Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thiếu nguyên liệu, ngành mía đường khó giải “bài toán” hội nhập

11:26, 23/08/2015
(truyenhinhnghean.vn) Trong mấy năm trở lại đây, diện tích mía nguyên liệu và năng suất mía đường có chiều hướng giảm sút đã làm cho các nhà máy trên địa bàn gặp khó khăn. Cùng với đó là công nghệ ép mía lạc hậu là những thách cho ngành mía đường Nghệ An trước khi xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan đường từ ASEAN vào năm 2018.

 

 
Nhiều vùng nguyên liệu mía bị thu hẹp (Ảnh minh họa)  
   

Mấy năm nay nhiều hộ nằm trong vùng chuyên canh mía của tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Đã có không ít hộ tự ý chuyển đổi sang trồng loại cây trồng khác, nguyên nhân chính là do năng suất mía giảm, thiên tai, hạn hán liên miên. Chỉ trong mùa nắng hạn năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn đã mất trắng 2 mẫu mía và chuyện trồng lại diện tích này không phải là dễ khi không có giống và niên vụ mới chưa bắt đầu. Chị Hoa nói: Gia đình tôi sống nhờ hoàn toàn vào cây mía, hiện tại, mía chết trắng đồng nghĩa với phải trồng lại cũng không trồng được vì giống không có và không đúng niên vụ, tiếp tục thế này thì chuyển sang cây trồng khác.

 

Toàn tỉnh hiện có vùng nguyên liệu mía gần 30 nghìn ha, sản lượng hàng năm khoảng gần 1,8 triệu tấn, với 3 nhà máy đang hoạt động. Tuy nhiên, niên vụ ép 2014 – 2015, diện tích, năng suất và sản lượng mía của cả 3 nhà máy đều giảm so với kế hoạch đề ra. Đây chính là 1 thách thức lớn cho các nhà máy khi vùng nguyên liệu không đảm bảo.

 

Ông Đặng Văn Cảnh - Giám đốc Công ty CP mía đường Sông Lam cho biết: Nhà máy đã được nâng công suất và trong 20 năm lên đây xây dựng vùng nguyên liệu cùng với nông dân, nhưng nay nếu người nông dân không hợp tác thì cũng không thể làm gì được. Năm vừa rồi, khi vào vụ ép thì phải đóng máy sớm hơn vì hết nguyên liệu.

 

Theo số liệu tổng hợp, nếu năm 2005, năng suất mía bình quân chung toàn tỉnh đạt 60 tấn/ha, thì năm 2008 còn 58 tấn/ha, năm 2012 chỉ còn lại 55 tấn/ha và vụ ép 2014 - 2015 năng suất bình quân mía chỉ khoảng 52 tấn/ha. Theo tính toán của người trồng mía mỗi niên vụ chỉ thu về được trên dưới 11 triệu đồng/ha/. Năng suất mía thấp, người trồng mía không có lãi, còn về phía các nhà máy chế biến đường, hiệu quả sản xuất mía thấp cũng đưa đến rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, đầu tư thâm canh mía cũng đang là một vấn đề.   

 

Ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết thêm: Doanh nghiệp cũng chỉ biết vận động nhân dân trồng mía để tăng năng suất nhưng cũng chưa đạt được kết quả cao. Nếu đầu tư bằng việc công nghệ tưới nhỏ giọt thì cũng phải tiềm lực và quỹ đất,điều này cũng rất khó khăn.

 

Đến năm 2018 sẽ xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan đường trong khối ASEAN, với việc giảm năng suất và diện tích mía nguyên liệu như hiện nay thì các nhà máy đường của tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giá đường một số nước trong khối ASEAN so với trong nước thấp hơn rất nhiều. Để đảm bảo sự cạnh tranh của ngành mía đường hơn lúc nào hết, doanh nghiệp, nông dân và các cơ quan liên quan cần vào cuộc tính toán để đưa ra giải pháp khả thi cho cây mía nguyên liệu.

 

(Sỹ Đức)