Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phiên thảo luận tổ: Bàn sâu về tư liệu sản xuất của người dân miền núi

17:36, 18/07/2018

Với trách nhiệm cao trước cử tri, tại 8 tổ thảo luận, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiệm vụ phát triển KT - XH, QP - AN 6 tháng đầu năm 2018 cùng nhiều vấn đề an sinh xã hội mà cử tri quan tâm, trong đó, đặc biệt quan tâm đến tư liệu sản xuất của người dân miền núi khi họ đã nhường đất cho thủy điện.

[links()]

Chiều nay (18/7), kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã đã tiến hành phiên thảo luận tại 8 tổ.

Tại các tổ thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu đều bày tỏ sự vui mừng với những kết quả nổi bật về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2018 so với các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và so sánh với kết quả cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, các đại biểu đã có đánh giá cụ thể hơn về những kết quả, tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và trách nhiệm của người đứng đầu.

Hậu thủy điện là nỗi cay đắng của đồng bào

Bày tỏ nỗi trăn trở của mình khi các nhà máy thủy điện liên tục “mọc” lên tại các huyện miền núi, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (huyện Kỳ Sơn) cảnh báo về tình trạng người dân mất tư liệu sản xuất ngay trên chính mảnh đất của mình.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đặc biệt trăn trở trước thực trạng mất tư liệu sản xuất của người dân miền núi
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đặc biệt trăn trở trước thực trạng mất tư liệu sản xuất của người dân miền núi

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chỉ rõ: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri quyết liệt phản đối việc xây dựng nhà máy thủy điện. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, ngoài các thủy điện đã được vận hành, tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, lại có thêm 5 nhà máy thủy điện được xây dựng mới. Việc có nhà tái định cư, có điện đường trường trạm đã làm cho cuộc sống của đồng bào ổn định hơn, nhưng khi thủy điện đóng điện thì chắc chắn dân phải trả tiền điện, và cái mà dân rất lớn là mất đất, mất nhà, mất việc làm. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị HĐND tỉnh cần có một chuyên đề giám sát việc xây dựng nhà máy thủy điện và những tác động của hậu thủy điện.

Đại biểu Lê Văn Giáp lo lắng về cuộc sống của người dân TĐC trong chỉ vài ba năm sau, khi mà các công trình TĐC đã xuống cấp
Đại biểu Lê Văn Giáp lo lắng cho cuộc sống của người dân TĐC khi mà các công trình dân sinh đã xuống cấp.

Từ thực tế của địa phương, đại biểu Lê Văn Giáp (huyện Quế Phong) cho hay: Riêng huyện Quế Phong có có 10 nhà máy Thủy điện, trong đó, 4 nhà máy đã phát điện, 2 nhà máy sẽ phát điện vào cuối 2018. Nhường đất cho thủy điện, người dân đã phải chấp nhận khai thác sản xuất ở đất rừng “khó nhằn” với toàn đã sỏi, kém hiệu quả. Đại biểu Lê Văn Giáp cũng lo lắng về cuộc sống của người dân TĐC trong chỉ vài ba năm sau, khi mà các công trình TĐC đã xuống cấp; huyện không có kinh phí hỗ trợ sửa chữa, dân thì nghèo, Doanh nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ TĐC, một cuộc khốn khó sẽ đeo đẳng đồng bào miền núi. Do vậy, đại biểu Lê Văn Giáp mong muốn tỉnh nghiên cứu về thực trạng TĐC và xây dựng một chế độ đặc thù cho đồng bào TĐC (chứ không phụ thuộc vào các doanh nghiệp thủy điện).

Giao đất rừng: Cần điều chỉnh đối tượng thụ hưởng

Đại biểu các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quế Phong thẳng thắn đề cập: Việc rà soát, phê duyệt và thu hồi đất từ các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp… để bàn giao về cho địa phương thực hiện chủ trương “giao rừng gắn với giao đất” trên địa bàn các huyện miền núi chậm triển khai, người dân khó tiếp cận nên thiếu đất sản xuất.

