Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ban pháp chế HĐND tỉnh họp thẩm tra nội dung các tờ trình, Nghị quyết

11:39, 20/09/2019
Sáng nay (20/9), Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp cho ý kiến thẩm tra tờ trình chủ trương về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh và việc thành lập, sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thành, thị xã.

Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị quyết số 653/UBTVQH14, Nghệ An có 17 đơn vị hành chính cấp xã (14 xã, 3 thị trấn) có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% phải tiến hành sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2019 – 2021. Trong số 17 đơn vị, thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn dù chỉ đạt 13,72% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và 35% tiêu chuẩn về dân số, nhưng do đặc thù biên giới, vùng đồng bào dân tộc và địa hình, bố trí dân cư ở các xã liền kề cách biệt khó để điều chỉnh để mở rộng thị trấn Mường Xén, không nằm trong diện sáp nhập trong lộ trình 2019 – 2021. Như vậy, trong giai đoạn 2019 – 2021, Nghệ An có 16 đơn vị hành chính cấp xã phải tiến hành sáp nhập.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh đồng tình cao với chủ trương sắp xếp; đồng thời đề xuất UBND tỉnh và Sở Nội vụ điều chỉnh số liệu tổng số đơn vị hành chính cấp xã để thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021 trên địa bàn tỉnh là 39 xã, trong đó 16 xã thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn I; 4 đơn vị khuyến khích sáp nhập và 19 đơn vị liền kề được điều chỉnh về diện tích, dân số tiến hành sắp xếp, sáp nhập. Sau sắp xếp, tỉnh Nghệ An từ 480 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 460 đơn vị. Trong đó, có 411 xã, 32 phường và 17 thị trấn.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý phát biểu tại cuộc họp.
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý phát biểu tại cuộc họp.

Bên cạnh đó, thành viên Ban Pháp chế cũng đề nghị UBND tỉnh cần làm rõ trong đề án sắp xếp về phương án bố trí, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị sau sáp nhập; đặc biệt chú trọng ở đơn vị được sáp nhập 3 xã thành 1 xã với số lượng cán bộ, công chức dôi dư lớn.  Mặt khác, UBND tỉnh và Sở Nội vụ cần làm rõ phương án và lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; trong đó quan tâm bố trí sớm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã sau khi sáp nhập và riêng với cấp phó phải có lộ trình sắp xếp trong vòng 5 năm gắn với đại hội đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng phát biểu kết luận.

Kết luận nội dung này, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng đề nghị UBND tỉnh và Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Pháp chế để điều chỉnh, bổ sung; Rà soát lại địa giới hành chính đối với các xã được sắp xếp đảm bảo chính xác. Đồng chí cũng kiến nghị UBND tỉnh và Sở Nội vụ dự kiến phân loại đơn vị hành chính mới sau sáp nhập để sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo đúng quy định tiêu chuẩn phân loại xã; quan tâm dự toán và bố trí kinh phí để thực hiện sáp nhập.

Cũng trong sáng nay ban pháp chế hội đồng nhân dân tỉnh cũng thẩm định tra Nghị quyết thành lập, sáp nhập đổi tên xóm, khối bản cở các xã phường, thị trấn thuộc 7 huyện giai đoạn 2019 – 2021.

Trần Lịch – Quốc Toàn

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm