Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Văn hóa Đình làng với tín ngưỡng nông dân

10:01, 25/06/2011
Khi đến thăm Đình làng, mỗi chúng ta lại có một cảm giác lâng lâng khó tả. Nơi ấy, vừa có yếu tố tâm linh như khi bước vào cửa đền, chùa hay nhà thờ; vừa có cảm giác như khi bước vào công sở, lại vừa có cảm giác thân quen, gần gũi nơi tụ hội đông người.

Cội nguồn Đình làng

Đình làng: Gương mặt kiến trúc Việt cổ

Điêu khắc Đình làng xứ Nghệ

 

Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam vẫn thường gọi chung đình chùa, hay đình đền, nhưng trên thực tế chùa hay đền không cùng một ý thức văn hóa với đình. Chùa là nơi thờ Phật, ít nhiều có ảnh hưởng văn hóa Phật giáo đến từ Ấn Độ, Trung Hoa. Đền là nơi thờ thần linh hay một người nào đó được nhân dân trong vùng tôn thờ. Còn Đình làng là một công trình thuộc thể loại kiến trúc công cộng dân dụng do tính chất phục vụ đa chức năng của nó. Ngoài là nơi thờ Thành hoàng làng, Đình làng còn là trung tâm phục vụ cho mọi sinh hoạt thuộc về cộng đồng làng xã: là nơi làm việc của Hội đồng kì mục thời phong kiến; nơi hội họp của dân làng; đình còn là nơi khai diễn những nét tài năng, tư duy của dân làng, nhất là về kiến trúc - chạm khắc; và Đình làng cũng là nơi diễn ra các lễ hội làng truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của làng, nơi dạy học cho con trẻ... Đó là nét văn hóa độc đáo của Đình làng trong xã hội phong kiến Việt Nam.

 

Câu lạc bộ người cao tuổi sinh hoạt tại đình làng

 

Bất cứ ngôi đình nào cũng thờ Thành hoàng của làng. Đây là yếu tố bắt buộc, Thành hoàng của mỗi làng có thể là khác nhau nhưng tựu chung đều là những người được cho là có công lao to lớn đối với làng và được sự ghi nhận của dân làng và qua nhiều đời được tôn là thành hoàng của làng. Ngoài thành hoàng làng, tùy theo mỗi ngôi Đình làng có thể thờ các vị thần, thánh khác do mỗi làng tôn thờ, hoặc việc thờ cúng các vị thần theo sắc phong của Nhà vua, tất cả được rước vào đình thành một tập thể siêu thần, thành một sức mạnh vô hình, tạo niềm tin, niềm hy vọng của làng xã Việt Nam. Việc vinh danh, tôn thờ những người có công to lớn đối với làng cùng với vị trí của nơi đặt Đình làng và cách thức bày biện nội thất ngôi đình đã làm toát lên vai trò đây là nơi quan trọng bảo vệ, che chở cho mỗi làng trước các biến cố của tự nhiên và đời sống xã hội… Vào ngày lễ tết, nhân dân trong làng tới đình thắp hương tế lễ, cầu mong Thành Hoàng làng và trời đất phù giúp mưa thuận gió hoà để mùa màng gặt hái thuận tiện và có nhiều phúc lành. Đây cũng là dịp để tưởng niệm công tích của các vị thần và dịp này người ta tổ chức hội đình.

 

Lễ hội ở đình diễn ra còn được tổ chức vào ngày sinh hoặc ngày mất của thần được thờ. Lễ hội gắn với truyền thống lịch sử: sự tích thần đánh giặc, lập làng, dạy nghề, gắn với lễ nghi nông nghiệp. Tế thần là hoạt động diễn lễ của hội tế để biểu thị lòng biết ơn của dân làng đối với thần, mong thần tiếp tục phù hộ cho đân làng mạnh khỏe, được mùa. Tất cả đều nhằm nhớ về cội nguồn, liên kết cộng đồng. Mọi khía cạnh đời thường được nâng lên không gian thiêng liêng. Một nét đẹp của làng quê Việt Nam.

 

Hội đình - Giữa cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, ấm áp và thân thuộc; già, trẻ, gái, trai ngoài việc tế lễ các vị  thần được thờ trong đình còn được tụ tập ở sân đình để xem hát chèo, hát tuồng, dân ca, múa hát giao duyên...,được xem các trò chơi dân gian, đấu vật, chọi gà... Bởi thế, lễ hội ở đình trở nên thiêng liêng và có sức cộng cảm, trở thành nét văn hoá đặc sắc trong cộng đồng dân tộc. Hội hè đình đám là phong tục lâu đời của dân tộc ta. Qua bao thăng trầm lịch sử, lễ cúng đình vẫn tồn tại, nói lên mức sống, thành quả lao động của người dân. Hội hè đình đám còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Việt. Tuy nhiên, sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính truyền thống từng bước bị mờ nhạt. Việc cúng tế cũng giản lược. Và nhiều ngôi đình gần như bị lãng quên.

 

Ngôi đình cổ kính, trang nghiêm nép mình dưới bóng đa râm mát che rợp một khoảng sân đình cùng với giếng nước trong xanh hay hồ sen và khoảng sân đình rộng rãi là để trai thanh nữ tú trong làng làm nơi hẹn hò: Hôm qua tát nước đầu đình/ Để quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà…Hay như: Trúc xinh trúc mọc đầu Đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

 

Đình làng - một mảnh hồn quê, một nét đẹp của xóm làng Việt Nam, từ lâu đã in vào tâm khảm mỗi con người.