Đại biểu Ngô Đức Thuận (huyện Quỳ Châu) nêu thực trạng tại địa phương: Đất rừng theo NĐ 178 là rừng tự nhiên tái sinh, chỉ dành để bảo vệ sinh thái, do vậy người miền núi thể sở hữu đất này để sản xuất. Đại biểu đề nghị, các sở, ban ngành tham mưu cho tỉnh để tỉnh có văn bản trình các bộ, ngành TW bổ sung thêm đối tượng là cá nhân, hộ gia đình được thụ hưởng đất rừng theo NĐ 178.

Đại biểu Ngô Đức Thuận đề nghị tỉnh cần
Đại biểu Ngô Đức Thuận đề nghị tỉnh cần "mạnh tay" thu hồi đất rừng của DN để giao cho người dân sản xuất.

Một thực tế tại các huyện miền núi là các DN chỉ lựa chọn một số kĩnh vực để đầu tư như thủy điện, trồng rừng chứ không mặn mà với việc đầu tư trên lĩnh vực Nông nghiệp. Trong khi DN sở hữu nhưng khu đất rừng đẹp thì chỉ trồng rừng thưa thớt cho thấy mục tiêu trồng rừng không được chú trọng mà chủ yếu để giữ đất. Để giải quyết tư liệu sản xuất cho đồng bào miền núi, các đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu cần có sự rà soát và mạnh tay thu hồi đất của DN để giao cho người dân.

Nhiều đại biểu cũng trăn trở việc quy hoạch rừng phòng hộ đã lấy đi rất nhiều đất sản xuất của bà con miền núi. Đi cùng với đó, tình trạng bán đất lâm nghiệp diễn ra ngày càng nhiều đã dẫn đến hệ lụy dân sẽ phá rừng để có đất sản xuất – một vòng luẩn quẩn mà người dân miền núi khó thoát khỏi.

Thủ tục phiền hà, người dân nhận cây – con giống hỗ trợ không đúng mùa

Đứng trước khó khăn là tư liệu sản xuất bị thu hẹp, đồng bào miền núi lại đối mặt với những khó khăn bởi thủ tục phiền hà. Qua quá nhiều khâu, nhiều cấp rà soát, phê duyệt, chính sách hỗ trợ cây con giống cho đồng bào không phát huy hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lê Văn Giáp bức xúc: Đồng bào đã nghèo, không có vốn, sản xuất trên vùng đất cằn cỗi, chờ đợi giống hỗ trợ thì nhận con trâu, con bò vào mùa rét, trâu bò phát triển kém. Nhận cây giống thì đã qua mất mùa gieo trỉa, cây giống không cho năng suất. Do vậy, việc hỗ trợ giống chỉ phát huy hiệu quả khi nó không chỉ đến đúng đối tượng mà phải đúng mùa vụ. Đại biểu Lê Văn Giáp đề nghị cần nghiên cứu để ban hành quy trình hỗ trợ giống cho đồng bào nghèo một cách hiệu quả nhất.

Đại biểu Nguyễn Đình Hùngcho rằng cần quan tâm đến việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy và xây dựng các mô hình trong nông nghiệp
Đại biểu Nguyễn Đình Hùng cho rằng: cần quan tâm đến việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy và xây dựng các mô hình trong nông nghiệp

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa rõ nét.  Nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa thực sự hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Hùng – Đại biểu huyện Con Cuông cho rằng cần quan tâm đến việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy và xây dựng các mô hình trong nông nghiệp để phát triển kinh tế, đặc biệt là các huyện miền Tây.

Đại biểu Trần Văn Hường  (huyện Nam Đàn) băn khoăn: Liên kết mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vì chưa có chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ cho bà con nông dân. Ông đề nghị UBND tỉnh và Sở Nông Nghiệp cần phối hợp với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân để "cung khớp cầu", tránh điệp khúc "được mùa mất giá".

Quản lí đất đai lỏng lẻo – “mượn cớ” xây dựng Nông thôn mới

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt đươc nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng vần còn một số vấn đề mà theo các đại biểu cần quan tâm. Đó là chất lượng và tính bễn vững của các xã đã về đích, trong đó, thu nhập người dân, môi trường, quản lý nguồn lực NTM, chất lượng hệ thống chính trị... đang là các tiêu chí mà các xã NTM gặp rất nhiều khó khăn để duy trì.

