Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Làm sao để bóng đá Việt không còn "sợ" người Thái?

08:04, 16/03/2019
Tròn 28 năm nếu tính ngày trở lại với sân cỏ quốc tế; Đúng 24 năm kể từ khi thua trận chính thức đầu tiên, mà lại là trận chung kết - Câu hỏi làm sao để thắng, rồi sau này trở thành không còn "sợ" Thái Lan luôn đặt ra nhức nhối cho bóng đá Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Đội tuyển Việt Nam. (Ảnh minh họa)


Tại sao phải "thắng", hay "không sợ" Thái Lan? Đơn giản, nếu coi bóng đá Đông Nam Á là vùng trũng trên bản đồ bóng đá thế giới, thì nếu còn không vượt qua người Thái, không chiếm được ngôi số 1 bóng đá khu vực, hy vọng gì tiệm cận với mặt bằng châu lục, chứ chưa nói đến thế giới. Chỉ có điều, đã 3 thập kỷ trôi qua, bóng đá Việt có bằng, chứ chưa nói là hơn so với bóng đá Thái.
Quá khứ: Không... cũng phải "sợ"!
Tấm HCV SEAP Games (tên gọi cũ của SEA Games) đầu tiên vào năm 1959 khi đội tuyền miền Nam Việt Nam đánh bại chủ nhà Thái Lan vẫn được những người cũ nhắc nhiều để nói... Xưa ta hơn họ nhiều!
Không sai! Nhưng những thăng trầm của lịch sử khiến mọi sự đều đổi thay. Năm 1991, khi bóng đá Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games 16 tại Philippines, thắng 1 trận còn là mơ ước của chúng ta, thì Thái Lan bắt đầu nổi lên làm "ông trùm" của bóng đá Đông Nam Á.
Lứa đầu tiên với ngôi sao sáng nhất lúc bấy giờ Kiatisuk Senamuang, rồi tới những Teeratep Winothai, Datsakorn Thonglao... người Thái lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi 8 lần liên tiếp vô địch SEA Games, tính từ năm 1993 đến 2007. Nếu tính hết các kỳ Đại hội thể thao khu vực, Thái Lan cũng giữ kỷ lục với 16 lần đăng quang, con số còn lâu mới bị phá.
Và rõ ràng, khi người Thái đang mạnh như thế thì việc cạnh tranh của bóng đá Việt Nam đương nhiên là không thể. 2 lần chạm trán tại SEA Games 1995 ở Chiang Mai là minh chứng - Cả ở vòng bảng lẫn trận chung kết, đội tuyển Việt Nam đều thua 0-4.
Hội nhập và phát triển, kể cả khi chuyển sang mô hình chuyên nghiệp - Người Thái không chỉ là đối thủ số 1 nhiều duyên nợ mà còn là cái cột mốc sững sững ngăn bóng đá Việt Nam đến với giấc mơ Vàng khu vực (trong đó có cả giấc mơ Vàng SEA Games) tới nay vẫn chưa thành hiện thực).
Không chỉ biết thắng ở những trận cầu quyết định, những ngôi sao Thái, trong đó còn có cả Kiatisuk đến Việt Nam để đặt những viên gạch chuyên nghiệp đầu tiên cho V-League. Và ngay cả dân trong nghề cũng phải thừa nhận rằng - Chúng ta có thể thắng Thái Lan trong 1 trận đấu, 1 giải đấu cụ thể, nhưng vẫn chưa thể hơn họ xét về toàn diện.
Hiện tại: Liệu có hơn?
Lời thừa nhận đó hoàn toàn đúng. Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy, đội tuyển Việt Nam bất ngờ thắng 3-0, đến AFF Cup 2008 lại thắng 2-1 trên sân khách, hòa 1-1 trên sân nhà để đăng quang ngôi vô địch khu vực đầu tiên, nhưng chính kiến trúc sư của thành công đó, HLV Calisto vẫn khẳng định - Thái Lan mạnh hơn, còn chúng ta biết tận dụng thời cơ hơn.
Vậy tới lúc này, sau ngôi á quân U23 châu Á, suất chơi tứ kết ASIAD, vô địch AFF Cup 2018 và gần nhất là vào đến tứ kết Asian Cup, bóng đá Việt Nam đã vượt trên Thái Lan, đối thủ đã thất bại tại tất cả các giải đấu đó? Và dĩ nhiên, khi đã vượt lên thì chẳng còn phải "sợ" nữa, đó là chưa kể trong những cuộc đối đầu gần đây, ở mọi cấp độ đội tuyển, các tuyển thủ Việt Nam không chỉ có được chiến thắng nhiều hơn, mà còn có tâm lý tốt hơn nhiều khi gạt bỏ được sự tự ti mỗi khi đối đầu với người Thái.
Đúng là không còn tâm lý sợ sệt, nhưng để nói bóng đá Việt Nam đã vượt lên so với Thái Lan thì có lẽ chỉ đúng về mặt thời điểm. Không phủ nhận chúng ta đang có được một thế hệ cực kỳ tài năng và đang gặt hái những thành công vang dội, trong khi người Thái có dấu hiệu tụt lại phía sau ở nhiều cấp độ đội tuyển.
Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, bóng đá Thái không hề yếu. Hãy nhớ Thai League lúc này đang mua về những gương mặt xuất sắc nhất của bóng đá Việt và trong số những Văn Lâm, Xuân Trường, không phải ai cũng là ngôi sao sáng của giải đấu đó. Rồi ở cấp độ đội tuyển quốc gia, dù đang tụt lùi, nhưng Thái Lan vẫn có một hệ thống đào tạo bài bản, cùng nhiều yếu tố liên quan khác như cơ sở vật chất sân bãi, công tác tổ chức điều hành hệ thống giải quốc gia mà bóng đá Việt Nam còn... mơ chưa thấy.
Vậy nên, để thực sự không còn "sợ" người Thái, bóng đá Việt không thể chỉ trông vào một thế hệ cầu thủ, hay một ông thầy giỏi mà phải tạo ra sức mạnh thực sự mang tính nền tảng trong việc phát triển bóng đá một cách bền vững nhất. Chỉ khi ấy chúng ta mới là "ông Vua" của bóng đá Đông Nam Á mà thôi.
Nói về cái danh “ông Vua” bóng đá Đông Nam Á, HLV Park Hang-seo tỏ ra khá thận trọng khi đánh giá về Thái Lan nhưng cũng khẳng định rõ sự tự tin vào việc có thể đánh bại đối thủ. HLV người Hàn Quốc cho biết: “Cấp đội tuyển quốc gia tôi chưa từng gặp Thái Lan, nhưng U23 Việt Nam đã từng chạm trán với họ. Tôi mong muốn ngày nào đó được đối đầu bóng đá Thái Lan ở cấp độ đội tuyển quốc gia để kiểm tra sức mạnh thực sự của đối thủ cũng như của đội tuyển Việt Nam".
Mong muốn của ông Park cũng chính là 1 trong những lý do đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự giải King's Cup do Thái Lan tổ chức vào tháng 6/2019. Ở giải đấu này, Việt Nam sẽ có cơ hội đối đầu với đội tuyển nước chủ nhà Thái Lan và Trung Quốc.

Theo Thể thao&Văn hóa