 

Thời xưa, Đình làng ngoài việc thờ cúng Thành hoàng còn tựu trung đủ mọi lề thói của làng xã, từ khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt, họp việc làng, xử kiện, rước xách, hội hè với những quy củ nhất định, có sự phân biệt chiếu trên, chiếu dưới. Cả một hệ thống chức dịch lúc bấy giờ là lý trưởng, tuần kiểm mỗi khi có việc liên quan đến làng cứ theo trật tự mà ngồi vào vị trí của mình ở chiếu đình để thực thi công vụ.

 

Một chiếc trống cái được để trong đình, khi nó vang lên theo nhịp ngũ liên thúc giục dân làng về đình tụ họp để đón quan trên hay bàn tính công việc của làng. Ở đình có ngôi thứ hẳn hoi, khi ra đình các bậc hương lão, hương lý ngồi giữa đình, thấp hơn ngồi hai bên, dân thường ngồi ngoài sân. Đình làng cũng là nơi từng diễn ra bao lần các cụ cao niên tổ chức "lên lình, lên lão", các vị chức sắc tổ chức “ăn khao, ăn vạ”, nhân dân xin được "nộp cheo, nộp cưới". Tuy là những tập quán cổ hủ thời phong kiến, nhưng đó cũng là nét văn hóa độc đáo ở Đình làng của người Việt Nam xưa.

 

Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc cao, là kiến trúc thuần Việt nhất của dân tộc, mà còn là kho tàng hết sức giá trị về mặt điêu khắc dân gian. Đây là thế giới cho nền nghệ thuật điêu khắc dân gian phát triển mạnh mẽ. Trên các vì kèo, tất cả các đầu bẩy, đầu dư, đố, xà kẻ, ván gió, ván nong... là nơi các nghệ sĩ điêu khắc dân gian không chỉ chạm khắc các đề tài  tái hiện cuộc sống và lao động của con người, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian và phong phú, sinh động. Chính vì vậy, những điêu khắc Đình làng còn có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu về cuộc sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam trước đây. Nét độc đáo trong kiến trúc Đình làng được thể hiện trên phần điêu khắc trang trí hẳn không công trình kiến trúc nào khác có được. Bởi ở Đình làng, không chỉ có những chạm khắc về tứ linh - tứ quý như những ngôi đền hay nhà thờ để thể hiện sự tôn nghiêm, ở đó còn được trang trí những hình chạm khắc về các cảnh sinh hoạt đời sống xã hội phong kiến. Tất cả các chi tiết trong đình đều được chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo. Với những hình chạm khắc về Long - Ly - Quy - Phượng, rồi cá hóa rồng, dơi, hạc, hổ... với đủ các tư thế. Tất thảy biểu tượng uy quyền của bậc quân vương; cho ước vọng thái bình; cho sự trường tồn, trường thọ; cho hạnh phúc, giàu sang phú quý; cho sự thành đạt, hanh thông; cho sự cao khiết và trường thọ và biểu tượng cho sức mạnh... Rồi, Tùng - Trúc - Cúc  - Mai biểu tượng cho sự hồn nhiên, sự tinh khiết, sự thanh nhàn mà sang trọng và tính cách cứng rắn của người quân tử. Đồng thời Tứ quý còn mang ý nghĩa của bốn mùa trong năm... Những hình ảnh chạm khắc về việc học hành - thi cử - đỗ đạt - vinh quy bái tổ thể hiện sự khát vọng vươn lên; Thậm chí có những hình ảnh thể hiện một khát vọng cao hơn - xa hơn về một xứ sở thần tiên như các nàng tiên cưỡi chim phượng thổi sáo, tiên ông đánh cờ... Nhưng có lẽ đường nét chạm khắc sống động nhất gần gũi nhất là những cảnh diễn tả nếp sinh hoạt đời thường của nông dân Việt Nam và những điển tích hay nhân gian với phong cách đôi khi cổ sơ nhưng rất độc đáo như đốn củi, cày cấy, bắt cá, đi chợ, chèo thuyền, giã gạo, uống rượu, làm nhà... Có thể nói, đình là một khối điêu khắc trong không gian, đầy chi tiết tinh tế, nhưng cũng đầy tính khoa học kiến trúc. Nói về đường nét, đình là nơi hội tụ những mô típ trang trí tuyệt hảo, gồm nhiều xu hướng hiện thực, cách điệu và đồ họa. Bởi vậy, Đình làng một kho tàng những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam mà sự khéo léo, tài tình của những người thợ được thể hiện trên từng nét chạm khắc. Phải chăng, đình là nơi nghiêm nhất của quyền lực làng xã và cũng là nơi tự do nhất của tư tưởng con người. Có thể nói, điêu khắc Đình làng luôn mang đậm tâm hồn, tình cảm của người nông dân và mỹ thuật Đình làng là niềm tự hào của mỗi làng quê ,là sản phẩm đặc sắc của truyền thống văn hóa Việt Nam.

 

Văn hoá đình thuộc văn hoá dân gian là nét đẹp văn hoá và là di sản quý của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy. Phải đặt việc bảo tồn, gìn giữ những ngôi đình còn lại, khôi phục lại những ngôi đình có giá trị về lịch sử, văn hóa; khôi phục các lễ hội Đình làng trong mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, giữa những nét văn hóa truyền thống và hiện đại. Làm được như vậy mới tạo được độ bền vững cả về mặt kiến trúc và không gian văn hóa, không gây sự bất bình, nhàm chán cho nhân dân mà ý nghĩa thiêng liêng của Đình làng vẫn được đảm bảo.

 

Mong rằng, việc tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử văn hoá của Đình làng được quan tâm đúng nghĩa để giá trị văn hoá dân gian vẫn đọng mãi trong lòng người dân đất Việt.

 

(Thanh Hùng)