Kinh tế

Nghĩa Đàn nâng cao giá trị kinh tế từ nuôi ong lấy mật

18:25, 04/07/2022
Trong những năm trở lại đây, nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại ít rủi ro nên nhiều gia đình ở Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn đã đầu tư, mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất đồi rừng và tăng thêm số lượng đàn, biến nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng để cải thiện đời sống. Sản phẩm mật ong ở đây cũng đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP của Nghĩa Đàn.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Trung Cường, xóm Hoa Bình Sơn, xã Nghĩa Hội khi anh đang chống nắng cho đàn ong. Hơn 100 tổ, mỗi tổ ong đều được anh che chắn cẩn thận và  đặt dưới tán cây thông thoáng. Anh Cường cho biết: hơn chục năm trước gia đình nuôi 2 đàn để lấy mật ăn nhưng thấy nuôi ong không khó nên anh đã tìm tòi phương pháp nuôi, chia đàn,  nhân giống dần dần, đến nay gia đình có hơn 100 đàn, mỗi năm thu được hơn 1 tấn mật. Do ong nuôi tự nhiên nên mật quay được từng nào bán hết từng đó. Trừ chi phí mỗi năm gia đình thu hơn 100 triệu đồng.

Ong phải thường xuyên được chăm sóc, đặt dưới các tán cây.

Với hơn 100 đàn ong tương đương hơn 100 thùng, mỗi thùng ong đều được đặt dưới các tán cây.  Hằng ngày anh Cường luôn tay luôn chân đi kiểm tra, chăm sóc đàn ong tỉ mẩn. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là cây nhãn, vải và các loại mật ở lá cây keo, cây bạch đàn… Mùa rộ mật bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7, đặc biệt là từ tháng 5 gia đình anh quay mật nhiều hơn. Mùa nắng nóng việc chăm sóc đàn ong phải tỉ mỉ, nhiều công hơn nhưng bù lại đây là mùa thu nhập chính, người nông dân rất phấn khởi.

Mỗi thùng ong mỗi năm cho thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thạch, xóm Đồng Trường, xã Nghĩa Hội là một trong hai người ở xã có số lượng đàn ong mật nhiều với hơn 100 đàn. Theo anh Thạch thì nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết  sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, đối với mùa lạnh khan phấn sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất mới có thể đạt được thành công trong nghề.

Xã Nghĩa Hội có hơn 30 hộ nuôi ong với số đàn gần 600 đàn.

 Hiện tại, xã Nghĩa Hội có hơn 30 hộ nuôi ong với số đàn gần 600 đàn. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ong ngoài lợi ích về kinh tế, đan xen kết hợp diện tích cây ăn quả, trồng rừng, còn tạo việc làm lúc nông nhàn nên nhiều hộ gia đình tích cực học hỏi và triển khai mô hình này. Ông Bùi Văn Lam – chủ tịch hội nông dân xã Nghĩa Hội cho biết: xã cũng đã thành lập tổ hợp tác nuôi ong. Hội nông dân cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong cho nông dân.  Các hộ thành viên luôn hướng đến yếu tố đảm bảo chất lượng, phát triển sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên đến nay các hộ nuôi ong cũng đang tự tìm kiếm đầu ra. Để nâng bảo quản mật được lâu, những hộ nuôi ong trong tổ hợp tác mong muốn mua một chiếc máy hạ thủy phần mật ong để bảo quản mật ong được lâu hơn. 

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi ong.

Năm 2022 Nghĩa Đàn  chọn sản phẩm mật ong của HTX nuôi ong Nghĩa Hội xây dựng thành sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Văn Nam- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Phòng cũng đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập hồ sơ, hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm như   hoàn thiện hồ sơ, lựa chọn mẫu chai và hộp đựng sản phẩm, làm nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc... Nếu đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mật ong, là cơ hội để  mật ong Nghĩa Hội quảng bá mang lại kinh tế ổn định cho người nuôi ong. 

Vào mùa nắng nóng hiện nay, người nuôi ong mật Nghĩa Đàn “ ăn, ngủ cùng ong”, thường xuyên kiểm tra, chăm sóc đàn ong để ong có một môi trường sống mát mẻ, sạch sẽ, không bốc bay đi. Dù vất vả hơn nhưng người nuôi ong cũng rất phấn khởi bởi “mật ngọt” thu lại. 

Đinh Thùy

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện