Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cần làm rõ nguyên nhân gây ngập lụt và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng ảnh hưởng

18:54, 03/09/2018

Cần phải làm rõ nguyên nhân gây ngập lụt và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng, tiến hành rà soát lại quy trình vận hành liên hồ chứa - đó là kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng tại buổi  làm việc với các nhà máy thủy điện tại huyện Tương Dương và Con Cuông vào hôm nay (3/9).

 

Trong 2 ngày 30 và 31/8, mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về kèm theo đó là việc xả lũ trên địa bàn huyện Tương Dương đã làm ảnh hưởng hơn 260 ngôi  nhà, trong đó 10 nhà bị sập, 13 nhà bị cuối trôi, 23 nhà phải di dời khẩn cấp, trên 170 nhà bị ngập, 45 nhà bị sạt lở và hư hỏng.

Đoạn đường 7 qua xã Tam Quang, huyện Tương Dương bị ngập nước nên phương tiện và người không thể qua lại.
Đoạn đường 7 qua xã Tam Quang, huyện Tương Dương bị ngập nước nên phương tiện và người không thể qua lại trong đợt mưa lũ.

Nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập sâu; cầu treo dân sinh bị hư hỏng; 3 điểm trường, trụ sở làm việc của UBND xã và nhiều công trình phúc lợi bị ngập trên 1m và nhiều ha lúa, hoa màu bị ngập, nhiều lồng cá, gia cầm bị cuốn trôi.

Nhiều nhà dân bị nước lũ dâng ngập sâu đến 5 mét.
Nhiều nhà dân bị nước lũ dâng ngập sâu đến 5 mét.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Tương Dương yêu cầu các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư nhà máy thủy điện Khe Bố, thủy điện bản Vẽ làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc xả lũ, vận hành liên hồ, cắm lại mốc ngập lũ của các lòng hồ đã đúng quy trình, thời gian hay chưa để có phương án phòng tránh thiệt hại cũng như đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ lưu. Huyện Tương Dương cũng mong muốn có những chính sách hỗ trợ, bồi thường cho nhân dân, bởi bà con bị thiệt hại quá nặng nề do lũ thượng nguồn và thủy điện xã lũ nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn. 

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị: các sở ban ngành, các nhà máy thủy điện cần làm rõ nguyên nhân gây ngập lụt và có chính sách hỗ trở kịp thời cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng; Huyện Tương Dương cần có văn bản, tờ trình di dời khẩn cấp 34 hộ dân đến nơi an toàn. Đồng thời, đề nghị đài khí tượng thủy văn xây dựng bản đồ cho vùng hạ du và các nhà máy thủy điện khi có mưa bão thì cần có kế hoạch cắt giảm và xả lũ cho vùng hạ du phù hợp với lưu lượng nước về hồ chứa; nhằm giảm thiểu thiệt hại do xả lũ gây ra và đảm bảo an toàn đến tính mạng cho nhân dân vùng hạ du.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các nhà máy thủy điện cần làm rõ nguyên nhân gây ngập lụt và có chính sách hỗ trở kịp thời cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

Chiều cùng ngày, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Con Cuông và thủy điện Chi Khê để nắm bắt tình hình thiệt hại sau lũ lụt, cũng như tác động việc xả lũ của các hồ thủy điện gây ảnh hưởng đến ngập lụt. 

Con Cuông nhiều nhà dân ngập chìm trong biển nước
Con Cuông nhiều nhà dân ngập chìm trong biển nước.

Từ ngày 30/8 -1/9 việc xả lũ của các nhà máy thuỷ điện xây dựng tại thượng nguồn sông Lam đã làm sạt lở đất dọc 2 bên bờ sông Lam đi qua địa bàn huyện Con Cuông; làm vùi lấp, ngập úng diện tích đất nông nghiệp của người dân, ngập lụt các khu dân cư. Trong đó, có 203 nhà dân bị ngập và 96 nhà phải di dời; Trường THCS nội trú Con Cuông và Trường Tiểu học Bồng Khê bị ngập lụt, hư hỏng nhiều trang thiết bị đồ dùng dạy học của nhà trường; Sạt lở đất ở mố cầu treo Chôm Lôm với 10000m3. Tổng giá trị thiệt hại 15,2 tỷ đồng. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng buổi làm việc tại huyện Con Cuông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng chủ trì buổi làm việc tại huyện Con Cuông.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác triển khai, phát huy phương án 4 tại chỗ của huyện Con Cuông, kịp thời di dời, bảo vệ tài sản người dân, góp phần hạn chế được những hậu quả. Về nguyên nhân gây ngập lụt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết do biến đổi của khí hậu, đồng thời có tác động việc xả lũ của các thủy điện nên đã gây ảnh hưởng thiệt hại nặng cho vùng hạ du. 
Thời gian tới, đồng chí yêu cầu huyện Con Cuông cần đảm bảo cuộc sống cho nhân dân, chăm lo môi trường dịch bệnh. Chuẩn bị đảm bảo thật tốt cho khai giảng năm học mới, tập trung nhanh chóng khắc phục các công trình dân sinh bị hư hỏng, đồng thời thống kê thiệt hai do mưa lũ vừa qua gửi về tỉnh.
f
Con Cuông đang tiến hành tu sửa, khắc phục cấp bách cầu treo Chôm Lôm cho nhân dân đi lại.
Các kiến nghị của huyện Con Cuông về vấn đề hỗ trợ kinh phí khắc phục cầu treo Chôm Lôm, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải quan tâm hỗ trợ kinh phí để tu sửa, khắc phục cấp bách cầu treo Chôm Lôm cho nhân dân đi lại. Về việc di dời khẩn cấp Trường Tiểu học 2 Bồng Khê và Trường THCS Nội trú, huyện cần làm tờ trình lên UBND tỉnh để tính toán cụ thể, cũng như sớm trình lên Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Giáo dục Đào tạo tính phương án xây mới. Về việc xây cầu cứng qua sông lam, huyện cần làm hồ sơ để tỉnh đề xuất với Bộ GTVT xin vốn. Giao cho cho Sở Nông nghiệp tỉnh chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh, các nhà máy thủy điện rà soát lại quy trình vận hành liên hồ chứa để kiến nghị những bất cập. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị thủy điện Chi Khê cùng với địa phương tiến hành rà soát lại công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Cộng sự với địa phương hỗ trợ cho nhân dân vùng ngập lụt. Hoàn thiện các thủ tục sớm tích nước theo quy định./.
Vi Mận - Bá Hậu - Vi Nhẫn