Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bệnh Glôcôm - tảng băng chìm ở trong cộng đồng

09:08, 11/03/2011
Bệnh Glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên thế giới, chỉ đứng sau đục thể thủy tinh và các bệnh lý thuộc bán phần sau của nhãn cầu. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì bệnh Glôcôm chiếm tỷ lệ 10% trong số các nguyên nhân gây mù. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù lòa do glôcôm bằng cách phát hiện sớm,

 

Theo WHO dự báo thì đến năm 2020, ước tính trên thế giới và các nước trong khu vực sẽ có khoảng 80 triệu người bị mắc bệnh Glôcôm. Kết quả điều tra của Bệnh Viện Mắt trung ương từ năm 2007- 2009 trên 16 tỉnh, thành ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ mù lòa chung chiếm 3,1%, trong đó khoảng 25.000 người mù do bệnh Glôcôm, chiếm tỷ lệ 6,5 %. Theo điều tra của Bệnh viện Mắt TW năm 2009, bệnh nhân bị glôm có tiền sử dùng corticoid nhỏ mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%. Đây là điều đáng báo động về vấn đề lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt trong cộng đồng.

 

Sử dụng máy chụp mạch đáy mắt phát hiện các bệnh về mắt tại TT mắt Nghệ An.

 

Thực tế ở Nghệ An cho thấy, công tác khám, phát hiện bệnh Glôcôm trong cộng đồng còn gặp khó khăn, do người dân hiểu biết về bệnh còn mơ hồ vì triệu chứng của bệnh không rõ ràng, trang thiết bị khám chuyên khoa chưa đồng bộ, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa mắt còn thiếu, số bệnh nhân glôcôm trong cộng đồng chưa được phát hiện  còn nhiều, nhất là ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa người dân ít được tiếp cận với dịch vụ y tế.

 

Bệnh Glôcôm rất nguy hiểm, do tăng nhãn áp trong mắt. Bệnh không có biểu hiện rõ ràng mà tiến triển âm thầm làm cho người bệnh không thể phát hiện là mình bị bệnh, đến khi xuất hiện các triệu chứng đau nhức mắt dữ dội, đau đầu vùng bên, thấy mắt mờ dần, mất thị lực mới đến cơ sở y tế khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, phẫu thuật mắt chỉ là giải pháp để bệnh nhân  hết đau còn thị lực khó phục hồi. Cũng có nhưng trường hợp không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ nên nguy cơ tái phát là rất cao.  

 

Bác sĩ – Thạc sĩ Nguyễn Hữu Lê – Giám đốc Trung tâm Mắt Nghệ An cho biết: Hiện nay, bệnh Glôcôm như tảng băng chìm ở trong cộng đồng vì rất khó  phát hiện, khi bệnh nhân đến khám, điều trị  thì đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Riêng năm 2010, Trung tâm đã phẫu thuật cho trên 300 bệnh nhân, hầu hết sau phẫu thuật thị lực của người bệnh khó có thể phục hồi được.

 

Mỗi tháng, Trung tâm Mắt tiếp nhận, khám, điều trị cho khoảng 4.000 lượt bệnh nhân và phẫu thuật cho khoảng 300 bệnh nhân, trong đó khoảng 30 bệnh nhân glôcôm chiếm 10% số lượng phẫu thuật và hầu hết các bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng muộn nên nguy cơ mù lòa cao.   

 

Bệnh Glôcôm còn có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người thân của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh Glôcôm sớm và đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời, hoặc những bệnh nhân có bệnh toàn thân như: đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp...  cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ để tránh được những hậu quả đáng tiếc. Những người từ 40 tuổi trở lên cần đi kiểm tra các bệnh về mắt đặc biệt là đo nhãn áp.

 

(Từ Thành)