Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Vai trò của các cá nhân điển hình trong PCTN

09:16, 29/01/2011
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ của toàn xã hội. Thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN thì vai trò và hiệu quả mà các cá nhân điển

 

 

Các cá nhân điển hình đấu tranh phòng chống tham nhũng được biểu dương

 

Lần đầu tiên, một Hội nghị nhằm biểu dương những cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng của tỉnh Nghệ An được tổ chức. Có thể nói, sự kiện này ngoài việc thể hiện quyết tâm chính trị và thái độ của tỉnh Nghệ An trong phòng chống tham nhũng còn thể hiện được sự cảm thông, chia sẻ, đồng cảm và trân trọng đối với các cá nhân có thành tích và tích cực trong công cuộc chống tham nhũng. Trong tổng số 18 cá nhân được biểu dương dịp này có 2 đại biểu là nữ, 6 đại biểu là cựu chiến binh, 7 đại biểu là Đảng viên, có 5 cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan nhà nước. Trong đó, đại biểu cao tuổi nhất là ông Lê Công Mợi ở xã Đại Thành, huyện Yên Thành với 73 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng và đại biểu trẻ nhất là anh Trần Văn Giáp, 36 tuổi trú tại khối Châu Hưng, phường Vinh Tân, Thành phố Vinh. Các cá nhân điển hình tại Hội nghị đã bày tỏ tin tưởng chung vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác PCTN, bày tỏ cảm ơn BCĐ Tỉnh về PCTN khi tổ chức hoạt động biểu dương cá nhân có thành tích PCTN, tạo điều kiện cho các cá nhân tích cực với PCTN được chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng. Nhiều đại biểu cũng đã kiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quan tâm, bảo vệ, động viên, thường xuyên để các cá nhân đấu tranh chống tiêu cực không cảm thấy đơn độc, không bị cô lập mà tin tưởng và quyết tâm hơn nữa trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Những chia sẻ của nhiều cá nhân như: ông Lê Công Mợi trú tại xóm 3, xã Đại Thành, huyện Yên Thành; ông Nguyễn Minh Châu xã Quỳnh Bá huyện Quỳnh lưu; bà Nguyễn Thị Khoa trú tại xóm 1, xã Khai sơn, huyện Anh Sơn; ông Trần Hữu Sửu xã Hiến sơn Huyện Đô Lương… đã cho thấy công cuộc PCTN của từng cá nhân còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với quyết tâm và niềm tin chắc chắn vào chân lý, họ vẫn nêu cao tinh thần và ý chí đấu tranh chống tiêu cực đến cùng.

 

Phía sau sự dũng cảm, kiên quyết, không ngại nguy hiểm để vạch trần những hành vi tiêu cực, tham nhũng, cuộc đời của không ít cá nhân được biểu dương tại hội nghị này đã gặp nhiều khó khăn vì sự lựa chọn đầy trách nhiệm công dân của mình. Đơn cử, ông Trần Hữu Sửu ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương đã tố cáo UBND xã sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, thu chi tài chính và thực hiện chế độ đối với đối tượng chính sách. Kết quả xử lý, đã phát hiện, thu hồi lại hơn 1000m2 đất và gần 700 triệu đồng, các cán bộ xã vi phạm đã bị xử lý kỷ luật. Tuy vậy gần 10 năm nay gia đình ông luôn sống trong sự lo âu, thiệt thòi thậm chí bị đối xử phân biệt, có tính chất trù dập.

 

Tại huyện Quỳnh Lưu, năm 2005, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch cho xã Quỳnh Bá xây dựng chợ và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Trên cơ sở quy hoạch, UBND huyện đã ra quyết định cho 12 hộ thuê đất thời hạn 25 năm với giá thuê đất là 360 ngàn đồng/m2 và phương thức nộp tiền hàng năm. Nhưng thực tế khi triển khai thực hiện, UBND xã Quỳnh Bá đã không tuân thủ quy hoạch được duyệt, tự chia nhỏ các lô để giao đất cho 25 hộ thuê. Đồng thời xã cũng tự quy định mức thu 500 ngàn đồng/m2 và buộc các hộ thuê đất phải nạp tiền một lần khi giao đất. Toàn bộ số tiền 955 triệu đồng thu từ khu đất dịch vụ được xã đưa vào ngân sách để sử dụng mà không nộp vào kho bạc. Việc làm bất minh của UBND xã Quỳnh Bá đã không lọt qua được tai mắt và dư luận của nhân dân. Mặc dù cán bộ lãnh đạo xã là họ hàng nhưng ông Nguyễn Minh Châu, trú tại xóm 1, xã Quỳnh Bá vẫn đứng lên tố cáo hành vi này. Vụ việc cuối cùng đã được xử lý, trong phiên xét xử sơ thẩm, Toà án nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã tuyên phạt Trương Văn Hà – nguyên Chủ tịch xã 2 năm tù; Phạm Văn Thành – nguyên cán bộ địa chính xã mức án 1 năm tù, đều cho hưởng án treo vì phạm tội “Lạm quyền trong thi hành công vụ”.

