Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quỳnh Lưu có 40 ha diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen

11:18, 28/07/2017

Tính đến ngày 28/7, toàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng 40 ha diện tích bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, trong đó có 20 ha diện tích có nguy cơ mất trắng.

Phó chủ tịch UBND huyện Đặng Ngọc Bình cùng đoàn kiểm tra bệnh lùn sọc đen trên lúa ở xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu).
Phó chủ tịch UBND huyện Đặng Ngọc Bình cùng đoàn kiểm tra bệnh lùn sọc đen trên lúa ở xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu).

Bệnh lùn sọc đen trên lúa được phát hiện từ ngày 4/7 tại xã Quỳnh Yên, sau đó bùng phát ra một số địa phương khác. Đến nay, toàn huyện có khoảng 40 ha diện tích lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, trong đó có khoảng 20 ha có nguy cơ bị mất trắng, tập trung nhiều nhất ở xã Quỳnh Yên với tỷ lệ nhiễm bệnh 70%, còn lại các xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu đang nhiễm bệnh nhẹ. 

Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen
Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen

Để có biện pháp phòng trừ kịp thời, lãnh đạo UBND huyện cùng Phòng NN&PTNT, Trạm bảo vệ thực vật huyện đã đi kiểm tra tình hình sâu bệnh ở một địa phương, chỉ đạo bà con tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh lùn sọc đen để có biện pháp phòng trừ.

Khoảng 20 ha diện tích lúa ở Quỳnh Lưu có nguy cơ mất trắng do bệnh lùn sọc đen gây ra.
Khoảng 20 ha diện tích lúa ở Quỳnh Lưu có nguy cơ mất trắng do bệnh lùn sọc đen gây ra.

Những địa phương có diện tích nhiễm bệnh nặng cần thống kê thiệt hại cụ thể để có chính sách hỗ trợ khi có chủ trương. Đồng thời rà soát những diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen thuộc loại giống lúa gì để rút kinh nghiệm cho những năm tới.

Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi rút lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền vi rút này.
Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.
Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen.

 

Việt Hùng