Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ứng dụng thiết bị KH-CN phòng chống sốt xuất huyết ở Nghệ An

14:40, 16/06/2011
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh sốt cấp tính truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm có mặt ở tất cả các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới, làm hàng triệu người mắc bệnh với hơn chục nghìn người chết mỗi năm. Nghệ An là một tỉnh đất rộng, người đông, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, nắng lắm mưa nhiều nên nguồn bệnh SXH rất dễ phát triển. Bình quân mỗi năm có gần 500

 

SXH là bệnh truyền nhiễm gây nên bởi virus Dengue, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên lứa tuổi thường gặp là 2-15 tuổi. Đặc trưng của bệnh là sốt, xuất huyết cấp, có thể gây sốc, tỷ lệ tử vong cao và thường gặp ở trẻ em.

 

SXH lây lan qua trung gian là loài muỗi vằn. Muỗi vằn truyền bệnh sống trong nhà, trong các phòng nhỏ và thích đậu ở những nơi râm mát, tối tăm như các hốc kẹt trong nhà, sàn giường, sàn tủ, gầm bàn, quần áo treo trên sào hoặc móc trên vách. Phía ngoài nhà, chúng đậu ở nơi mát mẻ và có bóng mát, muỗi cái tìm những chỗ có chứa nước để đẻ trứng, nó có thể đậu trên các thành dụng cụ để đẻ. Vì vậy bất cứ chỗ nào có chứa nước là chúng có thể đẻ trứng được. Trứng sẽ bám vào thành các vật chứa nước hoặc chìm xuống đáy, sau đó thành lăng quăng và thành muỗi trưởng thành. Do đó, bệnh SXH dễ xảy ra ở những nơi người dân có thói quen chứa nước mưa hoặc có nhiều vật dụng chứa nước và đặc biệt dễ lây lan thành dịch những nơi dân cư đông đúc.

 

Theo số liệu của Tổ Chức YTTG, trong những năm gần đây số người mắc SXHD trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng, cao nhất vào giai đoạn 1986-1990 với trung bình mỗi năm gần 400.000 người mắc. Còn tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 100.000 ca bệnh và số người bị tử vong là 234. Ước tính chi phí cho một bệnh nhân sốt xuất huyết khi nhập viện khoảng từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

 

Nghệ An là một tỉnh đất rộng, người đông, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, là đầu mối của nhiều nút giao thông quan trọng. Tất cả những yếu tố đó là điều kiện thuận lợi để nguồn bệnh SXH phát triển. Từ năm 1995 trở lại đây, các vụ dịch sốt xuất huyết thường xuyên xảy ra. Năm 2001 có 971 trường hợp; năm 2006 có 1410 trường hợp; các năm còn lại bình quân mỗi năm có gần 500 ca. Ở một số địa phương gần như năm nào cũng xảy ra dịch SXH, ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất và kinh tế của nhân dân. Đặc biệt một số huyện là trọng điểm của dịch SXH như  Diễn châu, Quỳnh Lưu... Điều này cho thấy, công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Nghệ An là cực kỳ quan trọng và cấp thiết.

 

Diễn Châu là một trong những huyện đồng bằng ven biển có diện tích lớn, dân số tới gần 300.000 người. Là một trong những huyện trọng điểm về dịch SXH ở Nghệ An. Trong những năm trước đây, nhiều vụ dịch lớn xảy ra và tỷ lệ người từ vong rất cao. Tính riêng xã Diễn Kim của huyện Diễn Châu, hàng năm, đã có tới hàng trăm người mắc bệnh.

 

Toàn huyện có tới 10 xã ven biển nên người dân khu vực này thường có những thói quen sinh hoạt và lối sống của cư dân vùng biển. Họ không có được nguồn nước ngọt từ giếng do bị nước biển xâm nhập vào nên sử dụng nguồn nước mưa là chủ yếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Các loại bể chứa nước, chum vại... trong mùa sản xuất thì là dụng cụ để làm nước mắm, ngoài mùa vụ thì trở thành nơi chứa nước. Mặc dù công tác truyền thông đã được thực hiện thường xuyên như tuyên truyền vận động nhân dân vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, tổ chức diệt muỗi bằng hoá chất, khuyến khích người dân nằm màn... nhưng nhận thức của người dân chưa đầy đủ và còn chủ quan. Vì vậy, các dụng cụ chứa nước các gia đình thường là nơi để muỗi, bọ gậy phát triển, gây dịch.

 

Thời gian gần đây, ý thức của người dân cũng như diễn biến các vụ dịch tuy có cải thiện nhưng vẫn còn xảy ra tương đối lớn nên ngành y tế Nghệ An triển khai thử nghiệm đề tài phòng chống SXH dựa vào các nhóm giải pháp chính bao gồm: truyền thông giáo dục với sự tham gia của cộng đồng; sử dụng tác nhân sinh học Mesocyclop (Mê- zô); kết hợp các giải pháp về tổ chức quản lý phòng chống dịch. Kết quả đạt được rất khả quan tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu.

 

Bản chất của đề tài là nuôi con Mê-Zô - một tác nhân sinh học có khả năng ăn con bọ gậy, phóng thả vào các dụng cụ chứa nước để nó phát triển và ăn bọ gậy. Đồng thời phối hợp với các hoạt động truyền thông trong cộng đồng thực hiên vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt mỗi, diệt bọ gậy phòng chống SXH. Dưới sự giám sát chỉ đạo của ban chủ nhiệm dự án và chính quyền địa phương sở tại, đề tài được triển khai đồng loạt trên toàn xã Diễn Kim bằng sự vào cuộc một cách nhiệt tình, hiểu biết kiến thức về cách nuôi thả Mê-Zô, tác dụng của nó trong việc phòng chống SXH, của đội ngũ cộng tác viên cơ sở.

 

Hoạt động hàng tháng tại hộ gia đình của cộng tác viên được coi là quan trọng nhất của chương trình cộng đồng. Với mục tiêu “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”, CTV đến từng gia đình để chia sẻ với thành viên trong gia đình về bệnh SXH, muỗi truyền bệnh, chỉ cho họ nơi đẻ của muỗi, ổ bọ gậy và biện pháp diệt bọ gậy đơn giản như bỏ muối vào bẫy kiến, loại bỏ các dụng cụ phế thải, thay nước bằng cát ẩm trong các lọ hoa, cách sử dụng và bảo quản Mê zô mỗi lần thay nước, phát hiện bệnh nhân nghi mắc SXH và động viên mọi người trong gia đình tự nguyện tham gia phòng chống SXH. Đồng thời hoạt động tuyên truyền tại nhà trường và trên hệ thống loa truyền thanh cũng được kết hợp đẩy mạnh để nâng cao nhận thức phòng chống bệnh trong toàn cộng đồng.

 

Sau 3 năm triển khai thực hiện, đề tài đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực. Tại xã thực hiện dự án quần thể bọ gậy SXH đã giảm tới 96- 99%; Từ 2 loài Mê- Zô được xác định có khả năng ăn bọ gậy cao đã nuôi nhân giống tại Phòng thí nghiệm Viện vệ sinh dịch tễ TW được phóng thả vào toàn bộ các dụng cụ chứa nước lớn tại địa phương. Tác nhân sinh học này được xác định là phát triển tốt trong các bể nước, giếng nước; Tỷ lệ dụng cụ chứa nước có thả MÊ - Zô tăng 10 lần so với trước dự án. Hơn 90% hộ gia đình thả Mê- Zô và tự nguyện tham gia phòng chống bọ gậy SXH. Đồng thời sau một thời gian triển khai dự án này, ý thức của người dân tại địa phương đã có sự nâng lên vượt bậc.

 

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai đề tài, ban chỉ đạo cũng đã có sự đối chứng với một xã khác cuả huyện là xã Diễn Hải. Đây là xã có điều kiện tự nhiên cũng như phong tục tập quán sinh hoạt của người dân có nhiều điểm giồng với Diễn Kim (xã triển khai dự án), trước đây đều là 2 xã thường xuyên xảy ra ổ dịch của huyện Diễn Châu thì thu được kết quả sau. Liên tục trong 3 năm qua tại Diễn Kim không có trường hợp bệnh nhân nào mắc SXH tại địa phương (mà chỉ có 1 bệnh nhân bị mắc ngoại lai từ xã có dịch về nhưng do dự án đã khống chế được quần thể muỗi Vectơ nên không lây lan). Ngược lại tại xã đối chứng là xã Diễn Hải thì chỉ số muỗi, bọ gậy SXH tăng cao và đã có dịch xẩy ra trong năm 2010 với 39 các mắc bệnh, không có tử vong. Ngoài ra việc sử dụng tác nhân sinh học phóng thả Mê- Zô là biện pháp đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả lâu dài và không có độc hại bằng phun hoá chất để diệt muỗi trưởng thành khi có dịch xảy ra.

 

Từ những kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện dự án đã cho thấy hiệu quả rõ nét của dự án Phòng chống SXH bằng việc phóng thả tác nhân sinh học Mê-zô tại cộng đồng. Để trong thời gian ngắn nhất tại Nghệ An sẽ không còn dịch SXH thì cần sự chung tây của cả cộng đồng. Bên cạnh việc duy trì thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng tại cộng đồng thường xuyên, liên tục thông qua lực lượng học sinh, các hộ gia đình, cần triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là cao điểm vào 6 tháng cuối năm; tiếp tục theo dõi, nghiên cứu các chỉ số mật độ muỗi, giám sát ca bệnh để chủ động phát hiện, bao vây, dập dịch sớm không để bệnh lây lan rộng trong cộng đồng; Đặc biệt là việc duy trì các chiến dịch phóng thả Mesocyclops, nhất là vào thời điểm đầu mùa dịch hàng năm l rất quan trọng và ý nghĩa. Sở Y tế cũng cần tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn và tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của Ban chỉ đạo phòng chống SXH cấp tỉnh; các bệnh viện cần chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận bệnh nhân kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, các địa phương, các sở ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể cũng phải phối hợp thật tốt trong công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế, vì sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng đồng.

 

(Khánh Ly)