Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tai nạn trong trường học: Không thể chủ quan

22:26, 06/11/2017

Từ đầu năm học 2017 - 2018 đến nay, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn trong trường học. Nghệ An dù chưa xảy ra vụ tai nạn học đường nào gây nguy hiểm đến tính mạng của học sinh, nhưng đó là hồi chuông cảnh báo công tác phòng tránh tai nạn cho học sinh phải được quan tâm hơn trước khi quá muộn.

Ngay những ngày đầu năm học mới, tại Lâm Đồng, 1 phòng học sập trần làm nhiều học sinh bị thương và chỉ sau đó 2 tháng, cũng sập trần lớp học khiến nhiều học sinh phải nhập viện. Và đau lòng nhất, 1 sinh viên trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị mảng bê tông rơi trúng đầu tử vong. Có thể thấy điểm chung của những vụ tai nạn này liên quan đến cơ sở vật chất xuống cấp.

Vụ việc hi hữu xảy ra tại Trường THCS&THPT Đống Đa, thành phố Đà Lạt, huyện Lâm Đồng khiến 10 học sinh phải nhập viện.
Vụ việc hi hữu xảy ra tại Trường THCS&THPT Đống Đa, thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng khiến nhiều học sinh phải nhập viện. (Ảnh: Tư liệu)

Ở Nghệ An, cơn bão số 2 vừa qua, 1 mảng trần bê tông hành lang của Trường Tiểu học Đà Sơn, huyện Đô Lương rơi xuống, rất may không có tai nạn vì học sinh nghỉ học.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đà Sơn, huyện Đô Lương “Trường Tiểu học Đà Sơn qua 23 năm sử dụng, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, hư hỏng nhiều. Mà việc học thì ko thể đừng nên nhà trường cố gắng vận động đóng góp, tiến hành sửa chữa hàng năm”.

a
Vết nứt lớn trên tường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Tuy nhiên, may mắn sẽ không đến mãi khi các phòng học sử dụng hàng chục năm xuống cấp. Theo đó, để bảo vệ an toàn cho học sinh trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì sửa chữa là giải pháp hầu hết các trường thực hiện. Chẳng hạn như dãy phòng học xây dựng bằng vôi và đá cách đây 40 năm của Trường THCS Hưng Yên năm nào cũng phải tu sửa 1 vài hạng mục, nhưng kể từ sau bão số 2 thì phải nâng cấp lại hoàn toàn.

a
Cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

Ngoài lý do cơ sở vật chất xuống cấp không thường xuyên được thay thế, sửa chữa còn nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn học đường. Vì vậy, để phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh, theo cô giáo Nguyễn Thị Nhung - cán bộ quản lý lâu năm ở trường Mầm non, nơi tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn cho trẻ thì giáo viên phải theo sát và dự đoán trước những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên cho biết: “Chúng tôi luôn phải đặt ra các giả thiết về tình huống có thể xảy ra với các cháu. Vì vậy chúng tôi cũng đã quán triệt cô giáo không được rời trẻ quá 5 phút, đặc biệt là các trẻ không ngủ trưa. Các em hiếu động nhưng không ý thức được việc làm của mình như việc úp gối lên mặt bạn có thể gây tử vong”.

Trẻ lứa tuổi mầm non chưa ý thức được tác hại của việc mình làm dễ gây ra tai nạn cho bản thân hoặc bạn học.
Trẻ lứa tuổi mầm non chưa ý thức được tác hại của việc mình làm dễ gây ra tai nạn cho bản thân hoặc bạn cùng lớp.

Nói về các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: “Đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường học, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Hiệu trưởng. Ngoài yêu cầu các Phòng Giáo dục - Đào tào, chúng tôi yêu cầu các Hiệu trưởng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình an toàn của trẻ, đặc biệt là các công trình đang tu bổ hoặc xây mới”.

Học sinh càng nhỏ tuổi thì càng chưa ý thức được những trò chơi nghịch ngợm gây nguy hiểm cho chính mình. Vì vậy, giải pháp an toàn nhất cho các em là phải thường xuyên kiểm tra và kịp thời sửa chữa cơ sở vật chất hư hỏng; không thể chủ quan và không cho phép sự bất cẩn của giáo viên dù nhỏ nhất.                                                    

Thu Hiền - Hữu Dũng