Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cử tri Quế Phong: Cần quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của người bảo vệ rừng

17:32, 18/09/2017

Chiều nay (19/9), tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). 

Cùng đi tiếp xúc cử tri có ông Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Mong Văn Tình - Đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào nội dung của Dự thảo Luật bảo vệ rừng (sửa đổi). Trong đó, ý kiến tập trung nhiều nhất liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn và sự cần thiết trong việc trang bị công cụ hỗ trợ cho chủ rừng; người bảo vệ rừng phải được cụ thể, chi tiết hơn trong luật.

a
Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Các ý kiến còn cho rằng, nội dung tại các điều, khoản cần có tính bao quát, thể hiện rõ mục tiêu, quan điểm trong công tác đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, luật cần có quy định cụ thể về quyền tiếp cận rừng đối với cộng đồng dân cư không phải là chủ sở hữu, từ đó tạo ra sự gắn kết theo hướng bền vững giữa người dân và diện tích rừng cần bảo vệ; Đảm bảo cân đối bố cục luật giữa các quy định về bảo vệ với phát triển rừng; sắp xếp các chương, mục, điều, khoản bảo đảm tính logic và khoa học.

a
Ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận mọi ý kiến đóng góp của cử tri.

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương và 111 điều, tăng 4 chương và 23 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004. Dự thảo Luật lần này còn bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng, như định nghĩa về rừng, bổ sung một số loại rừng, sở hữu rừng, chính sách lâm nghiệp, xác định chủ rừng và các quy định trong giao quyền quản lý, bảo vệ, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng, thu hồi rừng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sự dụng rừng sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp; quy định về đóng, mở cửa rừng tự nhiên, chế biến, thương mại lâm sản, cũng như phục vụ nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.

Mọi ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, và gửi đến ban soạn thảo trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Nam - Hữu Song