Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thi đua là để khơi dậy tiềm năng, làm cho nước mạnh lên

08:49, 10/06/2019
Hơn 70 năm qua, lời chỉ dạy của Bác, thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua, vẫn là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Ngày 11/6 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống thi đua yêu nước.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện từ một phong trào thi đua yêu nước, từ mục đích đến vai trò, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng, kết quả và sức lan tỏa của phong trào thi đua ái quốc. Ở giai đoạn nào, thi đua yêu nước cũng khơi dậy được lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc.

“Phong trào thi đua yêu nước thực chất là đánh thức những con người mới sẽ tham dự vào đời sống thực tiễn của đất nước lúc đó là cuộc kháng chiến và kiến quốc. Vì thế, có thể nói, phong trào thi đua yêu nước được phát động vào những năm tháng kháng chiến chống Pháp đã trở thành một nguyên lý của sự phát triển xã hội của nước Việt Nam độc lập”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Đó là chia sẻ của Nhà sử học Dương Trung Quốc. Theo ông, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 11/6/1948 chính là động lực để nước ta vượt qua mọi khó khăn. Có thể nói, lời hiệu triệu của Bác lúc bấy giờ đã động viên được các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động, sản xuất, tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc. Và chỉ 6 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Quốc Lý (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, Bác dạy rất rõ, lấy sức dân và do dân làm, và chúng ta đã thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bằng thực tế là do nhân dân chúng ta xả thân hy sinh vì đất nước quên mình”.

Trong lời thi đua ái quốc, Bác Hồ chỉ rõ, bổn phận của người dân Việt Nam bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đây không chỉ là lời hiệu triệu mà còn là sự động viên của Bác đối với toàn thể nhân dân. “Chúng ta hiểu được thi đua là sự khích lệ về mặt tinh thần và cái sức mạnh tinh thần được phát huy trong thực tiễn khi mọi người đồng tâm hiệp lực cho mục tiêu. Nếu nói tới phong trào thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, thể hiện rất rõ là con người ấy đã rất hiểu đồng bào của mình, khát vọng công dân của mọi người muốn được tham gia và tạo ra hành lang để khích lệ mọi người trên mỗi lĩnh vực của mình”.

Từ các phong trào thi đua lớn trong 2 cuộc kháng chiến kiến quốc như “Diệt giặc đói”, “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Sóng duyên hải, gió đại phong” cho đến các phong trào sau này như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì Trường Sa thân yêu”, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển đất nước. Đây cũng là điều Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thắng, nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia khu vực I, muốn chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thắng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thắng

“Các phong trào thi đua bám sát được mục tiêu cách mạng trong mỗi thời kỳ đã huy động được sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên tất cả các lĩnh vực, từ học tập, nghiên cứu khoa học đến lao động, sản xuất, kinh doanh. Trên các lĩnh vực chiến đấu, quốc phòng, an ninh đều xuất hiện các cá nhân, tập thể điển hình, anh hùng, có nhiều thành tích to lớn và cống hiến xuất sắc vào  sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thắng phân tích thêm.

Có thể nói, hơn 70 năm qua, lời chỉ dạy của Bác, thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua, vẫn là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. GS-TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, ở bất kỳ giai đoạn nào, thi đua yêu nước cũng hết sức cần thiết bởi qua đó đã thực hiện được đúng mục tiêu là đem lại cuộc sống dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

“Theo quan điểm Bác Hồ, thực hiện cái đích, thực hiện thật tốt đường lối, quan điểm của Đảng, Chính phủ làm cho dân giàu nước mạnh dù là phong trào trong quân đội, trong công an, trong thiếu nhi… tất tật đều phải nhằm mục tiêu, mục đích đó, làm cho nước ta mạnh lên, làm cho kinh tế nước nhà phát triển, làm cho văn hóa tinh thần lành mạnh lên, làm cho đời sống của mọi người, kể cả đời sống vật chất, đời sống tinh thần khá lên”.

Có thể nói, lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác đến nay vẫn mang đậm tính thời sự, nhất là quan điểm thi đua phải thiết thực, tránh bệnh thành tích và bệnh hình thức. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước chỉ có thể phát triển nhanh và bền vững khi có sự cố gắng, sự ra sức thi đua của tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Đó cũng là giá trị quý giá mà lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn 70 năm trước để lại.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện