Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn trong mùa giông lốc?

18:01, 25/04/2018

Hiện tượng giông lốc xuất hiện bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay. Những trận giông lốc ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và gây thiệt hại về tài sản của người dân, nhất là khu vực miền núi. Người dân cần lưu ý những gì để có biện pháp ứng phó khi hiện tượng giông lốc xảy ra?

Người dân xóm Mó, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp đến bây giờ vẫn chưa khắc phục hết những thiệt hại do trận giông lốc kèm mưa đá gây ra vào chiều 21/2/2018. Hơn 20 ngôi nhà của xóm Mó bị tốc mái, nhiều cây trồng bị hư hại, đổ gãy. Đa phần người dân ở đây đều là đồng bào dân tộc Thổ, đối với họ, cơn lốc không chỉ phá hủy tài sản mà còn để lại nỗi lo lắng về thiên tai rình rập.

a
Nhiều gia đình người dân xóm Mó, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp chưa khắc phục hết thiệt hại do trận giông lốc kèm mưa đá gây ra vào chiều 21/2/2018.

Chia sẻ của anh Cao Văn Thư – người dân xóm Mó: “Ngày 21/2, sau trận lốc đầu tiên, tôi đi thăm hỏi nhà họ hàng, xóm láng vừa về thì bất ngờ có cơn lốc mới ập đến tốc cả mái của nhà mình”. 

Các hộ mới chỉ khắc phục hậu quả thiên tai theo cách tạm bợ.
Nhiều hộ mới chỉ khắc phục qua loa hậu quả thiên tai.

Cũng là một trong những hộ bị ảnh hưởng từ cơn lốc, xà Cao Thị Huê ở xóm Mó nhớ lại: “Cơn lốc vừa qua làm bay tốc mái nhà, có nhà mái tôn từ đằng sau bị bốc ra đằng trước sân”.

Trong khi người dân xóm Mó còn chưa hết bàng hoàng bởi sự tàn phá của giông lốc thì ở những nơi khác, người dân vẫn còn khá mơ hồ với việc ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, bởi với họ, chưa xảy ra thì chưa phải lo lắng nhiều.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thịnh – người dân xóm 15, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn: “Kiến thức của mình thì chỉ có về bão lụt chứ đối phó với sấm sét thì chưa biết”.

Hệ thống điện, nhà cửa,...
Hệ thống điện chằng chịt dây ngay cạnh nhà dân tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu gặp hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tháng 3 đến tháng 5 hàng năm là thời điểm được dự báo thường xảy ra các hiện tượng giông lốc, sấm sét. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này không thể dự báo chính xác sẽ xuất hiện lúc nào, ở đâu, chỉ đến khi thiên tai ập đến, tàn phá nhà cửa, mùa màng, cây cối, người dân trở tay không kịp.

Nói về các biện pháp ứng phó khi hiện tượng giông lốc xảy ra, ông Phan Anh Tuấn – Trưởng ban Truyền thông Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: “Trước mùa giông lốc thì bà con nên chằng chống nhà cửa cận thận; chặt các phần cây lớn, tỉa cành tránh đổ vào nhà. Khi làm việc ngoài đồng, bà con thấy mây đen nên về nhà ngay, không nên tránh trú dưới các gốc cây lớn trên ruộng nương”.

Cán bộ Hội chữ thập đỏ tỉnh tuyên truyền
Cán bộ Hội chữ thập đỏ tỉnh tuyên truyền các biên pháp phòng chống thiên tai mùa giông lốc cho người dân.

Biến đổi khí hậu khiến cho các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường. Các kiểu hình thiên tai cũng xuất hiện bất ngờ, có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực dân cư nào. Vì thế, người dân nên chủ động chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cao và trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về thiên tai để biết cách ứng phó và giảm thiệt hại do giông lốc, sấm sét gây ra./.

Phương Thảo – Sỹ Đạt