Đại biểu Nguyễn Văn Hải (huyện Tương Dương): Giữ vững các tiêu chí NTM cần phải đươc quan tâm hàng đầu sau khi đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM
Đại biểu Nguyễn Văn Hải (huyện Tương Dương): Giữ vững các tiêu chí NTM cần phải đươc quan tâm hàng đầu sau khi đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM

Trong xây dựng NTM, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (huyện Kỳ Sơn) chỉ ra một tồn tại được xếp vào hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng: Lãnh đạo xã tùy tiện bán đất công để xây dựng NTM. Cùng với việc huy động quá sức dân để xây dựng NTM thì hành vi bán đất công để xây dựng NTM cũng bị nghiêm cấm. Người vi phạm sẽ bị khởi tố vào nhóm tội phạm tham nhũng.

Cần đáp ứng đủ yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân

Đại biểu Trần Duy Ngoãn (TX Hoàng Mai) thực sự băn khoăn khi nêu thực trạng: Nhiều người dân Hoàng Mai khi gặp vấn đề sức khỏe đã phải ra TP Thanh Hóa để thăm khám, bởi họ chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống bệnh viện và các TT y tế trên địa bàn và vùng phụ cận. Do vậy, ngành y tế phải tìm hiểu để đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngay tại địa bàn, bởi “chỉ chậm một nhịp, tính mạng con người đã bị đe dọa”.

Đại biểu Trần Duy Ngoãn: Cần đáp ứng đủ yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân
Đại biểu Trần Duy Ngoãn: Cần đáp ứng đủ yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân

Từ thực tế tại TX Hoàng Mai, ngành y tế cũng thừa nhận những hạn chế như hệ thống y tế thì có đủ từ tuyến xã – tuyến huyện đến tuyến tỉnh, nguồn nhân lực cũng không thiếu, nhưng trang thiết bị và khả năng chẩn đoán, điều trị từ cơ sở còn nhiều yếu kém. Để khắc phục tình trạng này, ngành sẽ rà soát và có phương án hỗ trợ trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực để người dân yên tâm về việc khám chữa bệnh.

Không chần chừ trong thực hiện NQ TW6 (khóa XVII)

Đại biểu Nguyễn Như Khôi: Không chần chừ trong việc sáp nhập các đơn vị để đảm bảo tiến độ thực hiện NQTW 6 (khóa XVII)
Đại biểu Nguyễn Như Khôi: Không chần chừ trong việc sáp nhập các đơn vị để đảm bảo tiến độ thực hiện NQTW 6 (khóa XVII)

Nhiều đại biểu cũng đề cập đến những kết quả đạt được và vướng mắc, khó khăn ở cơ sở trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa VII). Đại biểu Nguyễn Như Khôi (huyện Quỳnh Lưu) nhấn mạnh: Đối với những đơn vị mà có thế sáp nhập được thì phải nhanh chóng thực hiện, tránh chần chừ gây lãng phí thời gian thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, có kế hoạch chi tiết để việc sáp nhập hiệu quả, đúng tinh thần Nghị quyết là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động ở tất cả các cấp.

Phiên thảo luận tại tổ 8
Phiên thảo luận tại tổ 8.

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018;  Cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết trình trình kỳ họp như: việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện công trình dự án; Quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương; quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thăm quan danh lam thắng cảnh tại Vườn quốc gia Pù Mát; Quy định mức hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia từ năm học 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

Các ý kiến thảo luận của đại biểu trong phiên thảo luận chiều nay sẽ được tổng hợp và được các ngành liên quan giải trình cụ thể trong phiên thảo luận tại hội trường vào sáng ma i(19/7). Phiên họp này sẽ được Đài PTTH  Nghệ An tường thuật trực tiếp trên hai sóng phát thanh và truyền hình.

(Nhóm PV)