Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ukraine trước cuộc ly giáo lớn nhất của đạo Cơ đốc trong hàng thế kỷ

11:26, 06/01/2019
Tranh giành ảnh hưởng tôn giáo khởi nguồn từ hàng thế kỷ trước giữa nhà thờ Nga và nhà thờ Ukraine trở nên căng thẳng trở lại giữa những mâu thuẫn địa chính trị của thế kỷ 21.

Nhà thờ Chính Thống giáo Ukraine sẽ chính thức tách khỏi Giáo hội Chính Thống Moscow vào ngày 6/1, kéo theo hàng chục triệu tín đồ Cơ đốc giáo. Người đứng đầu mới được bầu chọn của Giáo hội Ukraine, Tổng giám mục Epiphanius, sẽ lên đường tới Istabul, nơi đặt trụ sở của Đại giáo phận Constantinople, để nhận điều lệ thành lập giáo phận mới từ Đại thượng phụ Bartholomew.

Đây là cuộc chia rẽ cực lớn của Chính Thống giáo, một nhánh của Cơ Đốc giáo. Giáo hội Chính Thống Nga có 180 triệu tín đồ và chống lại sự lãnh đạo của Constantinople, đại giáo phận có danh hiệu cao nhất của Chính Thống giáo Đông La Mã với 300 triệu tín đồ trên toàn cầu. Cả hai đều cho rằng mình có quyền lãnh đạo tối cao với Giáo hội Ukraine.

Một bé gái Ukraine cầm ảnh thánh trong lễ kỷ niệm Ngày Rửa tội tại Kiev năm 2016. Ngày lễ này đánh dấu kỷ nguyên đạo Cơ đốc đến với nhóm người Slavơ vào thế kỷ thứ 10, mà sau này trở thành các dân tộc Nga, Ukraine và Belarus.
Một bé gái Ukraine cầm ảnh thánh trong lễ kỷ niệm Ngày Rửa tội tại Kiev năm 2016. Ngày lễ này đánh dấu kỷ nguyên đạo Cơ đốc đến với nhóm người Slavơ vào thế kỷ thứ 10, mà sau này trở thành các dân tộc Nga, Ukraine và Belarus.

Theo New York Times, cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng tôn giáo trở nên căng thẳng hơn sau khi quan hệ Nga và Ukraine bắt đầu xấu đi vào năm 2014. Và tình hình càng tệ đi khoảng một tháng trở lại đây khi quân đội hai nước va chạm ở vùng biển Crimea.

Một số linh mục nhà thờ Ukraine trung thành với Moscow đã bị giới chức nước này triệu tập để thẩm vấn. Trong khi đó viễn cảnh hình thành một Giáo hội Ukraine độc lập hoàn toàn với Moscow khiến cho các lãnh đạo chính trị và tôn giáo ở Nga hết sức phẫn nộ.

Cuộc khủng hoảng danh tính

Tổng giám mục Moscow Ilarion, người có hàm ngang bộ trưởng ngoại giao của Giáo hội Nga, nói về khả năng chia rẻ không hàn gắn nổi của cộng đồng Chính Thống giáo, và cảnh báo việc Giáo hội Ukraine rời đi sẽ làm nảy sinh những vụ chia tách ở các nơi khác.

Trong khi đó phát biểu trong buổi họp báo thường niên vào tháng 12, Tổng thống Vladimir Putin lên án việc tách khỏi Moscow của Giáo hội Ukraine, cho rằng điều này phá vỡ tự do tôn giáo và làm sâu thêm hố ngăn cách giữa hai quốc gia.

Giáo phận Moscow cho rằng họ được trao quyền quản lý Đại giáo phận cổ đại Kiev (Kiovan archdiocese) từ năm 1686, khi Giáo chủ ở Constantinople cho phép Thượng phụ Moscow được bổ nhiệm các chức giám mục ở Kiev.

Nhưng vào tháng 12/2018, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và gần 200 giám mục và các lãnh đạo tôn giáo khác đã có cuộc gặp tại Thánh đường St. Sophia ở thủ đô Kiev để bầu lên người đứng đầu mới của một Giáo hội Ukraine độc lập. Điều này sẽ chấm dứt mọi quan hệ của Giáo hội Ukraine với nhà thờ Moscow và người đứng đầu ở đây là Thượng phụ Kirill.

​  Tổng thống Petro Poroshenko tham gia hội nghị cùng các lãnh đạo tôn giáo để bầu ra người đứng đầu của một nhà thờ Chính Thống giáo Ukraine độc lập khỏi Nhà thờ Moscow, tại thánh đường St. Sophia ở thủ đô Kiev.  ​
​ Tổng thống Petro Poroshenko tham gia hội nghị cùng các lãnh đạo tôn giáo để bầu ra người đứng đầu của một nhà thờ Chính Thống giáo Ukraine độc lập khỏi Nhà thờ Moscow, tại thánh đường St. Sophia ở thủ đô Kiev. ​

Trong khi đó, giáo phận Moscow tuyên bố có quyền giám sát với tất cả các cộng đồng Chính Thống giáo ở Nga và hầu hết các khu vực thuộc Liên Xô trước đây. Kể từ khi Ukraine tách ra và độc lập vào năm 1991, nhà thờ Moscow đã cố gắng để gìn giữ tầm ảnh hưởng với Giáo hội Ukraine.

