Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Anh Sơn: Cần thiết xây dựng thương hiệu cho bánh gai Tường Sơn

10:30, 10/04/2018

Từ lâu, bánh gai Dừa đã là niềm tự hào của người dân xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Thế nhưng, vẫn còn nhiều việc phải làm để sản phẩm này khẳng định được thương hiệu, tiếp cận với nhiều khách hàng trong và ngoài huyện. Trong đó, điều quan trọng nhất là xây dựng thương hiệu tập thể bánh gai xứ Dừa Tường Sơn.

 

Trong các hộ làm bánh gai ở Tường Sơn, cơ sở Đoài Lan ở thôn 3 có tiếng hơn cả. Theo chị Lan - chủ cơ sở, cái làm nên hương vị của bánh gai chính là lá gai. Lá gai ngon phải là loại lá to, bánh tẻ, đem phơi khô, tước bỏ hết gân, thái nhỏ đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn trộn với bột. Đỗ xanh phải là loại đỗ chè, hạt nhỏ mới bở, thơm. Muốn có bánh gai ngon thì không luộc mà phải hấp như thổi xôi, cho sôi khoảng hai tiếng, căn cho đều lửa, bánh mới mềm, dẻo. Dùng bếp củi để đun nấu để bánh giữ được hương vị riêng.

a
Nguyên liệu làm bánh được lựa chọn tỉ mỉ. Trong đó, lá gai được các hộ sản xuất trồng tại địa phương để tiện cho việc thu hoạch.

Với 30 lao động/ngày, cao điểm có thể lên tới 50 lao động/ngày, cơ sở sản xuất này cung cấp ra thị trường hơn 4.000 cặp bánh mỗi ngày, sau khi trừ chi phí cho thu về hơn 2 triệu đồng tiền lãi.

“Nghề làm bánh gai của gia đình đã được duy trì qua 3 thế hệ. Để tạo uy tín, ngoài bí quyết gia truyền,  từ khâu nguyên liệu đến gói bánh đều được làm cẩn thận, tỉ mỉ, đặc biệt là phải đảm bảo vệ sinh. Có như vậy khách mới nhớ tới bánh của gia đình mình” - Chị Bùi Thị Lan - Chủ cơ sở sản xuất Đoài Lan chia sẻ thêm.

a
Bánh gai được gói bằng lá chuối khô để giữ được mùi vị đặc trưng

Không chỉ cơ sở sản xuất Đoài Lan mà các hộ sản xuất bánh tại xã Tường Sơn bán ra thị trường từ 20.000 - 50.000 chiếc bánh gai Dừa, hộ nhiều thì 3.000 – 4.000 chiếc/ngày, hộ ít thì 400 - 500 chiếc/ngày. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó. Tuy nhiên với những hộ sản xuất quy mô lớn như gia đình Chị Bùi Thị Hà - chủ hàng bánh gai Hà Lương thì vẫn luôn trăn trở với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của gia đình nói riêng và địa phương nói chung trở thành một thương hiệu tập thể.

Chị Bùi Thị Hà - Chủ cơ sở bánh gai Hà Lương ở thôn 3, xã Tường Sơn bộc bạch: “Mỗi ngày cơ sở của tôi làm ra hàng nghìn cặp bánh, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, nhưng vẫn không ai biết đó là bánh gai Tường Sơn bởi sản phẩm của chúng tôi vẫn chưa có được thương hiệu, bao bì sản phẩm. Do đó, điều mong mỏi của không những tôi mà của tất cả các hộ làm bánh gai ở đây là thương hiệu được công nhận bằng văn bản của Nhà nước”.

Bánh gai Tường Sơn vẫn giữ nguyên cách làm truyền thống thủ công từ hàng chục năm nay.
Bánh gai Tường Sơn vẫn giữ nguyên cách làm truyền thống thủ công từ hàng chục năm nay.

Bánh gai vốn không chỉ riêng ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn nhưng bánh gai xứ Dừa có hương vị, bản sắc riêng từ cách chọn nguyên liệu chế biến đến màu sắc và cách gói bánh độc đáo. Nghề làm bánh gai ở xã Tường Sơn ngày càng phát triển, đóng góp nguồn thu không nhỏ cho ngân sách địa phương. Toàn xã hiện có gần 20 cơ sở sản xuất bánh gai, tập trung ở thôn 3, thôn 4.

Mặc dù sản phẩm bánh gai Dừa Tường Sơn đã có mặt trên thị trường từ rất lâu, nhưng vấn đề xây dựng thương hiệu để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người sản xuất và người tiêu dùng đang là vấn đề cần có sự quan tâm của cấp uỷ chính quyền địa phương. Thương hiệu bánh gai Dừa hiện nay chỉ có được từ cảm nhận và đánh giá của người tiêu dùng, chưa có đăng ký nhãn hiệu. Vì vậy muốn mở rộng thị trường mới, việc cạnh tranh, tiếp cận với khách hàng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Trung Tuyến - Chủ tịch UBND xã Tường Sơn cho biết: “Làm bánh gai là nghề truyền thống của người dân xã Tường Sơn từ nhiều năm nay, không những góp phần quảng bá cho địa phương mà còn là kế sinh nhai của hàng trăm lao động trên địa bàn xã. Do đó, địa phương luôn tạo điều kiện cho các hộ làm bánh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất”.

Luộc lá gai cũng như nấu bánh gai đều bằng bếp củi.
Luộc lá gai cũng như nấu bánh gai đều bằng bếp củi.

Theo nghề làm bánh gai, phải thức khuya dậy sớm nhưng bao năm qua, những người làm bánh gai ở Tường Sơn vẫn gắn bó với nghề. Đơn giản bởi ngoài lợi nhuận để mưu sinh người dân nơi muốn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông và gìn giữ một đặc sản của quê hương. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Dừa Tường Sơn” chính là bước khởi đầu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

món quà quê dân dã của Anh Sơn.
Bánh gai - Món quà quê dân dã của Anh Sơn.

Được biết, UBND huyện Anh Sơn đang có kế hoạch trình xin công nhận làng nghề bánh gai Anh Sơn và xây dựng lộ trình bảo hộ thương hiệu sản phẩm, hướng tới sự phát triển bền vững và đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, chắp cánh cho sự lan tỏa và niềm tin yêu cho khách hàng gần xa đối với thức quà dân dã này.

Hoài Chung - Đài TTTH Anh Sơn