăm sóc tốt nên một con thỏ cái đẻ 7 lứa/ năm, mỗi lứa từ 5 – 8 con. Sau 3 tháng thả nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 1,8 – 3 kg thì ông tiến hành xuất bán, với giá 100 nghìn đồng/ kg. Đối với thỏ làm giống sau khi tách mẹ đạt 0.5kg/ con thì ông bán giá từ 150 – 170 nghìn đồng/ cặp. Nhờ đó, mà cho gia đình ông thu lãi 200 triệu đồng/ năm.

 
hàng ngày ông Dũng (Phải) thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng của con thỏ nhằm phát hiện sớm các loại bệnh có hướng điều trị phù hợp.  

"Cho đến thời điểm này hội viên Nguyễn Văn Dũng là người đầu tiên ở xã Quỳnh Thạch nuôi giống thỏ ngoại và mô hình này hiện đang phát triển tương đối tốt. Với cách nuôi sử dụng thức ăn hoàn toàn bằng tự nhiên nên hàng năm ông Dũng đã cung ứng cho các nhà hàng trong và ngoài huyện một lượng lớn thực phẩm sạch, an toàn" - ông Nguyễn Đình Hạnh, Chủ tịch hội nông dân xã Quỳnh Thạch cho biết.

 
  Các thương lái tìm đến trang trại của ông Dũng mua thỏ để nhập cho các nhà hàng

Hiện hội xã đang có hướng tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân xã tham quan mô hình của ông Dũng. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi một số loại con kém hiệu quả nếu có điều kiện phù hợp thì chuyển sang nuôi thỏ. Nhằm góp phần đa dạng thêm vật nuôi ở địa phương, tạo giá trị kinh tế cao. Với sự phát triển tốt mô hình kinh tế hộ nên ông Dũng đã được địa phương suy tôn là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Hồng Diện

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện