Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bao bì thuốc BVTV: Hiểm họa với môi trường

14:36, 12/05/2017

Thói quen của nhiều nông dân sau khi phun thuốc thường vứt bỏ bao bì ngay tại ruộng hoặc kênh mương nội đồng chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bởi trong vỏ bao bì thuốc sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư khoảng 10% lượng thuốc.

Vứt bỏ bao bì sau sử dụng bừa bãi

Tại cánh đồng lúa xã Bắc Thành, huyện Yên Thành có 3 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì trên các dòng kênh nội đồng, bên bờ cỏ, trên đường ra ruộng... vẫn thường bắt gặp các vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc sau sử dụng vứt bừa bãi khắp nơi, lẫn với rác thải thông thường. Chị Lê Thị Hảo, xóm 3 xã Bắc Thành cho biết: Nhìn thấy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ khắp nơi tôi rất lo lắng, bởi vì những loại thuốc này sẽ nhiễm vào nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương như chúng tôi.

Bao bì, chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi
Bao bì, chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi trên đồng ruộng hay các dòng kênh nội đồng

Không chỉ ở xã Bắc Thành, thực trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bừa bãi đang diễn ra ở nhiều địa phương tại Yên Thành. Xã Long Thành cũng đã được hỗ trợ đặt các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thế nhưng khi đoàn cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đến thực địa, họ vẫn tìm thấy rất nhiều vỏ bao bì ở ngoài đồng ruộng.

Một số địa phương đã được hỗ trợ đặt bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng nhiều nông dân vẫn chưa ý thức để bỏ vào đây
Một số địa phương đã được hỗ trợ đặt bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng nhiều nông dân vẫn chưa ý thức để bỏ vào đây

 Thạc sỹ Lê Hoàng Huy - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật nội địa cho biết: Thực trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương, thậm chí người dân nhiều nơi khi được hỏi đều trả lời là có rửa bình phun thuốc ngay trong kênh nội đồng hoặc trong các mương, ao trong ruộng. Điều này gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của cả một vùng dân cư rộng lớn.  

Những hậu quả nặng nề

Với diện tích nông nghiệp lớn, mỗi năm Nghệ An tiêu thụ từ 500-700 tấn thuốc bảo vệ thực vật, tương đương với đó là khoảng 50-70 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị thải ra môi trường.Thuốc BVTV là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất bền trong môi trường nên khó phân hủy sinh học.

Theo ước tính, chỉ có khoảng 40% lượng thuốc phun xuống đồng ruộng là tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh, hơn 50% còn lại tồn dư trong bao bì, bay vào không khí, nhất là bị rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ và trầm tích ở đáy sông, kênh, rạch…

Nông dân rửa bình phun thuốc BVTV ngay trong kênh
Nông dân rửa bình phun thuốc BVTV ngay trong kênh

Thuốc BVTV xâm nhập vào môi trường đất làm cho tính chất cơ lý của đất giảm sút, tiêu diệt nhiều vi sinh vật có lợi trong đất, làm hoạt tính sinh học trong đất giảm. Thuốc gây ô nhiễm môi trường nước gồm cả nước mặt và nước ngầm, suy thoái chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng đến các sinh vật thủy sinh.

Các loại thuốc trừ sâu thường có tính năng rộng, có thể diệt được nhiều loại côn trùng. Do vậy không chỉ sâu bệnh mà cả các động vật, vi sinh vật trong đất, nước, các thiên địch có ích trên đồng ruộng cũng bị tiêu diệt theo.  Về lâu dài sẽ làm mất cân bằng sinh thái, giảm đa dạng sinh học, tăng nguy cơ bùng phát dịch hại.

Thuốc có thể xâm nhập vào cơ thể người qua nhiều con đường khác nhau
Thuốc có thể xâm nhập vào cơ thể người qua nhiều con đường khác nhau

Thuốc có thể xâm nhập vào cơ thể người qua nhiều con đường khác nhau như: Trong quá trình phun thuốc nếu không sử dụng đồ bảo hộ kỹ càng sẽ có thể tiếp xúc với thuốc qua da; qua niêm mạc mắt, miệng, mũi gây mẩn ngứa, khó thở, đau mắt, nặng hơn có thể gây chết người do ngộ độc khi phun xịt. Thuốc BVTV còn tồn dư trên đồng ruộng theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước, trong không khí, tích luỹ trong môi trường, làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.

Cần xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng cách

Thuốc bảo vệ thực vật đang ảnh hưởng đến môi trường sống và lên chính sức khỏe của chúng ta mỗi ngày. Bởi vậy, mỗi người dân cần chủ động trang bị kiến thức để sử dụng thuốc đúng cách, giảm tác động đến môi trường.

Ths Lê Hoàng Huy - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Nghệ An khuyến cáo: Bà con nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được các nhà chuyên môn khuyến cáo, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc thân thiện với môi trường, sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách, đúng lúc). Đặc biệt, sau khi sử dụng cần phải bỏ bao bì vào các bể chứa theo qui định.

Với các địa phương chưa được hỗ trợ xây dựng bể chứa thì có thể tự tạo bể chứa theo qui chuẩn như sau: Bể phải xây bằng vật liệu chắc chắn (vó dụ như bê tông), có nắp đậy và có đáy để tránh hóa chất tồn dư trong các bao bì thẩm thấu ra môi trường. Bể có đường kính 1m, chiều cao 1m. Trên thân bể có cửa bỏ bao bì thuốc sau sử dụng, và có dòng chữ rõ ràng “Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật” cùng với dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm – Ths Lê Hoàng Huy nhấn mạnh.

(Anh Đào)