Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Gập ghềnh con chữ ở Nhôn Mai

16:23, 11/11/2015

Biệt lập hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài xã hội do nằm sát biên giới Việt - Lào và ở ngay khu vực thượng lưu của lòng hồ Bản Vẽ, nên việc học của con trẻ tại điểm trường Piếng Luống, Còn Tọoc, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương giống như chuyện cổ tích giữa đời thực. Bởi các em chỉ mới học lớp 2 hoặc lớp 3 đã thay cha mẹ, nuôi em học mẫu giáo ở những căn lều trọ học.

Tại điểm trường Piếng Luống, Còn Tọoc, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương sẽ rất ít ai tin nếu như chưa một lần được chứng kiến. Cháu lớn nhất học lớp 5, nhỏ đa phần học mẫu giáo - mầm non. Và tại đây có đến 3 phòng trọ tạm bợ được cha mẹ dựng lên cho mấy chục cháu nhỏ người dân tộc Mông trọ học.

Căn phòng trọ học do chính phụ huynh dựng nên
Căn phòng trọ học do chính phụ huynh dựng nên
Học trò điểm trường Piếng Luống, Còn Tọoc vui chơi bên
Học trò điểm trường Piếng Luống, Còn Tọoc vui chơi bên "căn nhà" của mình sau giờ học

Điểm trường Piếng Luống, Còn Tọoc nằm biệt lập giữa lòng hồ Bản Vẽ, thuộc xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Bữa cơm hằng ngày do các em tự đun nấu sau giờ tan lớp…

Bữa cơm hằng ngày do các em tự đun nấu
Bữa cơm hằng ngày do các em tự đun nấu

Trước hoàn cảnh khó khăn của các em, các thầy cô giáo, ngoài giờ lên lớp còn có thêm nhiệm vụ chăm sóc các em như chính những đứa con của mình. Cô giáo Kha Thị Thuận tâm sự: Ở đây, có một đặc thù là các cháu mầm non, tiểu học đều phải ở trọ, xa cha mẹ. Do đó các cô lấy tình cảm của mình như một người mẹ để các cháu dựa dẫm vào để có tinh thần học tập.

Năm lớp học của điểm trường Piếng Luống, Còn Tọoc được xếp liền kề với nhau. Việc ngăn cách giữa các lớp với nhau rất tạm bợ, sơ sài. Lớp bên này đọc bài, nghĩa là lớp bên kia tấm vách phải dừng lại chờ đợi… Nếu không sẽ trở thành một mớ âm thanh hỗn độn, chẳng ai hiểu được nội dung bài học là gì.

Vách ngăn sơ sài giữa các phòng học
Vách ngăn sơ sài giữa các phòng học

Thầy giáo Vi Thanh Vin nói: Những ngày mưa gió, giông tố, quần áo các cháu ướt hết. Nhất là mùa đông, cái mặc thiếu thốn, không đủ ấm, nên nhìn các cháu ngồi học không được an tâm lắm.

Thương cái khổ, cảm thông cái nghèo của con trẻ, cô thầy ở đây phải trích một phần tiền lương ít ỏi của mình để mua sắm giấy, bút, sách vở cho học sinh mình đứng lớp. Có lẽ, với sự quan tâm tận tình như thế, nên tại điểm trường đặc biệt khó khăn này, ít khi xảy ra hiện tượng học sinh bỏ học theo mùa. Ngược lại chất lượng học tập của các học sinh Piếng Luống, Còn Tọoc còn đạt được khá cao so với các điểm trường của bản khác.

Các cháu tự chăm sóc lẫn nhau để có
PV Nguyễn Nam (NTV) bên các cháu điểm trường Piếng Luống, Còn Tọoc

Piếng Luống và Còn Tọoc là những bản còn lại của xã Luân Mai, huyện Tương Dương, do trước đây phải thực hiện di dời để xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Do ở xa, sát tận biên giới, lại nằm trên cao, vượt trên cao trình của mực nước lòng hồ, nên dân bản ở đây không phải di dời, mà sát nhập vào xã Nhôn Mai như hiện nay. Tuy nhiên, khi lòng hồ tích nước, cuộc sống của người dân ở đây đã bị biệt lập hoàn toàn. Bà Lô Thị Dung - Phó chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương cho biết: Địa bàn bản Piêng Luống là 2 bản còn lại của các xã khác nhập về Nhôn Mai. Nên trường học, cơ sở vật chất của cô thầy đều thiếu thốn cả. Xã có hỗ trợ, nhưng chỉ được một phần nào đó, không thể hỗ trợ hết được.

Không điện, không đường, không thông tin liên lạc và không có cả trao đổi mua bán hàng hóa tại đây. Bởi vậy, cuộc sống của cô, trò ở 2 bản Piêng Luống, Còn Tọoc, xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương được xem như chuyện lạ giữa đời thực ngày nay. Và trong hành trình gieo chữ nơi lòng hồ bản Vẽ, cô và trò nơi đây cần lắm sự quan tâm của  các ban, ngành, tổ chức, cá nhân… khi mùa đông giá rét đã cận kề.

(Nguyễn Nam - Trường Ca)