Hiện tại, Giáo hội Nga đang đứng đầu cộng đồng Chính Thống giáo lớn nhất thế giới, với khoảng 150 triệu tín đồ, bằng một nửa số người theo nhánh này của Cơ Đốc giáo trên toàn cầu. Khi Giáo hội Ukraine rời đi, Giáo hội Nga sẽ chỉ còn lại khoảng hai phần ba tín đồ so với trước.

Tại Chernytsya, một ngôi làng nhỏ cách thủ đô Kiev 450 km về phía tây, linh mục Chính Thống giáo Oleksandr Kolesov cho biết ông đã hết sức bất ngờ khi bị các nhân viên của cơ quan an ninh Ukraine (SBU) triệu tập vào tháng 12 để thẩm vấn. Những người này nghi ngờ ông Kolesov kích động hận thù tôn giáo và sắc tộc.

Khi cha Kolesov có mặt ở trụ sở an ninh khu vực, ông thấy 11 vị linh mục khác cũng ở đó, lo lắng và bỡ ngỡ như ông. Điểm chung của tất cả đó là thể hiện lòng trung thành với nhà thờ Moscow. Cha Kolesov cho biết: “Lúc đó tôi không biết họ muốn gì và đến bây giờ vẫn vậy”.

Sự tham gia của cơ quan an ninh Ukraine cho thấy mối liên hệ phức tạp giữa hoạt động của nhà thờ Chính Thống giáo và tình hình chính trị hiện tại của cả Nga và Ukraine. Giám mục Pimen, một linh mục cấp cao ở thành phố Rivne, thủ phủ phía tây Ukraine, cho rằng Kiev muốn kiểm soát nhà thờ riêng của họ và chia rẽ mọi người.

Mặc dù vậy, người đứng đầu vụ các vấn đề tôn giáo của Bộ Văn hóa Ukraine, ông Andrij Yurash, cho biết các nhân viên an ninh nước này không hề động tới những tín đồ muốn ở lại với nhà thờ Moscow, họ chỉ điều tra những linh mục được cho là công khai ủng hộ Nga.

Giữa tôn giáo và dân tộc

Theo các kết quả thăm dò gần đây, tỷ lệ ủng hộ ông Poroshenko không mấy khả quan trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là cuộc tổng tuyển cử Ukraine bắt đầu. Điều này khiến cho đương kim tổng thống tích cực sử dụng ván bài dân tộc với hi vọng có thể dành thắng lợi thêm một nhiệm kỳ nữa. Khẩu hiệu tranh cử của ông Poroshenko cho thấy rõ điều đó: “Quân đội, Tiếng nói, Đức tin”.

Quốc hội Ukraine cũng bỏ phiếu vào tháng 12 để buộc Nhà thờ Chính Thống giáo Ukraine – tổ chức có liên kết với nhà thờ Moscow, đổi tên thành Nhà thờ Chính Thống giáo Nga tại Ukraine. Nhiều người cho rằng tổ chức này là một công cụ tôn giáo của Kremlin và cái tên mới của nó sẽ thể hiện đúng điều đó.

Vụ triệu tập các linh mục nghi vấn được SBU thực hiện sau khi họ phát hiện một cuốn sách nhỏ gồm 12 trang, được tạo nên bởi một nhóm tự xưng là "Liên minh Bảo vệ Chính Thống giáo”. Văn bản này nhận định nhà thờ mới có trụ sở tại Kiev là dị giáo và cho rằng chỉ có Thượng phụ Kirill – người đứng đầu nhà thờ Moscow – là lãnh đạo hợp pháp duy nhất của Chính Thống giáo Ukraine và các nơi khác từng thuộc Liên Xô.

Cha Nachev, một trong những linh mục bị thẩm vấn, cho biết ông đã đọc qua văn bản được chính quyền Ukraine cho là “có vấn đề” này, nhưng theo ông nó không chứa điều gì quá cực đoan hay kích động lật đổ, mà chỉ là những điều thường thấy trong các tranh cãi của Chính Thống giáo.

SBU cũng đưa ra văn bản riêng của mình trong đó cáo buộc Tòa thượng phụ Moscow là công cụ chính trị của Kremlin và cấu trúc hoạt động của tổ chức này ở Ukraine được Nga sử dụng để “tiến hành chiến tranh hỗn hợp” chống lại nước này.

Cha Kolesov làm lễ tại nhà thờ làng Chernytsya.
Cha Kolesov làm lễ tại nhà thờ làng Chernytsya.

Cha Kolesov đến từ làng Chernytsya nhận xét những cáo buộc của SBU đã phóng đại tầm ảnh hưởng của Nhà thờ Moscow. Vị linh mục này hàng ngày vẫn đưa ra những bài giảng bằng tiếng Ukraine, không phải tiếng Nga và cho rằng Crimea nên được coi là vùng lãnh thổ của Ukraine.

Mặc dù vậy, cha Kolesov không hề đồng ý với quan điểm ủng hộ thành lập nhà thờ mới, tách ra khỏi Tòa thượng phụ Moscow của một số linh mục Chính Thống giáo. Ông gọi số này là “những người muốn ly giáo”, tạo nên viễn cảnh của cuộc chia tách lớn nhất trong lịch sử đạo Cơ Đốc kể từ năm 1054, khi nhà thờ Công giáo và nhà thờ Chính Thống giáo tách khỏi nhau.

Cha Kolesov chia sẻ việc thành lập một nhà thờ mới “đặt Ukraine làm trung tâm của nhà thờ, trong khi Chúa mới phải được đặt làm trung tâm”.

Theo Zing