Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nuôi vịt đẻ khép kín thu lãi 200 triệu/năm

16:20, 15/06/2016

Mô hình khép kín nuôi vịt đẻ liên kết với lò ấp trứng của chị Nguyễn Thị Giang (xóm 14 - xã Nghi Lâm - Nghi Lộc) đang được nhiều bà con nông dân tham quan và học tập bởi sự tiện lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lợi nhuận 200 triệu đồng/năm.

Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu mua trứng vịt lộn của người dân tăng cao. Do đó, lò ấp trứng vịt lộn của gia đình chị Giang tăng công suất hoạt động lên 1,8 vạn quả trứng để  đáp ứng  phục vụ người tiêu dùng. Tính trung bình mỗi năm gia đình chị cung ứng ra thị trường 48 vạn quả trứng, thu được lợi nhuận 200 triệu đồng/năm.

Đến thăm mô hình chăn nuôi vịt đẻ và lò ấp trứng của chị, chúng tôi vô cùng ấn tượng trước quy mô xây dựng chuồng trại và lò ấp với hàng vạn quả trứng.

Diện tích trang trại rộng khoảng 0,5ha, được gia đình chị bố trí rất khoa học, ngoài nơi để vịt nghỉ ngơi chị còn bố trí khoảng sân chơi và mảnh ao để 2 ngàn con vịt đẻ tắm táp, trông rất thoáng mát, sạch sẽ và đẹp mắt.

Mô hình chăn nuôi của chị Giang
Mô hình chăn nuôi của chị Giang

Về quá trình xây dựng mô hình, chị Giang cho biết: Trước đây, gia đình tôi đã có nhiều năm nuôi vịt nhưng chỉ nuôi theo hình thức quảng canh, lợi nhuận không đáng là bao. Đến năm 2013, sau chuyển đổi ruộng đất, tôi nhận thấy phần đất của mình rất phù hợp để chăn nuôi nên đã bàn với chồng đầu tư 100 triệu đồng để cải tạo ao đầm, mua vịt giống về nuôi.

Qua tìm hiểu, chị Giang nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ rất mạnh trứng vịt, đặc biệt vịt lộn, do vậy, chị mày mò tìm hiểu thông tin qua báo đài, mạng Internet, ti-vi về kỹ thuật chăn nuôi vịt đẻ.

Từ kiến thức thu thập được cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn đã có, gia đình chị Giang mạnh dạn đầu tư mua 2 ngàn con vịt giống, với giá 12 ngàn/con về nuôi. Thức ăn cho vịt được phối trộn từ phụ phẩm nông nghiệp như: Ngô, trộn lẫn cám tổng hợp, rau chuối, rau muống để tăng chất xơ cho nên sức đề kháng rất tốt, ít xảy ra dịch bệnh, đặc biệt vịt đẻ nhiều, đẻ đều và cho năng suất cao. Trung bình mỗi ngày 2 ngàn con đẻ, thu  được 1.500 quả trứng.

Lò ấp trứng vịt lộn
Lò ấp trứng vịt lộn

Khi có sẵn nguồn trứng, chị đầu tư 40 triệu đồng mua lò ấp do lợi thế nhu cầu thị trường bán rất chạy trứng vịt lộn. Vịt đẻ ngày nào chị cho ấp ngày đó. Mỗi quả trứng khi ấp thành phẩm vịt lộn phải mất thời gian là 17 ngày,  sau đó đưa ra soi để loại bỏ những quả không có phôi. Trứng ấp bằng máy tự động, luôn đạt tỷ lệ  từ 95 - 96%.  

Cứ thế quay vòng, ngày nào chuồng trại nhà chị Giang cũng cho ra lò hơn 1.300 quả trứng vịt lộn. Với giá 3 ngàn đồng/quả. Tổng 1 ngày gia đình chị thu về hơn 3 triệu đồng từ tiền bán vịt lộn. Sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc, tiền điện, tiền khẩu hao máy, gia đình chị thu về trên 500 ngàn đồng/ngày.

Bí quyết thành công

Chia sẻ về bí quyết thành công chị Giang cho biết: Nuôi vịt đẻ trứng đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, chú ý từ khâu chọn giống đến chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh, nhất là khâu chọn giống. Nếu chọn được con giống tốt sẽ cho sản lượng trứng cao. Từ lúc mua giống về nuôi đến khi được 4 - 5 tháng, vịt bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong vòng 2 năm. Cứ 10 con mái thì nuôi kèm 1 trống để phối giống. Đặc biệt lưu ý, trong quá trình vịt đẻ, phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng; ngoài việc tiêm phòng vắc-xin định kỳ thì không được tiêm bất cứ một loại kháng sinh nào vì làm như vậy vịt sẽ ngừng đẻ. Cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên. Khẩu phần ăn của vịt được kết hợp giữa thức ăn cám công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn và phụ phẩm nông nghiệp như rau muống, chuối cây băm nhỏ trộn lẫn ngô, cám, nên đàn vịt khoẻ mạnh cho sản lượng trứng cao. Trung bình 1 ngày mỗi con vịt  ăn khoảng 180-200g thức ăn. Ngoài ra, để vịt đẻ đều, trứng to, vịt đẻ cần được cung cấp thêm ánh sáng, phải chiếu sáng nhân tạo bổ sung vào ban đêm 3 -5 giờ/đêm. Chiếu sáng hợp lý sẽ kích thích vịt đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống cao. Hơn nữa, cứ sau 2 năm tiến hành thay thế đàn vịt mới nhằm tăng năng suất và chất lượng trứng.     

Nhờ nắm được kỹ thuật ấp, quy trình nuôi nên trứng vịt lộn của gia đình chị Giang ra lò đến đâu được thương lái đến thu mua đến đó. Riêng các chợ và quán ăn  phía Tây của huyện Nghi Lộc như Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Mỹ, Nghi Phương, Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc đều lấy nguồn trứng từ gia đình chị. Đặc biệt, trong những ngày làm mùa, trời nắng nóng, nhu cầu của người dân ăn trứng vịt lộn tăng cao do đó có những hôm không có hàng để bán. Trước tình hình đó, gia đình chị Giang đã tăng công suất hoạt động lên 1,8 vạn quả trứng để phục vụ người tiêu dùng.

Chị Giang bên sản phẩm của gia đình mình
Chị Giang bên sản phẩm của gia đình mình

Ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm cho biết: Hiện trên địa bàn xã Nghi Lâm có 3 mô hình ấp trứng. Tuy nhiên mô hình khép kín của chị Giang là hướng phát triển kinh tế rất hiệu quả và sáng tạo. Trong khi các lò ấp khác phải đi mua trứng về ấp, thì mô hình chị Giang bao trọn khép kín cả quy trình từ nuôi vịt lấy trứng đến lò ấp. Chúng tôi đánh giá mô hình này mở ra cho người dân một hướng phát triển kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, địa phương khuyến khích người dân học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình nhằm phát huy khai thác tiềm năng để làm giàu ngay chính mnh đất quê hương.

“Chịu khó, đam mê, tìm hiểu kiến thức và quyết tâm” là kinh nghiệm mà chị Nguyễn Thị Giang xóm 14 xã Nghi Lâm muốn chia sẻ cùng bà con nông dân.

(Thu Hiền)