 

Vụ việc 27 lô đất bị cấp sai đối tượng ở huyện Anh Sơn từ năm 1998 đến 2006 có thể đã được thực hiện trót lọt nếu như không có những công dân có trách nhiệm lên tiếng tố cáo. Vượt quá thẩm quyền ngay cả trong công tác duyệt quy hoạch nên cũng dễ hiểu khi có nhũng vùng đất không biên bản hội đồng xét cấp đất; không quyết định thu hồi, không quyết định giao đất, không hồ sơ định vị mặt bằng… chỉ cần thông báo của UBND huyện về việc giải quyết đất ở hoặc bút phê thì nhiều hộ cũng có thể được giao đất. Những cán bộ mắc sai phạm trong quá trình cấp 27 lô đất tại thị trấn Anh Sơn trong đó có cả những cán bộ lợi dụng chức vụ trục lợi khi đưa một số anh em, người thân vào danh sách để được giao đất mà không qua Hội đồng xét duyệt đã có những hình thức kỷ luật tương xứng. Tuy nhiên, với đại biểu Nguyễn thị Khoa trú tại xóm 1, xã Khai sơn, huyện Anh Sơn – người đã có công tố cáo, đưa vụ việc ra ánh sang thì việc nhiều án bộ sai phạm chỉ bị xử lý nhẹ, tiến độ giải quyết hậu quả vụ việc kéo dài sau khi đã có kết luận thanh, kiểm tra cũng đang khiến dư luận bất bình.

 

Lãnh trách nhiệm là một trong những lực lượng đi tiên phong trong công cuộc phòng chống tham nhũng, với những kết quả đạt được, Hội nghị lần này cũng có sự góp mặt của một đại biểu đại diện cho ngành báo chí tỉnh nhà. Chính sự vào cuộc nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, động cơ trong sáng, dám đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm để tuyên chiến với những hiện tượng, hành vi tiêu cực đã giúp các nhà báo viết về đề tài chống tham nhũng, tiêu cực ở Nghệ An thời gian qua có cái nhìn thẳng vào những vấn đề dư luận đang quan tâm. Việc ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chống tiêu cực được đăng tải rộng rãi trên các tờ báo tỉnh nhà đã khẳng định quyết tâm của các cấp, các ngành trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này cũng đã góp phần động viên đội ngũ nhà báo, phóng viên tỉnh nhà ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ làm cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân.

 

Sự hiện diện của 18 cá nhân từ 15 địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị  có thành tích tố cáo tham nhũng và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng tại Hội nghị này là một minh chứng cho sự tiến triển tích cực về nhận thức, trách nhiệm và lòng tin vào sức mạnh, thắng lợi của cuộc đấu tranh PCTN dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Số người dám trực diện đấu tranh với tham nhũng ngày càng tăng. Tinh thần quả cảm, ý chí sắt đá, nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của người tố cáo tham nhũng đã có tác dụng tích cực răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng. Đây là điều mà đ/c Vũ Tiến Chiến - Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng BCĐ trung ương về PCTN đã ghi nhận khi dự và phát biểu tại Hội nghị.

 

Nghệ An cho đến nay vẫn là một tỉnh nghèo, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội thời gian tới cần có một sự đồng thuận lớn trong xã hội, xây dựng khối đoàn kết triệu người như một cùng hướng tới mục tiêu vì tỉnh Nghệ An giàu mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quá trình đó, Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ khóa 17 cũng đã xác định đấu tranh PCTN là một nhiệm vụ hết sức quan. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của trung ương và tích cực hơn trong áp dụng các giải pháp nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng thì tại hội nghị, đ/c Hồ Đức Phớc – Chủ tịch UBND, trưởng BCĐ về PCTN tỉnh đã chia sẻ và động viên các cá nhân điển hình được biểu dương và cả những cá nhân có thành tích nhưng chưa được biểu dương trong dịp này phát huy tốt hơn nữa tinh thần tiến công cách mạng, nhiệt huyết, xây dựng tấm lòng trong sáng, biện pháp đấu tranh đúng đắn tiếp tục đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

 

Đấu tranh với tham nhũng là cuộc chiến đầy khó khăn và khá nguy hiểm bởi “nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Đặc thù của đối tượng tham nhũng hầu hết là người có chức vụ, quyền hạn, am hiểu pháp luật, biết cách tìm ra và lợi dụng những kẽ hở của luật pháp, chính sách, khôn khéo che lấp hành vi phạm tội, đối phó quyết liệt với những hoạt động kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Như lời Bác Hồ đã từng dạy: “… Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công. Quần chúng tức là toàn thể các chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan,… rồi đến toàn thể nhân dân. Cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc thành công…”.

 

(Xuân Hướng)