Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chuyện của những "công trình phụ"

10:16, 24/05/2018

Hội nghị xúc tiến du lịch Nghệ An - Lào và Thái Lan diễn ra trong thời gian từ ngày 20 – 24/5. Đây là cơ hội để Nghệ An quảng bá tiềm năng du lịch tới 2 đất nước trong cùng khu vực ASEAN. Thành công đáng ghi nhận là đại diện ngành du lịch từ Việt Nam, Lào, Thái Lan đã có hiệp ước thỏa thuận về việc tăng cường kết nối, với mục tiêu đẩy mạnh số lượng khách tham quan từ các bên trong năm 2018. Tuy nhiên, bên lề hội nghị, phóng viên NTV đã ghi lại được những câu chuyện không có ở diễn đàn.

 

Chị Trần Thị Tứ, một Việt Kiều sinh sống ở Thái Lan là Trưởng hội phụ nữ làng 5 - Thành phố Udon, tỉnh Udonthani. Năm nào chị cũng về nước và tới Nghệ An cùng đông đảo bạn bè - những người khách đến từ xứ sở du lịch Thái Lan. Những thay đổi về diện mạo, cơ sở hạ tầng trên đất mẹ làm chị không khỏi tự hào, có lẽ đó là tâm lý dễ hiểu của một người con gốc Việt khi dẫn bạn bè về thăm quê.

Chị Trần Thị Tứ (ngoài cùng bên trái) chia sẻ với lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An.
Chị Trần Thị Tứ (ngoài cùng bên trái) chia sẻ với lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An.

Gặp chúng tôi, chị chân thành chia sẻ: "Đường sá rộng hơn, đẹp hơn, các khu du lịch được đầu tư lớn, cứ mỗi năm về lại thấy một đổi khác, mừng lắm". Người Việt Nam ai ở xa Tổ quốc nghe được những điều này chắc không khỏi phấn khởi, chúng tôi cũng vậy.

Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến du lịch
Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến du lịch.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của giới truyền thông.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của giới truyền thông.

Nhưng điều làm chị và khách của chị thấy đáng ngại nhất là các điểm dừng nghỉ, các nhà vệ sinh công cộng. Câu chuyện của chị làm chúng tôi im lặng một lúc, tôi chắc rằng mọi người trong đoàn công tác Nghệ An đang nghĩ như tôi, đang tưởng tượng như tôi: mấy ngày gần đây, ở trên đất nước Chùa Tháp Thái Lan, nếu trong hành trình tham quan, trên đường phố đông đúc này, chúng tôi không có "chỗ nghỉ chân" sẽ như thế nào? Chắc sẽ lại phải làm một cái việc mà đối với đa số người Việt là "chuyện bình thường", quay lưng ra đường phố, tìm đến các gốc cây...

Chúng tôi thấy chị nói đúng, chị đang góp sức xây dựng du lịch cho quê hương Nghệ An bằng những tiểu tiết nhưng nó lại có ảnh hướng lớn đến đại cục.

Một góc Udonthani - Thái Lan hôm nay.
Một góc Udonthani - Thái Lan hôm nay.

Người Thái Lan và rất nhiều quốc gia trên thế giới không dùng từ "công trình phụ" khi nói tới chỗ để con người đi vệ sinh. Với họ, đó lại là "công trình chính" bởi đó là nơi giải quyết nhu cầu sinh học chính đáng và thường xuyên của con người. Và chắc chắn với những con người hiện đại theo đúng nghĩa, công trình vệ sinh phải là nơi đẹp và sạch sẽ. 

"Trong quy hoạch xây dựng phố phường ở Thái Lan, người ta coi các điểm dừng nghỉ, vệ sinh là một điểm nhấn để kéo khách du lịch về với thành phố" - Chị Tứ chia sẻ với chúng tôi bằng hiểu biết của mình.

Không phải Nghệ An chưa từng có, chí ít là ở thành phố Vinh hay thị xã biển Cửa Lò, dù nó chỉ tồn tại với đúng nghĩa "công trình phụ". Và vì là "phụ" nên giờ đây đã bị dỡ bỏ. Cũng cần nói thêm rằng, nguyên nhân lớn của việc dỡ bỏ các công trình vệ sinh công cộng là bởi người dân thiếu ý thức trong việc sử dụng nó. Điều này, giới truyền thông đã nói tới không phải một lần. Những nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam trở thành nơi xả thải xú uế , nơi mà ai lỡ vào một lần thì chỉ còn cách "chọn gốc cây" ở lần sau.

Tại sao những nhà quản lý, nhà quy hoạch không xem nơi dừng nghỉ, chỗ vệ sinh là công trình chính? Lẽ dĩ nhiên, nó sẽ trở thành việc lớn bởi đã là "công trình chính" thì chắc chắn phải được quan tâm hàng đầu, sẽ có cả chủ trương, pháp luật, truyền thông cho việc thay đổi một cách nghĩ, một thói quen chưa tốt của người Việt, người Nghệ?

a
Đại diện ngành du lịch từ Việt Nam, Lào, Thái Lan đạt hiệp ước thỏa thuận về việc tăng cường kết nối, với mục tiêu đẩy mạnh số lượng khách tham quan từ các bên trong năm 2018. 

Chúng tôi rời hội nghị, chia tay người đồng hương ở nước bạn xa xôi mà vẫn thấm thía mãi lời chia sẻ chân thành của chị: Đừng xem nhà vệ sinh là công trình phụ./.

Ngọc Dũng