Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nông dân Quỳnh Lưu thu nhập cao từ trồng ổi sạch

15:48, 11/08/2017

Từ một vùng đất cằn cỗi, trồng cây kém hiệu quả, gia đình chị Phan Thị Quế ở xóm 3, xã miền núi Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu đã thử nghiệm trồng giống ổi lê Đài Loan. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình, sau 2 năm xuống giống, cây ổi đã cho thu hoạch cao gấp 10 lần so với trồng lúa và đặc biệt ổi được mùa được giá, thương lái đến tận vườn thu mua không lo "ế hàng".

Gia đình chị Phan Thị Quế có gần 5 sào đất trồng lúa nhưng do chân đất cát pha, lại bạc màu nên nhiều năm thâm canh lúa mất mùa, không hiệu quả. Với quyết tâm không để đất bỏ hoang, vợ chồng chị đã đầu tư thuê máy múc lên luống có rãnh thoát nước và mạnh dạn đưa giống ổi lê Đài Loan vào trồng. Nghĩ là làm, vợ chồng chị ra Hưng Yên tìm mua 300 gốc giống ổi trồng trên 5 sào đất. Sau một năm chăm sóc, cây ổi sinh trưởng phát triển tốt cho quả bói. Vụ ổi đầu tiên gia đình thu được hơn 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này anh chị tiếp tục đầu tư phân bón, đào giếng nước để chủ động tưới chăm sóc. Đến nay sau 2 năm trồng, vườn ổi nhà chị cho quả quanh năm, ước tính cho thu nhập 60 triệu đồng/năm từ vụ thứ 2.

chị Phan Thị Quế thu hoạch ổi chín
Giống ổi lê Đài Loan thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu xã miền núi Ngọc Sơn.
a
Cây ổi cho thu hoạch quanh năm.

Theo chia sẻ của chị Quế: Ổi lê Đài Loan có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm. Thời gian sinh trưởng của ổi ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, thu hoạch quanh năm. Thân cây cứng, khỏe mạnh, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Quả nhỏ có hình giống trái lê, vỏ quả láng mịn, ăn rất giòn và có vị ngọt thanh rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên để cây cho quả năng suất cao thì khi quả to bằng ngón tay cái phải dùng túi bọc chuyên dụng để bọc quả. Việc bọc quả sẽ giúp tránh được côn trùng gây hại và giúp cho quả ổi được thơm ngon, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thứ hai phải bấm ngọn ổi để hạn chế cành lá phát triển, dồn chất dinh dưỡng cho quả phát triển tốt nhất. Nhờ áp dụng kỹ thuật bọc túi ni lông nên từ khi ra hoa đến khi quả chín gia đình không phải dùng thuốc trừ sâu vừa bảo vệ sức khỏe cho người trồng vừa an toàn cho người sử dụng.

Áp dụng kỹ thuật bọc quả bằng túi ni lông để
Áp dụng kỹ thuật bọc quả bằng túi ni lông để ngăn sâu ăn quả, người nông dân không phải dùng đế thuốc trừ sâu. Do vậy ổi lê được thị trường ưa chuộng.

Ông Hồ Văn Lập – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Ngọc Sơn là xã miền núi bán sơn địa của huyện Quỳnh Lưu, toàn xã có gần 400 ha đất sản xuất lúa phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa tích trữ tại 3 hồ đập. Trong đó có 1/3 diện tích đất thiếu nước sản xuất trầm trọng, nhất là vụ hè thu – mùa. Để giúp bà con nâng cao thu nhập, tránh tình trạng bỏ phí đất nông nghiệp, những năm qua địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu như cây mía đỏ, cây nghệ vàng, cây gừng… Đặc biệt hiện nay có gia đình chị Phan Thị Quế ở xóm 3 mạnh dạn đưa cây ổi về trồng trên đất lúa. Qua đánh giá thì đây là một mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao và sẽ được địa phương quan tâm hỗ trợ vốn, điều kiện chuyển đổi đất đai để nhân rộng trong thời gian tới.

Ổi có giá bán tại vườn giao động từ 18 - 20 nghìn đồng/kg, và có thể gấp đôi vào dịp Tết Nguyên Đán, đặc biệt luôn có thương lái đến tận vườn thu mua. Giống ổi lê trồng trên đất bạc màu của xã miền núi Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu đang là hướng đi mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương và hơn hết là người dân chủ động sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện nay./.

Như Thủy – Đài TTTH Quỳnh Lưu